Tấm lòng người mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một phụ nữ Jrai đã vượt qua hủ tục, cứu sống một bé gái- theo lệ làng phải chôn chung với người mẹ không qua khỏi cơn vượt cạn. Câu chuyện đầy nước mắt và tình thương ấy từ 27 năm trước vẫn nguyên vẹn trong ký ức của bà Ksor H’Lập.
Vượt qua hủ tục
Một buổi chiều cách đây 27 năm (1984), tại làng Xe, xã Al Bá (huyện Chư Sê, Gia Lai), một phụ nữ quằn quại trong cơn vượt cạn. Bà mụ loay hoay mãi mới giúp được người mẹ sinh con. Một bé gái! Bà reo trong niềm hân hoan. Nhưng mọi chuyện bi thương cũng bắt đầu từ buổi chiều ấy. Chỉ bốn ngày sau, người mẹ chết vì hậu sản, để lại đứa con gái chưa ấm hơi mẹ. Theo lệ làng đứa trẻ được quyết định phải chôn theo mẹ! Cả làng chộn rộn lo lễ cúng ma. Một cái quan tài gỗ to được chuẩn bị sẵn để đưa cả người chết lẫn người đang sống về thế giới Atâu. Chẳng ai thiết ngó ngàng đến đứa trẻ khát sữa đang khóc ngằn ngặt, lả dần.
Bà Ksor H’Lập bên con gái nuôi. Ảnh: Hoàng Ngọc
Bà Ksor H’Lập bên con gái nuôi. Ảnh: Hoàng Ngọc
Vốn buôn bán nhỏ khắp các buôn, làng, bà Ksor H’Lập nghe được chuyện này và tìm đến làng Xe. Nhìn đứa bé đỏ hỏn đang lịm dần, bà vội vàng lấy nước cháo bón cho nó và tha thiết xin về nuôi. Mọi người trong làng nhìn bà ái ngại vì bà đang chửa vượt mặt, cũng sắp đến ngày vượt cạn. Có lẽ động lòng trắc ẩn, già làng đã gật đầu. Một tờ giấy cam kết với những thông tin cho- nhận đứa trẻ rất đơn giản, ngay ngày hôm đó, đứa bé trở thành thành viên trong nhà bà H’Lập. Nhiều nhà hàng xóm thấy trẻ lạ kéo đến xem. Khi biết chuyện, họ chỉ thở dài, thương cho đứa bé thì ít mà ái ngại cho hoàn cảnh hai vợ chồng bà H’Lập thì nhiều. Bởi, vào thời điểm ấy, ông bà đã có tới 8 mặt con, bà lại đang mang bầu đứa thứ 9, gia cảnh rất khó khăn.
Bà H’Lập kể: “Chồng mình khi biết chuyện của đứa bé cũng muốn giữ lại nuôi. Cháu được đặt tên là Ksor Lan. Những ngày đầu, dù đã quen nuôi con nhỏ nhưng cũng thật vất vả. Mình phải nấu cháo thật nhừ, chà cho nhuyễn để đút cho cháu. Bốn tháng sau khi nhận bé Lan, mình sinh đứa thứ 9, cả hai đứa chia nhau dòng sữa mẹ. Lan hay đau vặt, có lần bị tiêu chảy, nó nằm mê man gần 10 ngày, tưởng không qua khỏi. Đáng lẽ theo cam kết với gia đình Lan mình phải đem về trả lúc nó một tuổi nhưng nấn ná mãi, đến năm cháu 3 tuổi, mình mới trả lại cho ba nó, lúc này đã tục huyền với một người trong làng. Mới được mấy ngày Lan lại đau nặng, vậy là mình đem nó về nuôi luôn đến nay…”.
Đứa trẻ hay đau ốm ngày nào giờ đã 27 tuổi, sống với mẹ H’Lập ở thôn 3- thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê). Bà sinh được 12 đứa con nhưng nay chỉ còn 6, đều đã có gia đình. Trong ngôi nhà khang trang hiện nay, chỉ có bà và Lan. Nhìn Lan bà âu yếm: “Nó nhút nhát và ngoan lắm. Năm ngoái mình được tặng vé số, không ngờ trúng mấy trăm triệu đồng. Mình chia cho mỗi đứa con một ít, Lan cũng có phần như các anh chị nó”.
Buồn- vui thời lửa đạn
Hoạt động trong đội văn công của tỉnh từ những năm 1962, từ khi H’Lập mới 15 tuổi. Đến nay, “nét đẹp văn công” vẫn còn đậm đà trên gương mặt bà. Đôi mắt như biết nói và miệng cười hút hồn người đối diện. Bà kể: Chiến tranh ác liệt quá nên dù nhiều người theo đuổi, bà vẫn chẳng dám để mắt đến ai. Niềm vui trong những năm tháng gian khổ là sống cùng cán bộ, chiến sĩ trên khắp các mặt trận của Gia Lai qua từng đêm diễn. Trong một đợt được cử đi học văn hóa ngoài Liên khu, bà phải lòng anh cán bộ Huyện đội Nguyễn Văn Thơm. Kết quả của mối tình đẹp là 12 đứa con lần lượt ra đời.
“Sau giải phóng, cuộc sống vất vả, khó khăn quá nên mình xin ra ngoài buôn bán để nuôi lũ nhỏ. Ông Thơm hiếm khi nào ở nhà vì bận lo việc nước, việc nhà ông phải phó thác hết cho vợ- bà H’Lập chậm rãi kể. Từ một cô văn công chỉ biết múa, hát trên sân khấu, giờ phải bôn ba khắp các buôn, làng bán buôn nuôi con, không phải là việc dễ dàng. Nhưng nếu không được đào luyện trong cách mạng từ nhỏ, mình khó vượt qua những nỗi đau, những vất vả trong cuộc sống…”.
Nỗi đau bà nói đến chính là sự mất mát vì bệnh tật, vì tai nạn, vì nhiễm chất độc da cam của những đứa con mà bà mang nặng đẻ đau. Bà trải lòng: “Ngày đi văn công, có lần mình bị thương nặng ở đầu, giờ vẫn còn vết sẹo khá lớn. Hồi ấy, nhiều vùng rừng núi của Gia Lai còn bị rải chất độc da cam nhưng đội văn công vẫn đi làm nhiệm vụ nên không tránh khỏi bị ảnh hưởng… Sau này mình làm hồ sơ để hưởng chế độ nhưng mấy lần đều không được...”.
Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm