Tấm lòng nhà giáo vùng sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hành trình đến với con chữ của trẻ em 2 làng Bi Giông và Bi Gia (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) vẫn không ít gian nan. Vì vậy, tình yêu thương của thầy-cô giáo trở thành động lực, cầu nối níu chân các em ở lại với trường lớp.

Những cuộc trốn tìm

Đầu tháng 9-2021, chúng tôi theo chân thầy Vũ Văn Tùng-giáo viên môn Lịch sử của Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó) lên rẫy tìm học trò. Tiếng mưa hòa lẫn tiếng gió rít từng cơn khiến con đường mòn dài hơn 3 cây số như càng xa hơn. Chúng tôi phải gửi xe máy tại một chòi rẫy, lội bộ qua con suối nhỏ mới tới được rẫy nhà em Đinh Đuich. Nhà thuộc diện hộ nghèo, Đuich được thầy cô “nuôi” từ lớp 6 đến lớp 9. “Nuôi” ở đây là hỗ trợ quần áo, sách vở và lương thực, thực phẩm. Năm nay là năm cuối cấp, vậy mà sau kỳ nghỉ hè kéo dài, em theo cha mẹ lên rẫy rồi không muốn tới trường nữa. Chưa kịp mừng vì tìm tới nơi, thấy chúng tôi từ xa, cha em đã nói vọng tới: “Thầy ơi, thấy thầy nó chạy trốn vào núi rồi”. Chia nhau đi tìm, kêu rát cổ cũng chẳng thấy em thưa. Bố em đành nói: “Thôi, thầy về đi. Thấy thầy, nó không ra đâu. Để tối tôi đưa nó về cho”. Không thể làm gì khác hơn, chúng tôi đành ngồi nói chuyện với bố em một lúc rồi ra về trong nỗi buồn khó tả. Đêm ấy, thầy Tùng quyết định ở lại làng chờ gặp học trò. Hôm sau, Đinh Đuich đã quay lại trường.

 Thầy Vũ Văn Tùng dạy dỗ học trò bằng tất cả tình yêu thương của mình. Ảnh: Vũ Chi
Thầy Vũ Văn Tùng dạy dỗ học trò bằng tất cả tình yêu thương của mình. Ảnh: Vũ Chi


Năm học 2020-2021, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp có 5 học sinh bỏ học lấy chồng trong thời gian tạm nghỉ để phòng-chống dịch Covid-19. Mẹ từng tự tử để phản đối con gái lấy chồng sớm nhưng Đinh HLinh vẫn không nghe, tự ý về ở nhà chồng. Dò hỏi thì bạn bè nói: “Nó đi lấy chồng rồi, thầy đừng tìm nó nữa”. Nếu buông tay lúc này, 9 năm đèn sách của em sẽ đổ sông, đổ biển, nghĩ vậy, thầy Tùng quyết tâm ở lại làng 4 đêm liên tiếp để làm công tác tư tưởng, thuyết phục người chồng động viên HLinh trở lại trường. Dùng đủ biện pháp từ thuyết phục sang “hù dọa” bằng pháp luật, sáng ngày thứ 5, chính chồng đã chở HLinh đến trường. Được thầy cô dặn dò từ trước, bạn bè không ai nhắc tới chuyện riêng của Linh. Nhờ vậy, em nhanh chóng hòa nhập với các bạn và hoàn thành chương trình giáo dục THCS.

Thành công nhiều nhưng cũng không ít lần thầy cô đành bất lực nhìn học trò nghỉ học bởi quan niệm cổ hủ, lạc hậu đã ăn sâu vào tập quán. Thầy Tùng nhớ như in hình ảnh cậu học trò nhỏ Đinh Beng. Tháng 11-2017, Beng bỏ học đi nhổ mì thuê bên huyện Kông Chro. Biết tin, thầy Tùng quyết định đi tìm học trò. Vừa tìm tới nơi, thầy đã bị chủ thuê nhân công chặn đánh, ngăn cản. Phải nhờ đến lực lượng Công an, thầy trò mới an toàn trở về. Đúng lúc này, Beng tái phát bệnh tim. Mặc dù đã liên hệ với Mạnh Thường Quân nhờ đưa em đi điều trị nhưng cha mẹ em nhất quyết không cho. Họ cho rằng vì đi học, Beng mới bị ma bắt và hành hạ. “Cả tháng trời thuyết phục, chưa bao giờ tôi thấy bất lực đến thế. Chữa bệnh cho học trò không được, con đường đến trường của em cũng dang dở theo. Đến nay, mỗi khi có dịp ghé lại làng, tôi vẫn hỏi thăm tình hình sức khỏe của em. Nghe đâu em theo cha mẹ đi làm ăn xa, lâu lâu mới về”-giọng thầy Tùng chùng xuống.

Níu chân học trò bằng tình yêu thương

Nhiều người trong làng vẫn bảo: “Cái bụng phải no thì đầu óc mới minh mẫn mà học được”, “Học nhiều làm gì, đi chăn bò cho người Kinh còn có tiền hơn”... Chính vì vậy, hoạt động “Tiếp sức em đến trường” luôn được nhà trường và giáo viên coi trọng. Không chỉ là bao gạo, chai dầu ăn, thầy cô tìm mua những chiếc xe đạp cũ về sửa chữa để các em làm phương tiện đến trường. Với những học sinh cá biệt, thầy cô dành thời gian đưa các em ra thị xã Ayun Pa mua quần áo, giày dép, dẫn về nhà mình chơi. Thầy Tùng bảo: “Làm vậy để các em cảm nhận được tình yêu thương của mình, của gia đình mình, của tất cả mọi người dành cho, từ đó sẽ mến trường, yêu lớp hơn”. Chỉ tính riêng năm học 2020-2021, thầy Tùng đã quyên góp, ủng hộ 10 chiếc xe đạp, 100 cái áo đồng phục, 100 cái bánh Trung thu và gần 200 suất quà cho học sinh nghèo với trị giá gần 100 triệu đồng. Thương thầy, coi thầy như người cha thứ 2, khi nghe tin thầy chuẩn bị chuyển trường, nhiều em gặp thầy mếu máo: “Thầy đừng bỏ chúng em”. Tên gọi Đinh Tùng cũng do chính học trò yêu mến đặt cho thầy!

 Thầy Vũ Văn Tùng đến thăm cô học trò nhỏ Đinh HLơnh sau khi em điều trị bệnh tim trở về. Ảnh: Vũ Chi
Thầy Vũ Văn Tùng đến thăm học trò Đinh H'Lơnh sau khi em điều trị bệnh tim trở về. Ảnh: Vũ Chi


Được thầy tặng 3 con dê giống làm sinh kế, em Đinh H'Huệ (học sinh lớp 6) yên tâm hơn với việc đến trường. Mồ côi mẹ từ nhỏ, bố đi lấy vợ khác, H'Huệ sống cùng ông bà đã ngoài 70 tuổi. Không chỉ được thầy cô hỗ trợ gạo ăn hàng tháng, đầu năm 2021, em được thầy Tùng hỗ trợ 3 con dê giống. Ngoài giờ học, H'Huệ tranh thủ chăm sóc đàn dê. Em bộc bạch: “Cuối năm, chúng sẽ đẻ lứa đầu tiên. Em sẽ chăm sóc đàn dê thật tốt cũng như học hành chăm chỉ để không phụ lòng tốt của thầy cô”.
 

Thầy Trịnh Xuân Long-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp: “Với thầy-cô giáo, chính cái tâm với nghề níu chân họ ở lại. Còn với các em học sinh vùng khó này, tình yêu thương của thầy cô là sợi dây bền chặt giữ các em ở lại với lớp, với trường. Tỷ lệ duy trì sĩ số của trường trong các năm học qua luôn đạt trên 95% là minh chứng cho điều đó”.
 

Không chỉ hỗ trợ về vật chất, thầy-cô giáo còn chăm lo cho các em cả những điều nhỏ nhặt như làm giấy khai sinh, nhập hộ khẩu để các em được hưởng chế độ, được cấp thẻ bảo hiểm… Khi các em đau ốm, cũng không ai khác, chính thầy cô đưa đi mua thuốc, khám bệnh. Đầu năm học 2021-2022, khi hay tin em Đinh H'Lơnh (học sinh lớp 9) bị ốm phải nghỉ học, thầy Tùng đã đến nhà thăm. Giật mình khi thấy cô trò nhỏ nằm thoi thóp, thầy tức tốc chở em đến Trung tâm Y tế huyện thăm khám. Phát hiện học trò bị bệnh tim, thầy đứng ra kêu gọi Mạnh Thường Quân hỗ trợ kinh phí và liên hệ mổ tim miễn phí cho em. Hồi sinh sự sống nhờ tình thương bao la của thầy, ngày từ bệnh viện trở về, H'Lơnh đã nhận thầy làm cha nuôi. Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt cô học trò nhỏ là niềm vui, là hạnh phúc, tiếp thêm động lực để thầy gắn bó với ngôi trường vùng sâu đầy khó khăn này.

Bên cạnh sự cố gắng không mệt mỏi của các thầy-cô giáo, Liên Đội Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp cũng huy động các nguồn lực xã hội chăm lo đời sống cho các em học sinh. Định kỳ hàng tháng, thông qua nguồn hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân, Liên Đội trao 13 suất quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn. 6 năm qua, Liên Đội duy trì tốt bữa ăn bán trú cho học sinh lớp 1. Thầy Nguyễn Duy Ry-Tổng phụ trách Đội-trải lòng: “Phải xuống từng thôn, làng mới thấy hết những khó khăn, vất vả của các em học sinh. Thông qua chương trình hỗ trợ, Liên Đội mong muốn giúp các em vơi bớt một phần khó khăn, theo đuổi ước mơ con chữ, bởi chỉ có kiến thức, các em mới thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu”.

Thầy Trịnh Xuân Long-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp có tới 98% là học sinh người Bahnar thuộc 2 làng Bi Giông và Bi Gia. Đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn khiến người dân nơi đây chẳng quan tâm nhiều đến chuyện học hành của con cái. Bởi vậy, thầy cô phải “dỗ” trước rồi mới tính đến chuyện “dạy” như thế nào. Nhưng việc vận động học trò ra lớp khó một thì duy trì sĩ số khó gấp mười lần. Những câu chuyện trốn-tìm của thầy và trò cũng trở nên quen thuộc. Không ít lần thầy-cô giáo phải ngủ lại làng để thuyết phục học sinh ra lớp.

 

VŨ CHI
 

Có thể bạn quan tâm