Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

"Tắm rừng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lần đầu tiên được một người bạn rủ đi “tắm rừng”, tôi đã vô cùng ngạc nhiên. Không chỉ vì khái niệm này khá mới mẻ mà còn bởi những lợi ích đặc biệt mang lại cho sức khỏe, tâm hồn.
“Tắm rừng” (Shinrin-Yoku) là liệu pháp hỗ trợ sức khỏe ra đời ở Nhật Bản. Bằng cách thường xuyên đắm mình trong rừng cây hay khung cảnh tự nhiên, con người sẽ được “giải độc” cuộc sống đô thị, cải thiện sức khỏe, giúp tâm hồn trở nên tươi mới, giàu năng lượng tích cực. Chẳng cần đi đâu xa, chúng tôi đã có một buổi “tắm rừng”, đắm chìm hoàn toàn vào thiên nhiên như vậy dưới những hàng thông già ở bờ Bắc Biển Hồ (TP. Pleiku).
Đầu hạ, một vài cơn mưa trút xuống khiến hoa tam thất dưới những gốc thông bừng nở. Cánh hoa tím nhạt pha sắc trắng mỏng manh, bé xíu, xuyên qua tầng lá mục làm cho mặt đất tràn ngập sắc tím. Mùi đất ẩm sau mưa, mùi lá mục, mùi của cây cỏ cựa mình sau một mùa khô dằng dặc... đánh thức cảm xúc thuần khiến nhất. Thả lỏng cho thân thể, tâm hồn kết nối hoàn toàn với tự nhiên, tôi thu vào trong mình tất cả năng lượng của trời đất. Bạn tôi khuyên rằng, nên vào rừng vào thời khắc chuyển giao của mùa để cảm nhận những thay đổi kỳ diệu của tự nhiên. Chẳng hạn như đầu hạ sẽ được chiêm ngưỡng loài hoa tam thất tím nở sau những cơn mưa rào. Các loài thực vật cũng đồng loạt được đánh thức, trỗi dậy mạnh mẽ sau một mùa khô kéo dài. Những mảng dương xỉ như xanh hơn, đám rêu cũng bắt đầu thức dậy trên những thảm lá mục, những phiến đá ẩm hay cành cây khô khi có hơi nước. Quả là không còn gì tuyệt vời hơn khi đắm mình giữa thiên nhiên như vậy trong những ngày nắng nóng này.
Hoa tam thất bừng nở sau những cơn mưa đầu hạ ở rừng thông Biển Hồ. Ảnh: M.C
Hoa tam thất bừng nở sau những cơn mưa đầu hạ ở rừng thông Biển Hồ. Ảnh: M.C
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, người Nhật đã coi “tắm rừng” là một liệu pháp cho sức khỏe và ngày càng coi trọng phương pháp này đối với sức khỏe cộng đồng. Nhịp sống đô thị làm cho con người ngày càng căng thẳng, cáu gắt, nhiều lo âu; khi tiếp xúc với thiên nhiên, cơ thể chúng ta sẽ trở về trạng thái cân bằng vốn có. Vì vậy, không cần phải cất công để tìm những cánh rừng, cũng không đòi hỏi phải đi bộ, vận động nhiều, chỉ cần nơi nào có rừng cây, có ánh nắng xuyên qua kẽ lá, có tiếng chim hót, có sự tĩnh lặng sẽ giúp thanh tẩy những cảm xúc tiêu cực. Đây cũng là liệu pháp khá đơn giản, chú trọng đến sự thư giãn nên chỉ cần đi dạo hoặc ngồi lại tĩnh tâm chứ không đặt nặng mục tiêu phải xa, đi lâu bao nhiêu.
Đọc hầu hết tác phẩm của nhà văn Kawabata Yasunari-tiểu thuyết gia Nhật Bản đạt giải Nobel Văn học năm 1968 sẽ thấy có một chi tiết thường trở đi trở lại, đó là cảnh nhân vật đi dạo trong rừng cây. Nhà văn thường để các nhân vật của mình đi dạo dưới rừng cây khi vừa ăn xong bữa tối, khi cần tĩnh tâm để suy nghĩ về vấn đề nào đó, về những điều thầm kín nhất của con người. Nhân vật của ông có người còn vào rừng ở ẩn, kết nối với tự nhiên để chữa lành vết thương trong tâm hồn. Trong tác phẩm “Đẹp và buồn” của Kawabata Yasunari-một tuyệt tác của văn chương Nhật Bản, người đàn ông phải mượn lúc đi dạo dưới cánh rừng sau cơn mưa để suy nghĩ về một người đàn bà đẹp. Suy nghĩ là một trạng thái tĩnh lặng và có thể suy nghĩ ở bất kỳ đâu nếu muốn. Nhưng đi dưới những tán cây rừng mới là lúc tự do nhất để người ta hoàn toàn được sống với cảm xúc chân thực trong lòng mình.   
 Bản sao Snapseed 21. Ảnh: M.C
Loài hoa tam thất đất thường nở trong thời khắc chuyển từ mùa khô sang mùa mưa. Ảnh: M.C
Sau nhiều năm nghiên cứu về trị liệu sức khỏe, bác sĩ Qing Li người Nhật đã viết cuốn sách “Tắm rừng: Làm thế nào cây có thể giúp bạn tìm thấy sức khỏe và hạnh phúc”. Trong đó, ông chỉ ra rằng, ở nhà nhiều sẽ khiến con người dễ rơi vào cảm xúc tiêu cực. Còn nếu thực hành “tắm rừng”, chúng ta sẽ được “gột rửa” để trở nên tươi mới, sống tích cực, giàu năng lượng, dễ yêu thương hơn.
Gia Lai có nhiều điều kiện lý tưởng để con người có thể tiếp cận với thiên nhiên, giúp cải thiện trạng thái tinh thần. Xung quanh TP. Pleiku có nhiều rừng thông tự nhiên. Xa hơn, trong bán kính vài chục cây số có Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng là những “lá phổi xanh” khổng lồ. Mỗi người hãy thử thực hành “tắm rừng” mỗi tuần hoặc mỗi tháng 1 lần để lắng nghe cơ thể cảm ơn bản thân mình bằng những năng lượng tích cực không ngờ.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm