Phóng sự - Ký sự

Tận diệt chim, thú hoang dã: Mạnh tay với nạn săn bắt, tiêu thụ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cần quy chế buộc chính quyền địa phương chịu trách nhiệm kiểm soát và chấm dứt tình trạng tiêu thụ thú quý hiếm trái phép trên địa bàn
Theo bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV), tội phạm buôn bán động vật hoang dã luôn tìm cách lách luật ở mọi nơi, từ "lót tay" để được thông quan tại các cửa khẩu đến việc đi "cửa sau" nếu bị phát hiện để thoát tội, giảm án hay thậm chí là trắng án tại tòa. Bà Quyên cho rằng cần xóa bỏ nạn tham nhũng để phòng chống tội phạm về động vật hoang dã hiệu quả.
Buông lỏng quản lý
Đánh giá về thực trạng buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam, một chuyên gia tại ENV nhận định vẫn còn phức tạp và có sự buông lỏng quản lý từ các cơ quan chức năng.
Một cơ sở ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước xin giấy phép gây nuôi một số loài động vật để làm “bình phong” mua bán động vật hoang dã Ảnh: LÊ PHONG
Một cơ sở ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước xin giấy phép gây nuôi một số loài động vật để làm “bình phong” mua bán động vật hoang dã Ảnh: LÊ PHONG
Chuyên gia này dẫn chứng vừa qua, ENV nhận được tin báo nhiều hộ dân tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An có hành vi nuôi gấu trái phép. Qua xác minh, ENV phát hiện tại gia đình ông C., xã Quỳnh Yên, nuôi 5 cá thể gấu và đã bí mật ghi hình làm bằng chứng. ENV đã chuyển tư liệu kèm công văn thông báo đến UBND và Công an tỉnh Nghệ An đề nghị xử lý. Tuy nhiên, hơn 10 ngày sau, ENV liên hệ công an thì nhận được phản hồi các đơn vị chỉ tiến hành kiểm tra tại 2 cơ sở nhốt gấu hợp pháp. Còn địa chỉ mà ENV cung cấp thì không có động thái kiểm tra. Xác minh lại, ENV nhận thấy lồng nuôi gấu mà ENV báo đã thành nơi nuôi gà.
Năm 2015 và 2016, ENV cũng đã chuyển thông tin hình ảnh chính xác về việc các đối tượng ở Nghệ An nuôi hổ trái phép. Tuy nhiên, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Nghệ An vẫn không xử lý được. "Qua việc này cho thấy những đường dây buôn bán động vật hoang dã vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Chống tội phạm về động vật hoang dã chỉ mang tính kiểm tra hình thức, chưa quyết tâm thì tình trạng buôn bán trái phép vẫn diễn ra" - chuyên gia này nhận định.
Bà Trịnh Thị Long, điều phối viên Chương trình Đất ngập nước của Tổ chức Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam, đánh giá nhiều lần phản ánh về sự tồn tại các khu chợ buôn bán chim, thú rừng. Tuy nhiên, khi trao đổi việc này với các cơ quan chức năng ở địa phương, họ đều than "khó lắm" và cho rằng khi kiểm tra, nhiều loài động vật không nằm trong danh mục động vật hoang dã quý hiếm.
Bà giám đốc ENV kiến nghị cần siết chặt tình trạng cấp phép cho các cơ sở gây nuôi thương mại động vật hoang dã do có nhiều đối tượng săn bắt rồi bán cho những cơ sở này. Bằng chứng cho thấy phần lớn các cơ sở thường bổ sung nguồn giống bị săn bắt trái phép từ tự nhiên, thậm chí sử dụng cơ sở gây nuôi như vỏ bọc hợp pháp để buôn bán trái phép. Bà Quyên đề xuất cần quy chế buộc chính quyền địa phương chịu trách nhiệm kiểm soát và chấm dứt tình trạng tiêu thụ thú quý hiếm trái phép trên địa bàn.
Chặn từ gốc
Trước thực trạng nhiều loài động vật quý hiếm khác bị đe dọa, tỉnh Nghệ An, Vườn Quốc gia Pù Mát đã thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp nhằm bảo tồn, phát triển các loài động vật. Cụ thể tỉnh Nghệ An đã triển khai dự án khẩn cấp bảo tồn voi với số tiền gần 87 tỉ đồng.
Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, cho biết: "Đơn vị phối hợp với cơ quan liên quan lập danh sách các đối tượng thợ săn trên toàn vùng đệm để ký cam kết không săn bắn, bẫy động vật hoang dã. Ngoài ra, tổ chức kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ và buộc các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn vùng đệm ký cam kết không bán thịt và sản phẩm từ động vật hoang dã. Theo một cán bộ công tác tại Ban Quản lý Khu Bảo tồn Láng Sen, không chỉ xử lý người kinh doanh mà cần tăng mức xử lý hình sự đối với những thực khách thưởng thức loài động vật quý hiếm. "Có cầu mới có cung, ngăn chặn từ gốc sẽ hiệu quả hơn" - cán bộ này đề xuất.
Theo trang Asia Times (Hồng Kông), chính phủ Thái Lan mới đây đề xuất dự luật nhằm kiểm soát và quản lý số lượng cọp trong các trang trại trên cả nước. Cục Bảo tồn Động thực vật hoang dã quốc gia Thái Lan (DNP) đã lấy mẫu máu và lưu trữ ADN của cọp. Cơ sở dữ liệu này sẽ giúp theo dõi thông tin về các trang trại nuôi cọp. DNP từng yêu cầu đóng cửa chùa Hổ nổi tiếng ở tỉnh Kanchanaburi vào năm 2016 vì sở hữu 147 con cọp, gây giống và buôn bán các bộ phận cọp bất hợp pháp. Luật hiện hành tại Thái Lan quy định phạt 4 năm tù giam và 40.000 baht (tương đương 28 triệu đồng) đối với trường hợp sở hữu và mua bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm.
Tại Singapore, những đối tượng bị kết tội giam giữ và buôn bán động vật hoang dã cũng như các sản phẩm từ động vật hoang dã có thể bị phạt 1.000 USD và phải giao nộp tang vật. Trong trường hợp đối với các loài động vật hoang dã được liệt kê trong danh sách cần được bảo tồn của Công ước Về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES), người bị kết tội sở hữu hoặc mua bán trái phép các loài nói trên có thể bị phạt tới 500.000 USD và ngồi tù đến 2 năm cũng như giao nộp các loài động vật sở hữu bất hợp pháp.
Tội mua bán những sản phẩm làm từ động vật quý hiếm sẽ bị phạt nặng tại Ấn Độ. Hồi tuần trước, 2 phụ nữ Trung Quốc đã bị bắt giữ ở thủ đô New Delhi khi tìm cách rời khỏi nơi đây với 15 khăn choàng làm từ lông linh dương quý hiếm, trị giá khoảng 38.000 USD/chiếc. Để có một chiếc khăn, phải giết 3-4 con linh dương Tây Tạng. Theo truyền thông Trung Quốc, 2 phụ nữ này đang phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 450.000 nhân dân tệ (64.800 USD) mỗi người và từ 3-7 năm tù giam. 
Xử phạt đến 15 tỉ đồng và 15 năm tù
Theo luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP HCM, Bộ Luật Hình sự 2015 quy định xử lý hành vi săn bắt, giết, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm... thì pháp nhân có thể bị xử phạt tối đa 15 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài phạt tiền còn có thể bị phạt tù đến 15 năm tùy mức độ. Nuôi nhốt, tàng trữ trái phép động vật hoang dã, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật hoang dã vì bất kỳ mục đích gì đều có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Vi phạm từ 300 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng là đều có thể bị xử lý hình sự.

Ph.Dũng

Nhóm phóng viên (Người loa động)

Có thể bạn quan tâm