Phóng sự - Ký sự

Tận diệt chim, thú hoang dã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Do nguồn lợi nhuận lớn, các nhà hàng tìm mọi cách săn tìm chim muông, kể cả các loại trong Sách đỏ để đáp ứng nhu cầu của thượng khách
Bất chấp lệnh cấm mua bán động vật hoang dã, nhiều nhà hàng, quán nhậu vẫn công khai bán những món ăn chế biến từ các loại chim muông, thú rừng. Đây là những quán nhậu khá nổi tiếng, tồn tại nhiều năm qua.
Gửi hình để chào mời
Từ những người thân quen, chúng tôi có dịp tiếp cận ông Long (49 tuổi) - chạy xe ôm trước chợ Nông sản Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Ông Long là một trong 10 xe ôm chuyên vận chuyển các loại chim trời, thú rừng từ ngôi chợ này đến các nhà hàng ở TP HCM.
 
Quản lý nhà hàng N. (quận 1, TP HCM) gửi hình nhím sống và tê tê đã được làm sẵn qua điện thoại để mời chào khách Ảnh: LÊ PHONG
Trong vai người cần mua hàng, chúng tôi được ông Long xởi lởi cho biết mỗi tuần ông chở đến TP HCM ít nhất cũng 4 chuyến. "Ở chợ nông sản Thạnh Hóa, nếu muốn chuyển thú quý hiếm hoặc chim rừng thì chỉ có thể lén đi bằng các xe tải lớn nhưng số lượng không nhiều. Còn muốn nhanh thì thuê xe ôm giá 400.000 đồng từ đây đến TP HCM" - ông Long nói. Người này thông tin thêm, nếu muốn mua tê tê, chồn, rắn ở các khu rừng bảo tồn thì có thể liên hệ ông hoặc vào chợ hỏi sạp ông Hùng, ông Ba, ông Tú - những người này có nguồn hàng trong nước và Campuchia.
Trong lúc đang trò chuyện, thấy một xe tải 1,5 tấn BKS: 66C-075xxx chạy tới trước chợ, ông Long liền chỉ tay: "Đó! Xe này vừa chở chuột với mấy thú rừng, chim quý giấu ở trong. Chỉ chở tới đây rồi xe ôm tụi tôi chở đi tiếp". Khi ông Long vừa dứt lời cũng là lúc một phụ nữ nhanh chân chạy ra ôm một số bao bố nhỏ nhét kỹ ở giữa xe vào bên trong sạp hàng.
Cũng từ thông tin của ông Long, chúng tôi có được số điện thoại của ông Khang - quản lý nhà hàng N. ở quận 1, TP HCM. Qua điện thoại, ông Khang cho biết quán luôn sẵn sàng phục vụ các món đặc sản thú rừng nhưng giá không hề rẻ. "Bên tôi cam kết bán hàng thật và các anh có thể xuống bếp xem làm thịt tại chỗ" - ông Khang trấn an. Theo ông Khang, nhà hàng N. luôn có sẵn các món chồn hương, nhím, dúi rừng, le le, sâm cầm, chim cổ rắn; riêng tê tê hiện "đứt" hàng chừng nửa tháng qua. "Mấy anh muốn ăn thì nói tôi dặn bếp làm trước" - ông Khang mời chào và sau đó gửi hình đang nhốt những động vật này cho chúng tôi xem. Theo tìm hiểu tại TP HCM, không những nhà hàng N. được giới ăn chơi rỉ tai mà còn phải kể đến một vài địa chỉ như: nhà hàng Q.H (quận 3), K.L (quận 1), H.D (quận 7), B.M (quận 3)… Tuy nhiên, để quản lý đồng ý mang các loài thú quý hiếm ra cho khách thì phải yêu cầu là những người thân quen.
Dọc theo Quốc lộ 1, đoạn thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang, vẫn tồn tại 2 điểm bán động vật hoang dã là chợ rắn Ngã Bảy (thị xã Ngã Bảy) và "chợ nhóm" bán chim trời ở thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A). Tại "chợ nhóm" ở thị trấn Cái Tắc, rất dễ thấy khoảng 5 "gian hàng" bày bán công khai các loại chim trời như: gà nước, bìm bịp, le le… Theo quan sát, các loại chim rẻ tiền thường được bày bán công khai; còn các loại mắc tiền hơn thì nhốt ở nơi khác, người mua đồng ý giá mới được xem "hàng". Chợ rắn ở thị xã Ngã Bảy đã có hơn 10 chỗ bày bán công khai các loại rùa, rắn, trăn, ba ba...
Thú gì cũng có
Trong vai một người đến đặt tiệc cho nhóm khách từ TP HCM đến, chúng tôi tới nhà hàng B.R trên đường Nguyễn Thị Định
(TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) nổi tiếng các món đặc sản thịt thú rừng. Khi chúng tôi cho biết nhóm khách rất sành ăn, phải là thú rừng thiệt, người phụ nữ đứng ở quầy cười nói: "Nhà hàng em kinh doanh từ năm 2008 đến nay chưa bao giờ mất uy tín với khách, bảo đảm với anh tất cả là động vật rừng 100%, đang còn sống. Nếu cần, anh đưa khách tới trước 30 phút, bọn em làm thịt trực tiếp cho xem". Người này giới thiệu: "Nhà hàng có các loại như: chồn hương, dúi, kỳ đà, ba ba, rùa, rắn hổ mang, nhím… Nếu khoảng 20 người, anh nên đặt con chồn 3 kg làm 3 món và 1 con rắn hổ mang khoảng 3 kg là đủ".
Khi chúng tôi tỏ ra chưa ưng ý thì người này tiếp lời: "Nếu muốn sang hơn thì đặt tê tê, 4 triệu đồng 1 kg. Loại này đẳng cấp rồi, chỉ có đại gia mới ăn được. Tuy nhiên, loại này không có sẵn, nếu đặt thì phải báo trước 1-2 ngày, bảo đảm có hàng. Nếu anh đồng ý, tôi sẽ gọi điện hỏi xem đang có con khoảng nhiêu ký để anh tính". Người phụ nữ này còn ghi lại danh sách các món ăn kèm theo giá: Chồn hương 1,8 triệu đồng/kg, dúi 800.000 đồng/kg, kỳ đà 600.000 đồng/kg, ba ba 850.000 đồng/kg, rùa 700.000 đồng/kg, nhím 600.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, chúng tôi tới một nhà hàng nổi tiếng về thịt thú rừng "chuẩn" nằm trên đường Phạm Văn Đồng (TP Pleiku). Đây là nhà hàng khá sang trọng với những căn phòng VIP được bố trí riêng biệt. Chúng tôi đặt vấn đề tổ chức tiệc nhỏ và được nhân viên nhà hàng đưa thực đơn với rất nhiều món ăn từ heo, nai, nhím, chồn… Thấy chúng tôi lưỡng lự, nhân viên nhà hàng cam kết: "Anh yên tâm, chồn được bẫy vẫn còn sống. Chỉ khi khách có nhu cầu chúng em mới thịt thôi". Người này còn dẫn chúng tôi ra khu vực nuôi nhốt phía sau thì có rất nhiều loại thú rừng như: chồn, dúi, kỳ tôm, kỳ đà… vẫn còn sống. Các loại thịt khác thì được sơ chế để sẵn trong tủ lạnh.
Dọc theo Quốc lộ 14, đoạn giáp ranh giữa TP Pleiku và xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, quán thịt rừng của bà P. nổi tiếng bởi sự phong phú và luôn có sẵn hàng. Bà P. không ngại dẫn chúng tôi vào xem chiếc tủ lạnh loại lớn bên trong chứa vô số động vật đã được sơ chế, bọc giấy bóng xếp kín cả khoang tủ. "Đây này, em muốn mua bao nhiêu, loại nào cũng có. Bảo đảm hàng tươi roi rói, rã đông là như thịt mới" - bà P. khoe và dặn nếu ai có nhu cầu thì giới thiệu giúp, cứ chuyển tiền là sẽ gửi hàng ngay, bất kể tỉnh nào. 
Liên tiếp phát hiện buôn bán thú rừng

Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông đã kiểm tra nhà ông Nguyễn Văn Toàn (xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil) và nhà hàng Đ.C của ông Doãn Hữu Đại (thị trấn Đắk Mil), phát hiện hơn 68 kg thịt rừng các loại cùng 5 cá thể động vật rừng còn sống. Vào tháng 8-2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk R’lấp đã khởi tố Nguyễn Thị Út (ngụ xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp) tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm". Trước đó, ngày 15-8, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk R’lấp đã bắt quả tang bà Út đang tàng trữ tại nhà nhiều cá thể động vật rừng gồm: 13 con cheo, 2 con cầy vòi hương, 6 con dúi mốc và 1 con rắn hổ chúa.

Nhóm phóng viên (Người lao động)

Có thể bạn quan tâm