Phóng sự - Ký sự

Tan vỡ giấc mộng vàng-Bài 1: Lặn mò cơm áo dưới "địa ngục"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cơ quan chức năng ở đâu, trong sự rên xiết của lương dân, cũng như trong cảnh “ngồi trên luật pháp và đạo đức” của đám người sấp mặt vì tiền quanh các hầm vàng “thổ phỉ”?

Hình ảnh ngôi nhà sàn của ông Cụt Phò Quyên ở bản Sao Va có lẽ sẽ còn làm tôi mất ngủ trong nhiều đêm trường nữa. Ba đứa con trai ông Quyên nằm lạnh ngắt trong ba chiếc bao nilon xám được trai tráng nước mắt trộn mồ hôi và mưa rừng khênh về cùng lúc. Các gã lực điền xấu số đã đi qua cả nghìn cây số, trong nhiều ngày để hồi hương - bằng cái cách không ai hình dung nổi.

 

Sau mỗi lần ra quân dẹp nạn vàng tặc, tình trạng lại tiếp tục tái diễn nhưng dường như không ai thấy xấu hổ vì điều đó.

Bức tranh thê lương ấy còn có sắc xám của nỗi bất lực và màu tang tóc đến từ sự vô cảm của tất cả chúng ta.

Những cậu bé mắc “bệnh” sợ... người

Thỉnh thoảng, từ các bãi vàng kinh khủng của vùng đất Quảng Nam lại có vài cô bé, cậu bé, thậm chí nhiều trẻ vị thành niên đào thoát khỏi bàn tay của “quỷ dữ” để trở về với “cõi người”. Có các bé gái người Khơ Mú ở xã Bắc Lý (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) chạy suốt hai ngày để đến được nơi tạm an toàn, lên tiếng tố cáo lũ mặt người dạ sói.

Hay cậu bé Hùng Văn Cầu, Cụt Văn Toại ở xã Chiêu Lưu, cùng huyện Kỳ Sơn giáp biên giới Lào, khi được chúng tôi giúp đỡ, đưa về với vòng tay của bà mẹ nghèo ở bản Tạt Thoong. Cầu mới 15 tuổi đầu, Toại thì 17. Suốt hai ngày tiếp xúc, chở che, giúp tiền nong áo quần như người thân mà Cầu vẫn rất kiệm lời với chúng tôi. Cháu gần như không nói chuyện. Cũng chẳng cảm ơn. Cu cậu bảo, “nói tiếng Kinh khó nên ngại nói”.

Thực ra sâu xa hơn là kinh cung chi điểu, Cầu sợ “người”. Nhìn đâu cậu bé cũng thấy sợ và nghĩ: Mình sắp bị bắt lại, nhốt vào lán ngập ngụa ma túy, bị tra tấn đánh đập, phải ăn cơm cá mắm khô rồi cầm thuốc nổ vào lòng núi, phá đất đá, chống cọc mở “hầm lò địa đạo”, cõng đất đá ra bòn vàng cho ông chủ.

 

Hình ảnh hãi hùng, ba phu vàng là anh em ruột đều được bó trong bạt nilon khiêng về trả giữa nhà sàn.

Phải đến khi đã về đến trung tâm huyện Con Cuông, bên bờ sông Lam quê mình rồi, Cầu mới thổ lộ: Chị cháu là Hùng Thị Tư bị bán sang Trung Quốc từ năm 14 tuổi; bố cháu nghiện ma túy, say rượu đi săn thú và chết trong rừng. Anh trai cháu cũng bị bán vào các hầm vàng và chưa biết sống chết ra sao. Cháu không còn tin được ai vì người bán cháu vào Quảng Nam chính là người anh em trong họ - ông Mạo, người xã Lượng Minh (cùng huyện Kỳ Sơn). Ông ta bán cháu và sáu đứa trẻ con khác nữa. Trong sáu đứa đó có một đứa là con đẻ của ông ta.

Ma túy đã biến Mạo thành quỷ. Sau hai ngày bị nhồi như gà lợn trên chiếc xe khách không thể tồi tàn hơn, vào đến núi rừng hoang vu, Mạo lĩnh tiền từ bưởng rồi về lại xứ Nghệ “săn tìm” các con mồi khác. Bỏ mặc bảy đứa trẻ bắt đầu cuộc đời “nô lệ nhí”. Mấy tháng làm bục mặt vẫn chưa thấy lương 6 triệu đồng mỗi tháng như Mạo hứa. Những ngày ốm, làm kém năng suất là bị ăn đòn.

 

Hầm vàng, nơi 3 anh em Cụt Văn Sơn chết.

Năm đứa trẻ sợ hãi, đứa giả đau ốm, đứa giả nhà có ma chay xin được về chịu tang. Chỉ còn hai đứa thật thà nhất ở lại với lán vàng thổ phỉ. Cụt Văn Toại 17 tuổi nên khôn hơn, cậu nói ở quê có lễ cúng tổ tiên của người Khơ Mú nên xin về vài bữa. Thấy năm đứa kia đi mất hút nên chủ lán nói thẳng: Thằng Mạo bán chúng mày cho tao lấy tiền rồi. Chúng mày đừng giở trò mà mất mạng. Chỗ này trên có trời, dưới có núi và hang, xương trắng giữa rừng thì đừng... ân hận.

Toại nghe sợ lắm, nhưng ở lại cũng chết vì thuốc nổ, hoặc vì đói khát, vì hoặc đòn roi của ông chủ. Nếu trốn không thành, bị bắt lại thì cũng bị đánh đến... chết là cùng.

Đời “nô lệ” như những thước phim câm

Toại trốn. Cả ngày luồn rừng, “định vị” hướng về quê mẹ theo ánh nắng mặt trời. Ra đến một ngã ba đường kêu cứu thì gặp phải gã chủ quán ăn giả giọng đạo đức an ủi, cưu mang, cho ăn uống rồi lặng lẽ báo cho chủ lán vàng ra “bắt hàng” trở lại. Toại bị bắt về lại hầm vàng, còn lão chủ quán khí khí cười nhận tiền “thưởng” từ “bưởng” nghiện.

Nhờ trận đòn tàn độc, phải nằm bẹp mất nửa tháng trời mà Cụt Văn Toại mới có thời gian để... rút kinh nghiệm bỏ trốn.

Sau vụ đào tẩu bất thành, Toại vờ xin lỗi ông chủ xong, Toại quyết định bàn mưu thật kỹ càng với cậu bé Hùng Văn Cầu. Hai đứa trẻ bảo nhau phải chờ thời cơ, phải nhẫn nhịn giả vờ chí thú lao động. Đến lúc đó – có thời gian tâm sự với nhau, Toại mới biết Cầu sống cùng xã Chiêu Lưu với người vợ sắp cưới của mình. Và theo thông lệ, trước khi cưới, chú rể Toại đã sang nhà “vợ” ở rể cả năm. Vì thế, hai đứa trẻ, hóa ra ở rất gần nhà nhau. Và chúng đã liên kết thành một khối.

Nhiều đêm, “ông chủ” đón thêm khách từ huyện Đại Lộc lên, chúng hút thuốc phiện, và hít heroin - Cầu tả rất chi tiết, sinh động việc các bưởng dụ dỗ trẻ nhỏ dùng ma túy để tăng năng suất lao động ở nơi không thể “địa ngục” hơn. Chúng tôi chỉ còn biết ghi âm ghi hình lại để phản ánh về một “cõi” của quỷ mà rất ít người có cơ hội tiếp cận.

 

Gia cảnh nheo nhóc của gia đình phu vàng tử nạn.

Suốt hai ngày “tiếp xúc”, chuyện của Cầu và Toại đứt quãng vì hãi hùng. Đến mức người của một tổ chức bảo vệ trẻ em cùng gặp còn cảnh báo chúng tôi đừng phỏng vấn nhiều, có thể làm các cháu thêm hoảng loạn khi nghĩ về quá khứ.

Cầu và Toại thay nhau nhát gừng kể về đời nô lệ trong lán vàng giữa rừng sâu. 5 giờ sáng các cháu phải dậy, tự nấu cơm, ăn với cá mắm mục nhũn vì đã để lâu ngày. “Cá ấy còn mặn hơn cả muối. Thỉnh thoảng ông chủ tên là Phụng đi rất xa ra ngoài thì mới có thêm ít rau và mỡ. Cháu cứ cầm đuôi con cá mắm, đốt lửa, nướng chín cái đầu rồi lại tráo tay, cầm đầu con cá, nướng chín nốt cái đuôi. Cá chín thì ăn với cơm nguội”.

Thức dậy khi trời chưa sáng. Bảy cậu bé phải đi bộ ba tiếng đồng hồ mới vào đến khu vực hầm vàng. Chúng tiếp tục đào đất đá, thông từ địa đạo nọ sang địa đạo kia. Rồi mỗi ngày nhận “bộc phá” to dài như bắp ngô, đi vào trong lòng núi, khoét lỗ đặt vào. Bọn trẻ tự tay thòng dây ra ngoài. Kích nổ.

Đáng sợ nhất là khâu rúc vào các hầm vàng khai thác từ xửa xưa để chống. Chúng có thể sập và vùi chôn vĩnh viễn các sinh linh nhỏ bé vị thành niên kia bất cứ lúc nào. Cầu lên núi cưa gỗ về, chống cọc cho hang hốc trong núi khỏi sập, làm địa đạo, rúc xe goòng vào chở đất đá ra đào đãi tiếp. Lúc đầu có bảy đứa trẻ làm “nô lệ”, sau này 5 đứa trốn, còn lại Cầu và Toại phụ trách luôn cả lán.

 

Cháu Ong, mới 12 tuổi đã bị bán đi làm nô lệ nổ mìn, đào đãi vàng.

Một bưởng nghiện hút tên là Phụng, một ông anh giang hồ tên là Hải, người Đại Lộc, Quảng Nam giám sát. Khi cần thì chúng tra tấn, nhử dùng ma túy để khống chế đám trẻ. Cả “ban lãnh đạo mỏ” kỳ dị đó, chỉ có hai công nhân lao lực là Cầu và Toại.

Trốn thoát, đi về phía mây mù

Sau mấy tháng “nằm im chờ thời”, ông chủ “lừa” mua thêm được một đám trẻ nữa, chia “phu nhí” ra làm hai kíp. Ca làm ngày, ca làm đêm.

Nắm được quy luật quản lý của chủ, Toại và Cầu bàn kế trốn trong đêm khuya, khi ông chủ đang lo giám sát ca đêm của đám “nô lệ” mới.

Sau hai ngày chạy liên tục theo hướng mặt trời, máu tràn khắp mặt vì gai cào, tóc dài ngang vai như thổ phỉ cũng bị vướng cây rừng đứt tung đứt tướp. Lúc gặp được người cứu giúp, chân đứa nào cũng tứa máu. Trông chúng như thổ phỉ từ cõi chết trở về.

 

Cơ quan chức năng đốt các lán vàng thổ phỉ với nhiều nô lệ hầm vàng thời mới, đây chỉ là một cách bắt cóc bỏ đĩa.

Khi chạy trốn, lúc mệt, hai đứa chia nhau đôi dép đứt, đứa nào bị chảy máu nhiều hơn thì đi dép và đi phía sau cho an toàn. Đứa khỏe hơn đi trước, cầm gậy đuổi... rắn. Các cháu không tin mình còn sống nổi khi ra đến khu rừng keo của xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam.

Nhìn lũ trẻ bé xíu, gầy gò, đen nhẻm, không ai tin nổi chúng là những phu vàng hàng ngày cầm thuốc nổ đi phá núi và phụ trách mọi công đoạn của một “mỏ vàng”. Những mảy vàng chúng mang về thì óng ánh đậu vào tay ông chủ.

Chúng tôi đã phỏng vấn anh Hồ Văn Hồng, SN 1975, người trực tiếp gặp và cứu các cháu. Anh Hồng từng làm vàng trong núi và biết rõ cái nhục nhằn tàn khốc của hầm vàng thổ phỉ. Nhưng anh vẫn không thể nào hình dung được, người ta có thể coi thường luật pháp và tàn độc với bọn trẻ đến mức này.

Anh cho các cháu ăn, chữa lành các vết thương và mua quần áo cho các cháu mặc. Bà con trong cả khu vực cũng xúm lại hỗ trợ vừa đưa các cháu ra trình báo cơ quan công an. Chủ tịch UBND xã Bình Lâm, ông Lê Tấn Quán, thở dài xác nhận: Các cháu hoảng loạn, đói khát, đau đớn kinh khủng khi vừa trốn khỏi hầm vàng thổ phỉ, có mặt ở xã nhà.

Trong lần đưa Cầu về quê, qua bản Tạt Thoong, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, chúng tôi đã bật khóc không chỉ vì câu chuyện bi thương rợn người của lũ trẻ bị cái thất học, đói nghèo đẩy xuống “địa ngục” rồi phải sống đời chuột chũi kiếm ăn nhục nhằn trong lòng đất kia. Mà chua xót hơn, Cầu vừa về nhà, anh Lê Thanh Bình, Trưởng Công an xã Chiêu Lưu, nơi mẹ con Cầu sinh sống đã thở dài: “Nó về nhà dễ nghiện hút lắm. Bố nghiện, anh trai nghiện, xã này nghiện rất nhiều. Mà về rồi nó lại bỏ đi ngay thôi”.

 

Hùng Văn Cầu vừa được chúng tôi đưa trở về nhà sau vài trăm cây số đường núi, nhìn cảnh nghèo, ngay lập tức cậu bé xin phép ra đi.

Anh Bình biết rõ ba đời nhà Cầu và Toại. Vùng đất này nhiều người bị bán buôn làm mại dâm hoặc “nô lệ hầm vàng”. Số người nghiện ma túy nhiều đến kỷ lục.

Đưa Cầu về Chiêu Lưu, chúng tôi gặp cả cô “vợ” của Toại. Cô nở nang, từng trải hơn cái tuổi 18 rất nhiều. Cô và người chị em ruột rà của mình từng bị bán làm “vợ người ta” ở khắp nơi. Lúc được hỏi về quãng thời gian sống nơi xứ người, cô chỉ lỏn lẻn cười, ngại ngùng giơ ra các hình xăm nhạy cảm, “em chỉ bị bán về bãi biển Xuân Thành của Hà Tĩnh thôi mà, chứ nỏ (không) đi Trung Quốc mô (đâu)”.

Hùng Thị Tư, chị gái Cầu cũng bị bán đi theo cách ấy, đã sáu năm nay không có một tin tức nào về Tư. Người Khơ Mú ở đây lấy vợ hơn tuổi hoặc lấy cô vợ từng lang bạt như “vợ” Toại là chuyện rất bình thường.

Cầu về đến căn nhà tranh bé xíu và tăm tối. Giường gỗ ọp ẹp không giát, không chiếu chăn. Bếp không có kiềng, chỉ có “ba ông đầu rau” theo đúng nghĩa đen. Mẹ Cầu, bà Moong Thị Lợi, ngoài năm mươi tuổi thì đầu óc ngơ ngẩn, thấy con cứ rú lên: “Mày còn sống hả Cầu”.

Vừa ngồi vào nhà, chưa kịp ấm chỗ, Cầu đã quay ra gãi gãi vai áo tôi: “Chú cho cháu theo chú. Đi khỏi đây”. Hóa ra Cầu vẫn nhớ lời dặn của Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Nghệ An, rằng nếu con về bản rồi mà vẫn muốn quay lại đây, thì bảo các chú nhà báo đưa đi luôn nhé!

Quân Anh-Tâm Ninh/laodong

Có thể bạn quan tâm