Thời sự - Bình luận

Tăng cường năng lực nội sinh để phát triển quốc gia bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong bối cảnh kinh tế-xã hội gặp khó khăn như hiện nay, Diễn đàn kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” diễn ra ngày 19-9 được kỳ vọng sẽ phát huy trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng đại biểu Quốc hội “hiến kế” các giải pháp về thể chế để tăng cường năng lượng nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững.

Sự kiện thường niên quan trọng của Quốc hội được tổ chức lần này là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý nhìn nhận, đánh giá toàn diện tình hình thế giới và trong nước, cụ thể là những khó khăn, những nút thắt, từ đó đề xuất giải pháp mang tính vĩ mô để thích ứng với bối cảnh mới, tạo động lực mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững nền kinh tế đất nước. Việc lựa chọn chủ đề diễn đàn cho thấy sự kỳ vọng vào nỗ lực giải quyết những vấn đề cấp bách ngắn hạn cho phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2023. Đặc biệt là các giải pháp khơi thông nguồn lực, xóa bỏ rào cản, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; phát triển nguồn nhân lực; chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kiến tạo các động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh, tận dụng cơ hội mới để phát triển bền vững.

Diễn đàn còn truyền tải một thông điệp tích cực là Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước luôn đồng hành với doanh nghiệp để thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng và những đứt gãy của thị trường nhằm đạt được các mục tiêu chung đã đề ra trong kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng là giai đoạn nền kinh tế đối mặt với khó khăn, thử thách chưa từng có. Ngoài đại dịch Covid-19, những bất ổn địa chính trị cùng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu diễn biến từ năm 2022 đến nay đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực phát huy tinh thần tự lực, tự cường với các mức độ khác nhau, từ cấp điều hành vĩ mô tới người dân, doanh nghiệp để có thể vượt qua khó khăn.

Qua 9 tháng năm 2023, nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi ở một số ngành, lĩnh vực, nhưng những khó khăn trước mắt vẫn còn hiển hiện. Làm sao vượt qua những “cơn gió ngược” để đạt mục tiêu đặt ra trong năm nay và cho cả giai đoạn 2020-2025 như Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Việc lựa chọn chủ đề Diễn đàn kinh tế-xã hội năm 2023 “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” được đánh giá là rất trúng, khi chú trọng tăng cường năng lực nội sinh, tăng khả năng tự lực, tự cường, nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế quốc gia trên trường quốc tế trong bối cảnh thế giới đầy bất định. Các phiên thảo luận chuyên đề đã đi sâu nội dung, bám sát thực tiễn, đề xuất nhiều giải pháp tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó; nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới.

Năng lực nội sinh quốc gia tựu trung lại là nói về khả năng và tiềm năng của đất nước trong việc tạo ra và sử dụng hợp lý tài nguyên nội địa để phát triển. “Tài nguyên”, hiểu theo nghĩa rộng, gồm cả tài nguyên thiên nhiên (tài nguyên cứng) và nguồn lực con người, các giá trị văn hóa, lịch sử tạo nên nguồn tài nguyên, sức mạnh “mềm” của quốc gia. Kích hoạt, bồi đắp, phát huy năng lực nội sinh, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh mới vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là giải pháp lâu dài để nền kinh tế vượt qua những khó khăn, thách thức, phát triển bền vững.

Các nhóm giải pháp thực hiện mục tiêu, tầm nhìn phát triển kinh tế-xã hội trên thực tế đã được nêu rất rõ, từ nghị quyết của Đảng, thể chế hóa qua nghị quyết của Quốc hội, các nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ. Vấn đề là việc triển khai thực hiện.

Thống nhất ý chí, quyết tâm hành động, đồng lòng hướng tới mục tiêu chung vì lợi ích quốc gia, dân tộc cũng chính là cách thức phát huy năng lực nội sinh, phát huy truyền thống quý báu của người Việt, là tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường đã được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, chính là cách để tạo nên nguồn động lực phát triển quan trọng của đất nước; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Có thể bạn quan tâm