Tăng cường phổ biến pháp luật cho cán bộ chủ chốt ở khu vực biên giới Việt Nam-Lào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 16-9, tại thành phố Huế, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền phổ biến pháp luật về biên giới cho các cán bộ chủ chốt ở khu vực biên giới Việt Nam-Lào trên địa bàn 3 tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Đây là hội nghị lần thứ 3 (trong 5 hội nghị) do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức ở các địa phương có đường biên giới trên bộ với nước bạn Lào.
 

Toàn cảnh hội nghị tập huấn tuyên truyền phổ biến pháp luật về biên giới cho các cán bộ chủ chốt ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Ảnh: Bùi Oanh
Toàn cảnh hội nghị tập huấn tuyên truyền phổ biến pháp luật về biên giới cho các cán bộ chủ chốt ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Ảnh: Bùi Oanh

Tuyến biên giới qua 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế có chiều dài 436 km, qua địa bàn 8 huyện. Đây là địa bàn có địa hình đồi núi, rừng sâu, đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, sinh sống chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhiều thập kỷ qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước có chung đường biên giới Việt Nam-Lào đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ tuyến biên giới chung này. Năm 2008, hai nước ký hiệp định thực hiện việc phân giới, cắm mốc, tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc biên giới.

Sau hơn 5 năm triển khai, hai nước đã hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo mốc biên giới trên thực địa, hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan đến công tác biên giới và quản lý biên giới.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Minh Tuấn- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban chỉ đạo Nhà nước về phân giới cắm mốc nhấn mạnh, sau giai đoạn hoàn thành trên thực địa, khi hai Chính phủ Việt Nam-Lào hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan đến công tác biên giới và quản lý biên giới thì nhân dân hai nước, đặc biệt là nhân dân khu vực biên giới, đồng bào các dân tộc đang sinh sống hai bên biên giới sẽ là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ đường biên, mốc giới của Tổ quốc. Đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp xã, đặc biệt là các già làng, trưởng thôn phải phát huy vai trò trong công tác bảo vệ an ninh biên giới và phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới.

Đồng thời, chính quyền và nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới với nước bạn Lào tiếp tục gìn giữ, vun đắp mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa 2 nước lên tầm cao mới.

Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm