Tăng cường phòng-chống cháy nổ ở khu dân cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khu dân cư là nơi có mức độ nguy hiểm do cháy, nổ cao. Mỗi khi xảy ra sự cố cháy nổ thường có hiện tượng cháy lan, gây thiệt hại rất lớn cả về người và của. Để phòng-chống cháy nổ, ngoài trách nhiệm của lực lượng chức năng, yếu tố quyết định vẫn là ý thức của mỗi người dân.

Hiện trường vụ cháy tại quán ăn Phương Trang (xã Ia O, huyện Ia Grai). Ảnh: H.D
Hiện trường vụ cháy tại quán ăn Phương Trang (xã Ia O, huyện Ia Grai). Ảnh: H.D

Thống kê từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh), trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 47 vụ cháy, trong đó có nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản (3 người chết và thiệt hại gần 102 tỷ đồng). Riêng trong 2 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã xảy ra hàng chục vụ cháy, tuy chưa có thiệt hại về người nhưng số tài sản thiệt hại không nhỏ. Điển hình là vụ cháy tại quán ăn Phương Trang (xã Ia O, huyện Ia Grai). Vào khoảng 6 giờ ngày 27-2-2017, sau khi nấu xong thức ăn, ông Trần Văn Phương (chủ quán) tắt bếp lửa và bê đồ lên nhà trên, lúc này dưới bếp không còn ai. Khoảng ít phút sau đó thì ông Phương phát hiện cháy khu vực bếp. Gia đình tìm cách dập lửa nhưng ngọn lửa vẫn tiếp tục bốc cao. Ông Phương đã đóng cửa thông từ bếp lên nhà trên và tri hô mọi người xung quanh dùng vòi nước để dập lửa. Vụ cháy không gây thiệt hại về người song tài sản thiệt hại ước khoảng 70 triệu đồng.

Nói về nguyên nhân gây ra các vụ cháy, Đại tá Dương Thanh Bình-Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ nhận định, khu dân cư là nơi tập trung đông người, đường hẻm nhỏ, nhà cửa chật chội, chủ yếu xây dựng bằng các vật liệu dễ cháy. Tại đây, nhà thường liền kề nhau, hệ thống điện câu nối chằng chịt. Và tùy từng hộ mà trong nhà có những chất dễ bắt cháy, như xăng sử dụng cho xe máy, buôn bán lẻ hoặc dùng cho quá trình kinh doanh, sản xuất hộ cá thể; khí dầu mỏ hóa lỏng trong khu vực bếp ăn; đồ dùng gia đình làm bằng vật liệu dễ cháy như vải, nhựa, mút xốp. Thế nhưng, các hộ hầu như đều thiếu phương tiện phòng cháy chữa cháy.

Thêm một đặc điểm nữa khiến hậu quả của các vụ cháy nổ mỗi khi xảy ra đều rất nặng nề là vì kiến trúc khu dân cư thường là nhà ống, lối thoát nạn duy nhất là cửa chính nhưng không đảm bảo yêu cầu thoát nạn. Các hộ thường gia cố thêm cửa sắt, cửa kéo, cửa cuốn, lồng sắt... gây khó khăn trong việc thoát nạn khi có sự cố cháy nổ, cũng như trong công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ thì 70% số vụ cháy có nguyên nhân liên quan tới các sự cố điện như tự ý câu móc thêm các thiết bị tiêu thụ điện ngoài thiết kế ban đầu, đấu nối dây dẫn điện tùy tiện, không đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật điện, đường dây dẫn điện không được kiểm tra, thay thế kịp thời dẫn đến mất an toàn, quá tải, chập mạch. Chưa kể tâm lý chủ quan của nhiều người trong việc sử dụng điện như không ngắt điện tủ lạnh, quạt, máy tính... trước khi ra khỏi nhà. Thêm vào đó, một bộ phận dân cư còn lạm dụng việc thắp nhang thờ cúng, đốt vàng mã tràn lan hay sử dụng bếp gas không an toàn...

Thực tế nhiều khu dân cư đông đúc trên địa bàn tỉnh chưa trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ hoặc có trang bị nhưng không biết sử dụng hay sử dụng không thành thạo. Vì vậy, khi xảy ra sự cố cháy nổ không có phương tiện chữa cháy hoặc lúng túng không biết cách xử lý ngay từ ban đầu, từ đó đám cháy có điều kiện phát triển mạnh trong thời gian dài gây ra cháy lan, cháy lớn.

Đại tá Bình cũng cho rằng, để đảm bảo an toàn cháy nổ trong khu vực đông dân cư, chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng cần có quy hoạch, thiết kế, cấp phép xây dựng... đảm bảo điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, người dân phải ý thức trách nhiệm của mình trong việc chấp hành công tác phòng cháy chữa cháy tại gia đình và trong khu vực mình sinh sống.

 Hà Duy


Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cho biết: “Để hạn chế số vụ cũng như giảm thiểu thiệt hại khi có sự cố xảy ra, Phòng đã và sẽ tiếp tục tổ chức những buổi tập huấn kiến thức về phòng cháy chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn cho các lực lượng dân phòng phường, xã. Đồng thời tuyên truyền những kiến thức này trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền trực tiếp tại các khu dân cư đông đúc”.
 

Có thể bạn quan tâm