Đô thị

Không gian sống

Tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tuyên truyền, thanh-kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thay đổi hành vi của cộng đồng, doanh nghiệp trong tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
Nâng cao nhận thức về môi trường
Bà Lương Thị Tuyết Vinh-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh-cho biết: Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn, thời gian qua, Chi cục đã tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành nhiều văn bản quản lý môi trường và các công văn hướng dẫn, đôn đốc trong công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, Chi cục cũng tăng cường phối hợp tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp và người dân trong tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Từ đó, đã huy động được các tổ chức, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia các phần việc như: thu gom rác thải, bỏ rác đúng quy định...
Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường; phê duyệt đề án bảo vệ môi trường, các hoạt động cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 5 dự án được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (nâng tổng số dự án được phê duyệt lên 229 dự án); phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản của 4 dự án (nâng tổng số dự án được phê duyệt từ trước đến nay lên 74 dự án); cấp 5 sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại (nâng tổng số cấp lên 257 sổ đăng ký); cấp 3 giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án; phê duyệt 5 đề án bảo vệ môi trường chi tiết và xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường cho 93 cơ sở sản xuất kinh doanh.
 Hàng năm, các địa phương trong tỉnh đều tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Ảnh: H.T
Hàng năm, các địa phương trong tỉnh đều tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Ảnh: H.T
Ngoài ra, Chi cục cũng phối hợp kiểm tra thực tế việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, lấy mẫu phân tích chất lượng nước thải, khí thải đột xuất, tiến độ khắc phục các tồn tại trong bảo vệ môi trường, kiểm tra thực tế làm cơ sở cấp phép xả thải, xử lý phản ánh của người dân 27 cơ sở trên địa bàn tỉnh. Qua hoạt động thanh-kiểm tra đã nâng cao được ý thức bảo vệ môi trường cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Diệu Trinh-Tổ trưởng Tổ Marketing và Dịch vụ khách hàng Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho hay: Nhằm góp phần bảo vệ môi trường, ngoài làm tốt việc xử lý các nguồn thải, đơn vị cũng thực hiện nhiều chương trình để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho khách hàng như: tặng điểm thưởng cho khách hàng sử dụng túi xách thân thiện với môi trường khi mua sắm, tổ chức tháng tiêu dùng xanh, hội thi vẽ tranh về bảo vệ môi trường cho các em thiếu nhi, tắt điện vào giờ Trái Đất và mới đây là dùng lá chuối gói hàng thay cho túi ni lông...
Bảo vệ gắn với xử lý vi phạm 
Đề cập đến một số hoạt động tham gia bảo vệ môi trường, ông Cao Duy Hiền-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Pleiku-cho biết: “Thành phố đang triển khai trồng cây xanh trên các tuyến phố và tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích của việc trồng cây xanh. Đồng thời, tổ chức ký cam kết thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” và yêu cầu các địa phương chung tay hưởng ứng phong trào này. Thành phố cũng sẽ tăng cường phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) và các ngành chức năng xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở không cải thiện công tác bảo vệ môi trường và tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động đúng quy định về bảo vệ môi trường”.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh, công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn. Cụ thể là trên địa bàn tỉnh còn tồn tại nhiều bãi rác lộ thiên. Hệ thống thu gom nước thải đô thị chưa có nhà máy xử lý, là nguồn tiềm ẩn ô nhiễm môi trường nhưng chưa có kinh phí để đầu tư, xử lý. Đến nay, các dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn y tế của một số cơ sở y tế đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng hầu hết đều chưa có bể chứa nước thải dự phòng khi hệ thống xử lý nước thải xảy ra sự cố và việc xây dựng bổ sung các bể chứa dự phòng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, lực lượng cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường ở cấp xã còn mỏng, hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn dẫn đến việc kiểm tra, giám sát các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh còn hạn chế...
Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, quan trắc môi trường để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn. Trong đó, sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm soát ô nhiễm đối với một số nhà máy sản xuất kinh doanh trên địa bàn; tổ chức hậu kiểm đối với các cơ sở đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; kiểm tra, xác nhận việc thực hiện công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án; kiểm tra, xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tăng cường kiểm tra, giám sát việc xả nước thải các cơ sở, nhà máy trên địa bàn thị xã An Khê ra sông Ba. Ngoài ra, Chi cục tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm góp phần bảo vệ môi trường.
 HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm