Tăng cường quản lý các cơ sở nuôi dạy trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước thực trạng nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại một số tỉnh, thành trong cả nước, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cùng chính quyền các cấp đã có những biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quản lý các cơ sở mầm non, nhóm trẻ gia đình.

Ngày 28-11 vừa qua, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ đạo tăng cường giải pháp bảo vệ trẻ em. Theo đó, các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em; đồng thời điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đối với trẻ em.

 

Trường Mầm non tư thục Đồ Rê Mí (TP. Pleiku) là một trong những cơ sở chăm sóc trẻ được nhiều phụ huynh tin tưởng. Ảnh: N.G
Trường Mầm non tư thục Đồ Rê Mí (TP. Pleiku) là một trong những cơ sở chăm sóc trẻ được nhiều phụ huynh tin tưởng. Ảnh: N.G

Tổ chức thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật tại các trường Mầm non, trường Mẫu giáo, nhóm trẻ trong cả nước; có các giải pháp hiệu quả bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Tại tỉnh ta, công tác quản lý các cơ sở mầm non, nhóm trẻ gia đình đang được ngành Giáo dục và Đào tạo, chính quyền các cấp tăng cường giám sát.

Trong tổng số 270 trường Mầm non trên địa bàn tỉnh, có 30 trường Mầm non tư thục, 100 cơ sở nhóm lớp mầm non độc lập, 754 nhóm lớp nằm trong các trường và 147 nhóm trẻ gia đình. Sự phát triển của hệ thống trường lớp ngoài công lập đã góp phần san sẻ gánh nặng, giảm áp lực chăm sóc, nuôi dạy trẻ cho trường công lập. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, công tác quản lý đối với các nhóm, lớp tư thục, đặc biệt là các nhóm trẻ gia đình hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Ngoài nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, việc đảm bảo an toàn cho trẻ là nhiệm vụ hàng đầu của các trường Mẫu giáo, cơ sở mầm non hay nhóm trẻ gia đình. Đây là điều mà các bậc phụ huynh quan tâm trên hết. “Tôi cho rằng, để làm tốt điều này, việc đầu tiên là giáo viên phải có chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để hiểu tâm lý của trẻ và quan trọng nhất là các cô phải biết yêu thương trẻ. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng cần thường xuyên kiểm tra, đặc biệt là đối với các nhóm trẻ tư thục, nhà trẻ gia đình nhằm giám sát hoạt động của các cơ sở này. Các trường Mầm non tư thục nên lắp camera để phụ huynh có thể quan sát các cháu ăn ngủ, vui chơi như thế nào, từ đó an tâm hơn khi gửi trẻ”-chị Nguyễn Thị Thúy (phường Trà Bá, TP. Pleiku) đề xuất.

Mong muốn các trường Mẫu giáo, Mầm non hay thậm chí là nhóm trẻ gia đình lắp camera quan sát cũng là điều mà rất nhiều phụ huynh đề xuất, bởi họ cho rằng đó là một trong những biện pháp giúp hạn chế tình trạng bạo hành trẻ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng mong muốn có những biện pháp hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát nhóm trẻ gia đình bởi chúng mang tính chất tự phát, không được cấp phép. “Số lượng cháu ở các điểm này thường xuyên dao động. Trong khi đó, những người tham gia trông giữ chỉ nhằm giải quyết việc làm nhất thời và chưa qua đào tạo. Do đó, chúng tôi cũng gặp khó khăn nhất định trong công tác quản lý các nhóm trẻ gia đình. Trong tháng 12 này, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra từng hộ gia đình, mời họ lên làm cam kết để đảm bảo chăm sóc các cháu theo quy định, đồng thời động viên, nhắc nhở họ trông giữ trẻ bằng trách nhiệm và bằng tình yêu của ông bà với con trẻ”-ông Vũ Đức Dũng-Phó Chủ tịch UBND phường Thống Nhất (TP. Pleiku) nói.

Về phía ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều động thái tích cực như: chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo phối-kết hợp với xã, phường, thị trấn kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở mầm non tư thục, kiểm tra giấy phép hoạt động, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất. “Những đơn vị nào không đảm bảo điều kiện tổ chức nuôi dạy trẻ thì kiên quyết đóng cửa. Những năm trước đây, chúng tôi cũng đã tham mưu UBND tỉnh bồi dưỡng cấp giấy chứng nhận cho những người trông giữ trẻ. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu tổ chức các lớp bồi dưỡng cho người trông trẻ để họ có kiến thức căn bản trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Ngoài ra, chúng tôi đánh giá cao vai trò của địa phương trong công tác phối hợp quản lý các cơ sở giáo dục tư thục. Nhờ đó, nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ bạo hành trẻ em nào tại các cơ sở nuôi dạy trẻ”-bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm