Tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn cho học sinh bán trú

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ đầu năm học 2016-2017, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Lơ Ku (huyện Kbang) đã thực hiện mô hình nuôi heo và trồng rau sạch, tạo nguồn thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày của học sinh bán trú. Việc làm này không chỉ giúp cho các em có thêm bữa ăn ngon miệng, giàu dưỡng chất mà còn cho thấy tấm lòng vì học sinh thân yêu của thầy cô ở ngôi trường vùng sâu, vùng xa.

Từ đàn heo cải thiện

Xuất phát từ điều kiện gia đình học sinh bán trú hầu hết còn khó khăn, ngay khi năm học 2016-2017 mới vừa bắt đầu, Ban giám hiệu Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Lơ Ku nảy ra sáng kiến triển khai mô hình tăng gia sản xuất, tạo nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn hàng ngày cho học sinh bán trú. “Trường có 386 học sinh, trong đó 85% học sinh là người dân tộc thiểu số. Riêng số học sinh bán trú là 227 em. Hoàn cảnh gia đình các em đều rất khó khăn nên ngoài chế độ hỗ trợ tiền ăn của Nhà nước dành riêng cho học sinh bán trú là 484 ngàn đồng/em/tháng thì rất khó kêu gọi phụ huynh đóng góp thêm. Từ thực tế đó, Ban giám hiệu nhà trường quyết định xây dựng kế hoạch tăng gia sản xuất, tạo nguồn thực phẩm bổ sung vào bữa ăn hàng ngày cho các em”-thầy Hoàng Đình Hải-Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

 

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Lơ Ku trong bữa ăn trưa. Ảnh: L.H
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Lơ Ku trong bữa ăn trưa. Ảnh: L.H

Theo đó, nhà trường kêu gọi mỗi giáo viên đóng góp 500 ngàn đồng để lấy vốn mua heo con. Đợt đầu, nhà trường mua 10 con heo con về nuôi lấy thịt. Khu chuồng trại được bố trí xa nơi sinh hoạt của học sinh, với diện tích khoảng 40 m2, được chia làm hai gian. Thức ăn cho đàn heo được tận dụng từ lượng thức ăn thừa. Sau 2 tháng, đàn heo đạt trọng lượng 40-45 kg/con. “Dự tính mỗi tuần xẻ thịt một con, thịt sẽ trữ ở tủ đông dùng dần cho cả tuần. Cuối năm học, nhà trường xẻ thịt một con heo làm cỗ mời các già làng, trưởng thôn và phụ huynh tiêu biểu. Tại buổi liên hoan, nhà trường gặp gỡ, trao đổi và kêu gọi mọi người quan tâm đến việc vận động học sinh đến trường, hạn chế việc bỏ học”-thầy Hải cho biết thêm. Ban giám hiệu nhà trường dự định sẽ mua 20 con heo con nữa về nuôi. Đàn heo sẽ nối nhau duy trì những “bữa cơm có thịt” cho học sinh nghèo Lơ Ku.

Đến vườn rau xanh tăng gia

“Định suất 484 ngàn đồng/em/tháng sẽ rất khó để đảm bảo bữa ăn ngon miệng, phong phú và đảm bảo dưỡng chất cho học sinh. Do vậy, những người thầy, người cô ở đây phải tìm cách tạo ra nguồn thực phẩm bổ sung cho các em. Ngoài nuôi heo lấy thịt, nhà trường còn tăng gia trồng rau xanh. Nguồn rau xanh thu được sẽ đem bán lại cho nhà bếp, thay vì phải đi mua rau xanh ngoài thị trường. Số tiền bán rau xanh được dùng để mua kem đánh răng, xà phòng… cho các em”-thầy Hải chia sẻ thêm.

Vườn rau xanh của trường có diện tích khoảng 1,5 sào, được phân cho 5 tổ Công đoàn, mỗi tổ một luống. Khu vườn rau có đầy đủ các loại rau thông dụng: rau cải, rau muống, rau dền, mồng tơi… Mỗi ngày, thầy cô và các em thay nhau chăm sóc cho luống rau của tổ mình. Vừa có rau xanh cải thiện bữa ăn, tạo nguồn thu để bù qua chi phí sinh hoạt, thầy và trò cùng nhau lao động, gần gũi và gắn bó với nhau hơn. Đó cũng là lúc, thay vì buồn và nhớ nhà vì điều kiện học tập bán trú, các em sẽ cảm thấy vui hơn, ấm áp hơn bên bạn bè, thầy cô khi chung tay chăm sóc vườn rau xanh.

Từ thực tiễn khó khăn và dựa trên những điều kiện sẵn có, thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Lơ Ku đã nghĩ ra những cách làm rất thiết thực, ý nghĩa để giải quyết những khó khăn thực tế đang gặp phải. “Tuy vậy, nhà trường cũng rất mong chính quyền địa phương và ngành chủ quản quan tâm tới việc bổ sung thêm chế độ cho các em học sinh bán trú để cải thiện hơn nữa điều kiện ăn ở, sinh hoạt của các em”-thầy Hải nêu quan điểm.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm