Tăng lương cho giáo viên có khả thi?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất tăng lương cho giáo viên và ghi vào trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, theo đó “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.

Trong cuộc hội thảo về Luật Giáo dục sửa đổi được tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đồng tình về việc điều chỉnh, tăng lương cho giáo viên vì lương nhà giáo hiện nay rất thấp so với mặt bằng chung. Để đảm bảo đời sống cho giáo viên, đồng thời thu hút sinh viên khá giỏi theo nghề sư phạm thì phải xem xét xếp thang bậc lương tương xứng với nghề nghiệp được cho là cao quý trong xã hội. Thực tế, cơ cấu thang bậc lương của giáo viên hiện nay quá thấp và bất hợp lý, tỷ lệ mỗi lần tăng bậc thấp…

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mức thu nhập của giáo viên trực tiếp giảng dạy, ngoài lương còn có phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên nhưng khá thấp, chỉ những người có thời gian công tác trên 20 năm mới có mức sống tạm đủ, ngoài ra không có tích lũy. Bình quân, một giáo viên THPT có trên 10 năm công tác thì mức thu nhập chỉ trên 6,5 triệu đồng/tháng; giáo viên tiểu học (tốt nghiệp đại học) cũng với thời gian công tác như trên, thu nhập chỉ 6,3 triệu đồng/tháng. Nếu giáo viên mới ra trường có trình độ đại học, trong 5 năm đầu chưa có phụ cấp thâm niên thì bình quân chỉ dưới 4 triệu đồng/tháng nên không đủ chi phí tối thiểu trong tình hình giá cả hiện nay, chưa kể những người công tác ở các thành phố lớn.

Vì vậy, tăng lương cho nhà giáo là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi được đặt ra là tăng như thế nào và lấy nguồn nào để tăng lương? Theo đánh giá của Trung ương mới đây, tuy trong năm 2017 nền kinh tế đất nước có tăng trưởng khá nhưng khó khăn vẫn còn đó, thu chưa đủ bù chi; việc tinh giản bộ máy hành chính sự nghiệp đang trong thời gian sắp xếp lại nên việc đề xuất tăng lương cho công chức, viên chức ở giai đoạn này cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Chúng ta không nên đặt chỉ tiêu phải xếp lương nhà giáo vào bậc cao nhất trong thang bậc lương hành chính, sự nghiệp hay đòi hỏi nâng lương giáo chức ngang với bậc hàm của sĩ quan quân đội, công an. Cũng không nên lấy lý do nghề giáo là nghề đặc thù để nâng tầm lên quá so với các ngành nghề khác, bởi mỗi nghề nghiệp có một tầm mức quan trọng khác nhau, sự cống hiến cũng khác nhau nên không thể so sánh.

Nói chung, việc sắp xếp lại thang bậc lương, nâng mức lương một cách khoa học, công bằng cho cán bộ, viên chức hiện nay là một đòi hỏi chính đáng. Tuy nhiên, để làm được điều này, trước tiên cần sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế rồi mới nói đến chuyện tăng lương. Nếu ngành Giáo dục và Đào tạo mong được sớm hiện thực hóa việc tăng lương cho nhà giáo, trước mắt nên đề xuất điều chỉnh theo nhóm đối tượng và vùng miền. Ví dụ, đối tượng giáo viên mới vào nghề sẽ được xếp vào một ngạch cao hơn và ổn định để họ có điều kiện sống với nghề lâu dài; hoặc số giáo viên công tác ở các vùng miền khó khăn sẽ được ưu đãi tăng bậc lương sớm hơn…

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm