(GLO)- L.T.S: Ngày 10-11, Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ bắt đầu có hiệu lực. Phóng viên Gia Lai online đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Lê Văn Châu-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh xung quanh những quy định của Nghị định 71 và kế hoạch triển khai thực hiện của lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh.
Thượng tá Lê Văn Châu |
- P.V: Thượng tá có thể cho biết những điều khoản được sửa đổi, bổ sung của Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ?
Thượng tá LÊ VĂN CHÂU: Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19-9-2012 của Chính phủ có 16 điều được sửa đổi, bổ sung so với Nghị định 34/2010/NĐ-CP. Những điều chỉnh này chủ yếu tập trung vào 4 nội dung: nâng mức phạt đối với xe ô tô chở quá số người quy định; tăng mức phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt quá quy định; tăng mức phạt với lỗi chạy xe quá tốc độ và quy định mức phạt tăng nặng với các hành vi vi phạm an toàn giao thông (áp dụng riêng trong khu vực nội thành tại các thành phố trực thuộc Trung ương).
Về hành vi người điều khiển ô tô chở quá số người quy định, khoản 2, Điều 26 Nghị định 71 quy định, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện (mức phạt của Nghị định 34 là 200.000 đồng đến 300.000 đồng); khoản 4 Điều 26 Nghị định 71 quy định phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300 km (mức phạt hiện nay là 300.000 đồng đến 500.000 đồng).
Chạy quá tốc độ có thể bị xử phạt đến 10 triệu đồng. Ảnh: T.D |
Đối với các trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, mức phạt mới theo Nghị định 71 cũng tăng rất nhiều so với Nghị định 34. Cụ thể Điều 8 Nghị định 71 quy định người điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa tới mức vi phạm quy định thì bị xử phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng (mức phạt của Nghị định 34 từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng); nếu nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở thì sẽ bị xử phạt từ 8 đến 10 triệu đồng (mức phạt của Nghị định 34 là từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng); còn nếu nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng (mức phạt của Nghị định 34 là 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng).
Về trường hợp người điều khiển mô tô, xe gắn máy có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt quá quy định, Điều 9, Nghị định 71 quy định mức phạt từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng (mức phạt của Nghị định 34 là từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng).
Về hành vi chạy quá tốc độ cho phép, Điều 8, Nghị định 71 cũng nâng cao mức xử phạt so với Nghị định 34. Cụ thể, với người điều khiển ô tô chạy quá tốc độ từ 5 km đến dưới 10 km/giờ bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng (mức cũ là 300.000 đồng đến 500.000 đồng); chạy quá tốc độ từ 10 km đến 20 km/giờ phạt 2 triệu đến 3 triệu đồng (mức cũ từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng); chạy quá tốc độ từ trên 20 km đến 35 km/giờ bị phạt từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng (mức cũ là từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng); chạy quá tốc độ trên 35 km/giờ bị phạt từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng (mức cũ là từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng).
Đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, Điều 9, Nghị định 71 quy định mức phạt 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu chạy quá tốc độ từ 5 km đến dưới 10 km/giờ; từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu chạy quá tốc độ từ 10 km đến 20 km/giờ; từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng nếu chạy quá tốc độ trên 20 km/giờ (mức phạt của Nghị định 34 cao nhất là 1 triệu đồng).
Ngoài các biện pháp phạt tiền như trên, Nghị định 71 còn quy định những hình thức xử phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện đối với nhiều hành vi vi phạm Luật Giao thông Đường bộ.
- P.V: Lực lượng Cảnh sát Giao thông đã và sẽ làm gì để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ, thưa Thượng tá?
Thượng tá LÊ VĂN CHÂU: Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh sẽ tăng cường lực lượng, phương tiện, trang-thiết bị trong công tác tuần tra kiểm soát trên các tuyến, các địa bàn trọng điểm. Phòng Cảnh sát Giao thông cũng sẽ tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh xây dựng kế hoạch xử lý chuyên đề về nồng độ cồn. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát Giao thông sẽ đẩy mạnh xử lý các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông như: chạy quá tốc độ, chở quá khổ, quá tải, không có giấy phép lái xe… Quan điểm của chúng tôi là sẽ kiên quyết xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm, đặc biệt trong thời gian trước-trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn trên địa bàn tỉnh.
- P.V: Xin cảm ơn Thượng tá.
Tiến Dũng (thực hiện)