Kinh tế

Nông nghiệp

Tăng nguồn lực cho xuất khẩu nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù có những vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn nhưng trên thực tế, ngành xuất khẩu nông sản của Gia Lai mới chỉ dừng lại ở việc xuất thô các sản phẩm…

Mặt hàng chủ lực gặp khó vì giá

Theo báo cáo của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng năm 2016 đạt gần 226 triệu USD (đạt 56,5% kế hoạch, tăng 18,52% so với cùng kỳ). Sản lượng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như cà phê, cao su, mì lát tăng mạnh song bất lợi về giá đã khiến kim ngạch tăng không đáng kể. Giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 1.630 USD/tấn, trong khi giá cùng thời điểm của năm ngoái đạt đến 1.700 USD/tấn. Do đó, dù sản lượng xuất khẩu cà phê đạt 81.297 tấn, tương ứng kim ngạch 132,26 triệu USD (tăng 31,38% về lượng nhưng giá trị chỉ tăng 17,32%). Tương tự, sản lượng mủ cao su xuất khẩu đạt 5.030 tấn, tương ứng kim ngạch 6,5 triệu USD (tăng đến 40,82% về lượng nhưng giá trị chỉ tăng 15,68% do giá cao su xuất khẩu giảm hơn 17% so với cùng kỳ). Sản lượng mì lát xuất khẩu đạt 88.951 tấn, tương ứng 15,28 triệu USD, tăng hơn 2 lần về lượng và tăng 88,53% về giá trị.

 

Mặt hàng cà phê hiện vẫn chiếm khoảng 70-80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Tốc độ xuất khẩu những mặt hàng chủ lực trong các tháng gần đây liên tục được cải thiện song so với sản lượng sản xuất trên toàn tỉnh thì mức độ tăng trưởng còn khá khiêm tốn. Mặt hàng cà phê đang chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70-80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh) tuy nhiên, lượng cà phê xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn chỉ chiếm khoảng 30% sản lượng, còn DN ngoài tỉnh đến thu mua để xuất khẩu chiếm đến 50-60%.

“Khó khăn ở chỗ đa phần DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, chưa đủ mạnh để làm chủ thị trường. Dù các DN đã tích cực khai thác thị trường mới song vẫn còn phụ thuộc lớn vào thị trường truyền thống. Công tác xây dựng chiến lược, xúc tiến thương mại, dự báo, phân tích biến động thị trường để có định hướng phát triển cho các sản phẩm chủ lực cũng chưa được hiệu quả”-ông Nguyễn Tuấn-Tổng Thư ký Hiệp hội DN tỉnh đánh giá.

 

Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 40 DN tham gia xuất khẩu thường xuyên, số lượng các DN xuất khẩu nông sản chiếm khoảng 40% trên tổng số DN xuất khẩu. Hầu hết các DN này đều có cơ sở chế biến quy mô, hệ thống kho chứa đảm bảo.

Tăng nguồn lực cho xuất khẩu

Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chế độ đãi ngộ khuyến khích DN đẩy mạnh xuất khẩu đối với những mặt hàng chủ lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương; khuyến khích DN tập trung đầu tư phát triển theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến, có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, tạo điều kiện về thị trường, thông quan, cải cách thủ tục hành chính để thu hút ngày càng nhiều DN tham gia. Chính sách về thuế suất của tỉnh cũng đã tạo thêm nhiều cơ hội cho DN thâm nhập vào các thị trường lớn… Tuy nhiên, nhiều DN than phiền tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu vẫn còn hạn hẹp so với nhu cầu thực tế. Các DN vẫn phải đi vay thế chấp tài sản là chính chứ không được vay theo hợp đồng tín dụng xuất khẩu. Các DN cho rằng, trong các điều kiện phải đáp ứng để được cấp tín dụng mà ngân hàng đưa ra, tài sản đảm bảo là yếu tố đầu tiên, trong khi tài sản thế chấp lại không nhiều, gần như DN nào cũng đã dùng tài sản để thế chấp ngân hàng trước đó. Điều kiện được Ngân hàng Phát triển bảo lãnh cũng rất khó khăn, những DN xuất khẩu nhỏ ít đáp ứng được.

Tuy nhiên, hiện nay, dịch chuyển dòng vốn vay đối với các nhóm lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên đang có chiều hướng tăng trưởng khá với dư nợ gần 6.000 tỷ đồng. Trong đó, tín dụng xuất khẩu cho các DN chiếm tỷ trọng tương đối và có mức tăng đáng kể. Các ngân hàng lớn như Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương đang nỗ lực dành ưu đãi tốt nhất cho DN trong lĩnh vực xuất khẩu, tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế như cà phê, cao su...

Cùng với việc đẩy mạnh cho vay của các ngân hàng thương mại thì tín dụng của nhà nước cũng đã và đang làm “đòn bẩy” quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trên địa bàn. Ông Trần Hoàng-Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Gia Lai cho biết: Với nhiệm vụ thực hiện chính sách tín dụng xuất khẩu đối với các mặt hàng Nhà nước khuyến khích xuất khẩu nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương, hiện cho vay xuất khẩu tại Chi nhánh đã đạt hơn 1.300 tỷ đồng. Những ưu đãi từ chính sách tín dụng xuất khẩu sẽ giúp các DN có thêm nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô hoạt động, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm