(GLO)- Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong những tháng qua tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2013, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều diễn biến phức tạp. Đảm bảo an toàn giao thông càng được xem là nhiệm vụ hàng đầu khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện về việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Lễ Quốc khánh 2-9 và khai giảng năm học 2014-2015. Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với Đại tá Phạm Văn Uấn-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh về vấn đề này.
Đại tá Phạm Văn Uấn |
- Đại tá cho biết đánh giá khái quát về tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng năm 2014 ?
Đại tá Phạm Văn Uấn: Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh và Ban An toàn Giao thông tỉnh xây dựng kế hoạch đảm bảo An toàn giao thông trong năm 2014. Về phía lực lượng Cảnh sát Giao thông, chúng tôi tập trung tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật để tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn giao thông. Từ những nỗ lực này, so với cùng kỳ năm 2013 đã giảm được 22% về số vụ, giảm 20% số người chết. Cụ thể, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 114 vụ tai nạn, làm chết 131 người, bị thương 97 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, số người bị thương vẫn còn tăng so với cùng kỳ (97/87 trường hợp bị thương).
Mặc dù tai nạn giao thông đã được kéo giảm 2 chỉ số, nhưng số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn xảy ra, trong đó tập trung chủ yếu ở các tuyến đường nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và lỗi trực tiếp là do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm về tốc độ gây tai nạn. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của các tầng lớp nhân dân còn nhiều hạn chế, nhất là tình trạng thanh-thiếu niên chở 3, chở 4 không đội mủ bảo hiểm lạng lách, đánh võng vẫn còn xảy ra; người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; ô tô chở quá khổ, quá tải, xe không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành vẫn còn nhiều...
Tăng cường tuần tra kiểm soát phương tiện lưu thông trên các tuyến quốc lộ, địa bàn trọng điểm trong dịp nghỉ lễ. Ảnh: Minh Nguyễn |
Các thực trạng trên chính là yếu tố tiềm ẩn, nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao làm thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước, của nhân dân; gây ảnh hưởng không ít đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn.
- Vậy theo Đại tá những nguyên nhân cơ bản nào đã làm giảm tai nạn giao thông trên địa bàn trong thời gian qua ?
Đại tá Phạm Văn Uấn: Có thể nói, tình hình tai nạn giao thông giảm trên cả 2 chỉ số là nhờ sự vào cuộc, tham gia công tác giữ gìn TTATGT của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sát của Giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo Ban An toàn Giao thông tỉnh mà trực tiếp là đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh. Ngoài việc chỉ đạo việc tăng cường thời lượng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về Luật Giao thông Đường bộ; đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông; từ việc tuyên truyền trực tiếp ở các trường học, tổ chức các lớp tập huấn đến việc tuyên truyền bằng xe loa, bảng ảnh, bằng các panô, áp phích ở các khu dân cư, nơi tập trung đông người và ở các tuyến đường thường xảy ra tai nạn...
Bên cạnh đó, UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh còn quan tâm, đầu tư trang-thiết bị, phương tiện, thành lập các tổ liên ngành tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Chúng tôi cũng cương quyết xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm an toàn giao thông với những mức xử phạt nghiêm khắc để có hiệu quả răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Kiểm tra việc chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông của các phương tiện vận tải hành khách. Ảnh: Minh Nguyễn |
- Để tiếp tục kéo giảm tai nạn, đảm bảo tốt tình hình TTATGT trên địa bàn, theo Đại tá thì cần phải có những giải pháp cụ thể gì trong thời gian tới?
Đại tá Phạm Văn Uấn: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh về đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên toàn địa bàn. Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng tuyến đường, từng địa phương, chúng tôi sẽ huy động, bố trí lực lượng xử lý vi phạm theo các chuyên đề, trong đó tập trung xử lý đối với các hành vi vi phạm. Đồng thời phối hợp với lực lượng Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát 113, Cảnh sát trật tự và các đơn vị liên quan xử phạt nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định…
Ngoài ra, chúng tôi sẽ kiến nghị với các ngành chức năng khắc phục các “điểm đen” về tai nạn giao thông, lắp đặt biển báo, nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện xe cơ giới cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Đồng thời, sẽ phối hợp với Thanh tra ngành Giao thông-Vận tải và huy động các lực lượng của phường, xã, đoàn thanh niên cùng hỗ trợ trong công tác đảm bảo an toàn giao thông. Với những nỗ lực này, chúng tôi tin rằng tình hình tai nạn giao thông trong thời gian tới sẽ tiếp tục được kéo giảm.
- Thưa Đại tá, thực hiện theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh về việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh, khai giảng năm học 2014-2015, Phòng Cảnh sát Giao thông-Công an tỉnh đã có sự chuẩn bị như thế nào trong đợt cao điểm này ?
Đại tá Phạm Văn Uấn: Thực hiện kế hoạch 1184 của Giám đốc Công an tỉnh về mở đợt cao điểm đảm bảo TTATGT trong những ngày lễ, chúng tôi đã lên kế hoạch huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, triển khai quyết liệt các biện pháp công tác nhằm kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông nhất là tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; không để xảy ra ùn tắc giao thông, đua xe trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn trong dịp nghỉ lễ, các hoạt động kỷ niệm, lễ khai giảng năm học mới.
Đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 2-9 sắp tới, thời gian nghỉ kéo dài nên nhu cầu đi lại, du lịch, về thăm nhà… của người dân sẽ tăng cao. Do vậy, ngoài việc tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các doanh nghiệp vận tải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TTATGT đường bộ, chúng tôi cũng đã có kế hoạch tăng tần suất tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng Cảnh sát Giao thông trên các tuyến, địa bàn trọng điểm vào thời gian cao điểm. Đảm bảo lực lượng làm nhiệm vụ và ứng trực trong các ngày lễ, cụ thể: Bố trí 6 tổ công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT 24/24 trên các tuyến quốc lộ 14, 19; phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuần tra kiểm soát ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATGT vào những giờ cao điểm.
Đáng chú ý là, dịp này chúng tôi còn mở đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT từ nay đến hết tháng 9-2014 với những nội dung, hình thức phù hợp cho từng độ tuổi, trình độ, từng vùng; tập trung tuyên truyền tại những làng trọng điểm về tai nạn giao thông, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền về hậu quả, tác hại của bia rượu trong điều khiển phương tiện tham gia giao thông, mức độ xử lý...
- Xin cảm ơn Đại tá !
Minh Nguyễn (thực hiện)