Ngoài các dự án Tổng Bí thư nêu đích danh như dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng tại TP.HCM, 2 dự án bệnh viện ở Hà Nam... thì các dự án lưu cữu trên giấy, các dự án vắt từ quy hoạch này sang quy hoạch khác, các dự án dừng trước vạch đích, các dự án trước đây còn nâng lên đặt xuống... đều đang chuyển động. Đơn cử, Metro số 1 TP.HCM, do quá nhiều lần lùi lịch - trễ hẹn nên dù lãnh đạo TP cam kết thì đến hết quý 3 vừa rồi, chưa ai dám chắc năm nay tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM sẽ đi vào hoạt động. Thế nhưng sau quán triệt của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu TP phải đưa vào khai thác dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (Metro số 1) đúng tiến độ đề ra trong tháng 11 thì hiện nay, Metro số 1 đã chính thức vận hành thử với 100% công suất như khai thác thương mại, hoạt động từ 5 giờ - 23 giờ 30 mỗi ngày. Có thể nói, tới được bước này thì người dân TP.HCM sau gần 2 thập niên chờ đợi đã có thể thở phào, không còn phập phồng lo mừng hụt như những lần trước.
Tương tự, TP.HCM cũng vừa gửi văn bản khẩn đến các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và Long An về việc hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM. Mới nhất chiều qua 14.11, Sở GTVT TP cũng tổ chức Hội nghị tham vấn Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án hạ tầng giao thông đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT theo Nghị quyết số 98 của Quốc hội... Trước đó, TP cũng nỗ lực hoàn thành một số cầu, đường như các cây cầu Phước Long, Rạch Đỉa, Nam Lý, Bà Hom; đường Dương Quảng Hàm, Trần Quốc Hoàn, Tân Kỳ Tân Quý...
Không chỉ TP.HCM, tín hiệu chuyển động đang lan tỏa ở nhiều tỉnh/thành trên cả nước. Những dự án "ngủ đông" đang được đánh thức, cả công và tư. Những vướng mắc đùn đẩy hết cửa này, cửa kia đã có địa chỉ cụ thể và rất khó để cán bộ "né" ký. Đó là sự khác biệt ở thời điểm hiện tại so với việc hô khẩu hiệu trước đây. Lý do là bởi trước đây, chúng ta chỉ "nhìn" lãng phí ở những cái có thể đo đếm, định lượng được. Nên ở rất nhiều nơi, lãnh đạo chỉ quyết liệt trong cuộc họp, quyết liệt trên giấy. Còn thực hiện đến đâu, tiến độ thế nào, thậm chí làm hay không... cũng kệ. Hệ quả là hàng ngàn dự án bị ách tắc, giải ngân đầu tư công ì ạch. Còn giờ đây, lãng phí được chỉ rất rõ, rất cụ thể, ở nhiều khía cạnh, nhiều hành vi, nhiều cách thức khác nhau. Trong đó, Tổng Bí thư nêu rõ: "Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp".
Khi chẩn đúng bệnh, bốc đúng thuốc thì sẽ trị dứt điểm căn bệnh chậm tiến độ, bệnh sợ trách nhiệm, sợ ký luật "nằm vùng" quá lâu trong bộ máy hành chính công hiện tại. Và chỉ cần thế, chúng ta cũng có được một nguồn lực khổng lồ bị ép ngủ đông trong các dự án hạ tầng cầu, đường, trường, trạm... vào phục vụ nền kinh tế.
Theo Nguyên Khanh (TNO)