Phóng sự - Ký sự

Tặng vật của những dòng sông: Sông Son có con cá trắm !

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ một chi lưu của sông Gianh, sông Son từ lâu được biết đến là dòng sông di sản khi chảy ngầm trong các núi đá vôi tại Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình).
Dòng sông này có một đặc sản mà ai đến “xứ sở hang động” cũng phải thưởng thức: loài cá trắm sông Son.
Đặc sản giữa lòng di sản
Cá trắm từ lâu đã là loài cá quá quen thuộc với người dân Việt Nam, phổ biến với hai loại trắm cỏ và trắm đen. Hầu như trong bữa cơm gia đình dù ở nông thôn hay thành thị, cá trắm luôn là loại thực phẩm được mọi người ưa thích bởi thịt cá thơm ngon, bổ béo cùng với mức giá rẻ. Chính vì điều đó, cá trắm thường được biết đến là loài hải sản dân dã, muốn ăn khi nào cũng dễ.

Người dân tại TT.Phong Nha nuôi cá bằng cách thả lồng bè giữa sông Son và cho ăn rong rêu
Người dân tại TT.Phong Nha nuôi cá bằng cách thả lồng bè giữa sông Son và cho ăn rong rêu
Nhưng tại “vương quốc di sản” Phong Nha - Kẻ Bàng lại khác. Cá trắm ở đây đã trở thành một món ăn đặc sản, được tổ chức thành lễ hội diễn ra hằng năm.
Tưởng như con cá trắm phải tắm mình trên dòng sông di sản, vẫy vùng trong làn nước mát trong chảy giữa 2 bờ núi đá vôi thì mới có được “tiếng tăm” lẫy lừng như vậy. Nhưng ông Nguyễn Văn Mẹo (60 tuổi, tổ dân phố Na, TT.Phong Nha) cười xòa cho rằng điều làm nên sự khác biệt chính là cách nuôi và chăm sóc cá của người dân tại đây. “Cá trắm sông Son được nhập giống bình thường như các nơi khác và đa số là loài trắm cỏ. Tuy nhiên, cá giống được nuôi lồng bè giữa dòng sông Son, quanh năm ăn rong rêu có sẵn ngay giữa sông. Chính vì thế cá ở đây luôn chắc thịt, thơm ngon, ít mùi tanh”, ông Mẹo nói.
Quả vậy, đi dọc bờ sông sẽ dễ dàng nhìn thấy không ít nhà thuyền với chi chít lồng bè nổi lấp xấp trên sông, đó là nơi cư ngụ của cá trắm. Mỗi lồng cá có diện tích khoảng 20 m2, nuôi được 250 - 300 con cá nhỏ, khi cá lớn lên sẽ tách ra thành 2 lồng. Theo những chủ nhân của nhà thuyền, thời gian nuôi cá trắm kéo dài cả năm, bán một mẻ sẽ thu được từ 40 - 50 triệu đồng (1 kg có giá 120.000 đồng).

Masterchef Phạm Tuấn Hải rất ấn tượng trước cách nấu nướng và trang trí món ăn từ cá trắm sông Son của bà con vùng di sản
Masterchef Phạm Tuấn Hải rất ấn tượng trước cách nấu nướng và trang trí món ăn từ cá trắm sông Son của bà con vùng di sản
Thay vì được nuôi trong ao hồ và ăn các loại thức ăn như bột, cám…, cá trắm lồng bè trên sông Son thơm ngon là bởi được “hưởng thụ” rong rêu. Tuy nhiên, để cá trắm sông Son trở thành đặc sản, người nuôi cá ở đây cũng vất vả hơn khi ngày nào cũng phải chèo thuyền đi dọc sông Son vài cây số để vớt rong rêu về cho cá ăn.
Một chủ hộ nuôi cá trắm trên sông Son cho biết thời điểm lấy rong rêu là từ 5 giờ sáng, cho đến khi đầy thuyền mới về. “Mỗi ngày có thể vớt được cả tạ rong rêu. Nhưng người nuôi ngày một nhiều, vớt hoài thì rong cũng hết”, người này trăn trở.
Trong khi đó, ông Mẹo cho rằng rong vớt về ngày nào thì nên cho cá ăn hết trong ngày đó, để lâu quá rong rêu sẽ khô, mất dinh dưỡng. “Chính vì thế chúng tôi cũng đang tập cho cá ăn thêm các loại lá, rau… để cá quen và phát triển bình thường khi vào mùa mưa lũ, nước dâng không thể vớt rong rêu”, ông Mẹo chia sẻ.
Với cách nuôi, chăm sóc và cho ăn khác biệt, tiếng tăm “cá trắm sông Son” từ một loài bình thường trở nên đặc biệt, được du khách nhất định phải thưởng thức mỗi khi đặt chân đến thị trấn di sản. Còn với người dân địa phương, thu nhập cũng tăng lên nhờ nuôi cá trắm cùng với việc lái thuyền chở khách du lịch, làm ruộng, trồng ngô… Tất cả mang lại sự đủ đầy cho người dân, làm cho những mái nhà dọc bờ sông Son này cao lên 2 - 3 gác ngày một nhiều.

Con cá trắm kỷ lục tại cuộc thi từng được ghi nhận lên đến 13 kg. Ảnh: Bá Cường
Con cá trắm kỷ lục tại cuộc thi từng được ghi nhận lên đến 13 kg. Ảnh: Bá Cường
Vác cá đi… thi
Nếu đến TT.Phong Nha vào dịp lễ 30.4, ngoài những hoạt động du lịch tại thị trấn nhỏ này, du khách sẽ còn có cơ hội trải nghiệm Hội thi cá trắm sông Son được tổ chức thường niên.
Năm 2016, Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đã lên kế hoạch tổ chức Hội thi cá trắm sông Son và biến nó thành một lễ hội thường niên, góp phần làm đặc sắc hơn cho thị trấn du lịch và quảng bá thương hiệu cá trắm của quê hương. Bà con nông dân cũng có thêm sân chơi mới. Kể từ đó đến nay, những tay nuôi cá trắm đến từ tổ dân phố Na và tổ dân phố Xuân Tiến luôn “ẵm” được nhiều giải cao nhất.
Tại lễ hội này, người dân các tổ dân phố của TT.Phong Nha sẽ tụ họp lại, bàn bạc và tìm ra con cá trắm to, khỏe, đẹp nhất của địa phương mình để đem đi thi cá khỏe, cá đẹp. Họ cũng tìm những người có kinh nghiệm bắt cá nhanh nhất để thi cuộc thi bắt cá nhanh.
Theo ông Hoàng Văn Thái, Chủ nhiệm CLB nuôi cá nước ngọt xã Sơn Trạch (H.Bố Trạch, Quảng Bình), kể từ năm 2016 đến nay con cá kỷ lục nhất tại cuộc thi có trọng lượng lên đến 13 kg. Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là con cá có trọng lượng “khủng” nhất mà người dân tại đây nuôi được. Bởi không phải lúc nào thu hoạch cá to cũng đúng dịp thi thố. “Trong chuỗi các chương trình tại hội thi độc đáo này, phần được khán giả mong chờ nhất có lẽ là thi chế biến món ăn từ cá trắm sông Son. Tại đây, các tổ dân phố tiếp tục trổ tài nấu nướng với 5 - 7 món từ kho, chiên, hấp… với chính con cá của tổ dân phố mình”, ông Thái nói.
Nhiều người sẽ phải ngả mũ thán phục trước tài biến tấu của các “đầu bếp không chuyên” ở địa phương. Bởi với một loài cá quen thuộc, họ đã chế biến, trình bày lên mâm làm thực khách chỉ cần liếc nhìn thôi cũng… xao xuyến trên đầu lưỡi. Đến Masterchef Phạm Tuấn Hải (thành viên Hiệp hội các đầu bếp Đông Nam Á, được bình chọn là một trong 10 đầu bếp nổi tiếng nhất Việt Nam) trong lần tham dự hội thi vào năm 2022 cũng không khỏi ngỡ ngàng trước những món ăn và cách trang trí của bà con nông dân từ nguyên liệu là loài cá trắm đặc sản. Vị đầu bếp tài danh này cũng mời gọi du khách nên có một trải nghiệm giống như mình về con cá trắm nơi vùng di sản, bởi nó rất xứng đáng.
Có người bảo, cá trắm sông Son nổi tiếng vì được “gắn mác” với di sản Phong Nha - Kẻ Bàng. Điều đó đúng, bởi thưởng thức một sản vật nuôi trên dòng sông di sản, ở ngay tại miền di sản, sẽ có một giá trị vô hình tác động đến tâm lý, khẩu vị của mỗi người. Nhưng cũng cần sòng phẳng với con cá trắm sông Son, bởi chúng mang những giá trị tự thân, từ cách chăm nuôi cho đến cách chế biến món ăn mặn mòi, cay nồng của người dân bản địa.
(còn tiếp)
Theo Nguyễn Phúc - Bá Cường (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm