Tăng viện phí phải đồng hành với nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ ngày 12-10, tất cả các cơ sở khám-chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đồng loạt tăng giá dịch vụ lên khoảng 20% đối với bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Viện phí tăng đã khiến người bệnh cảm thấy lo lắng, tuy nhiên điều mọi người quan tâm hơn là liệu chất lượng khám-chữa bệnh có được cải thiện hơn hay không?

Người bệnh lo lắng

 

Người dân sẽ được chăm sóc tốt hơn khi giá viện phí tăng? Ảnh: Đ.P
Người dân sẽ được chăm sóc tốt hơn khi giá viện phí tăng? Ảnh: Đ.P

Từ ngày 12-10, tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, 1.887 danh mục dịch vụ y tế đã điều chỉnh giá trong đợt I (ngày 1-3-2016) sẽ tiếp tục được điều chỉnh giá tăng lên.  

Khu vực Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai vào buổi sáng thường có rất đông bệnh nhân đến khám. Thông tin tăng giá dịch vụ đợt II đối với bệnh nhân BHYT đã được dán công khai tại khu vực thu viện phí để người bệnh tiện theo dõi. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường-Phó Giám đốc Bệnh viện cho hay, trung bình mỗi ngày Bệnh viện khám cho 1.000 lượt bệnh nhân, trong đó trên 77% người có thẻ BHYT, đây là nhóm đối tượng bị điều chỉnh bởi việc tăng giá dịch vụ y tế.

Theo tính toán, giá dịch vụ y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai  tăng trung bình 20% so với trước đây. Chẳng hạn giá siêu âm màu thông thường trước đây là 30.000 đồng/lượt nay tăng lên 49.000 đồng; chụp X-quang phim 1 tư thế trước đây 36.000 đồng/lượt nay tăng lên 47.000 đồng/lượt…

Giá dịch vụ y tế tiếp tục tăng lên đã tác động trực tiếp đến người bệnh khiến nhiều người lo lắng. Anh Phạm Văn Hoàng (236 Hai Bà Trưng, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) cho hay: “Trước đây tôi đi khám bệnh viêm họng, viêm đa xoang, có chụp phim và nội soi vòm họng vì được BHYT chi trả 80% chi phí nên có lần thì không phải nộp tiền (vì tổng chi phí khám và thuốc chữa bệnh chưa vượt quá 15% tháng lương cơ sở), lần nhiều nhất sau khi tăng viện phí ngày 1-3 chỉ phải nộp 120.000 đồng. Nhưng sáng nay cũng bệnh cũ nhưng phải đóng tới 200.000 đồng mà thuốc thì có tăng thêm viên nào đâu!”.

Lo lắng lớn nhất có lẽ là các bệnh nhân nội trú phải điều trị dài ngày vì hầu hết giá các dịch vụ kỹ thuật đều tăng; trong đó giá giường bệnh tăng nhiều; ví dụ: giá giường bệnh hồi sức cấp  cứu-chống độc từ 115.000 đồng/ngày, nay tăng lên 279.100 đồng/ngày (chưa bao gồm chi phí máy thở nếu có); giường bệnh nhi từ 80.000 đồng/ngày, nay tăng lên 178.500 đồng/ngày; giường bệnh phụ sản không mổ từ 65.000 đồng lên 152.500 đồng/ngày…

Thu hút bệnh nhân để cải thiện chất lượng

 

Bệnh viện luôn quá tải bệnh nhân. Ảnh: Đ.P
Bệnh viện luôn quá tải bệnh nhân. Ảnh: Đ.P

Theo cơ quan Bảo hiểm Xã hội, việc tăng giá viện phí từ ngày 12-10 đòi hỏi các bệnh viện phải tìm cách nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, cải thiện tinh thần thái độ phục vụ người bệnh. Vì chỉ có như thế thì mới thu hút được nhiều bệnh nhân đến khám-chữa bệnh, mới có nhiều nguồn thu. Và khi nguồn thu tăng lên thì các cơ sở lại có điều kiện để tái đầu tư các trang-thiết bị, máy móc phục vụ khám-chữa bệnh, trang bị máy điều hòa, ti vi, giường bệnh tốt hơn để phục vụ người bệnh; có tiền lương, thưởng cao hơn để động viên nhân viên y tế làm việc tích cực hơn.

Trên thực tế, sau 2 đợt tăng viện phí các bệnh viện lớn đã bước đầu có sự chuẩn bị về cơ sơ vật chất để hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ. “Là bệnh viện tuyến đầu của tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai đến từng cán bộ, viên chức, người lao động ký cam kết “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Đồng thời, đưa thêm dịch vụ kỹ thuật mới như phẫu thuật tim mạch; xúc tiến hoàn tất thủ tục để triển khai phương án xã hội hóa xây dựng tòa nhà 5 tầng gồm 150 giường bệnh dịch vụ chất lượng cao (phòng bệnh có máy lạnh, ti vi, sóng wifi… để phục vụ bệnh nhân được tốt hơn”-bác sĩ Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết.

 

Bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay: “Đợt tăng giá dịch vụ y tế lần 2 này sẽ áp dụng cùng một mức giá cho tất cả các bệnh viện đồng hạng ở 16 tỉnh thành kể từ ngày 12-10, trong đó có Gia Lai. Ở tỉnh ta, tất cả các bệnh viện, cơ sở điều trị từ tỉnh đến huyện, xã đồng loạt áp dụng mức giá dịch vụ mới đối với bệnh nhân có thẻ BHYT, các bệnh nhân còn lại vẫn giữ mức giá cũ. Riêng các bệnh nhân nhập viện từ trước ngày 12-10 vẫn giữ nguyên mức giá viện phí cũ. Việc tăng giá viện phí lần này có tính cả tiền lương và phụ cấp của nhân viên y tế. Tăng viện phí là cơ hội để các cơ sở y tế có điều kiện nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh”.

Phương án đưa tiền lương vào chi phí khám-chữa bệnh BHYT đối với các đơn vị có đông bệnh nhân BHYT thì còn khả thi, nhưng đối với các bệnh viện có ít bệnh nhân BHYT thì đây là một thiệt thòi. “Thị xã An Khê chỉ có 57,3% dân số tham gia BHYT, thấp nhất tỉnh. Số người đi khám bệnh BHYT ít trong khi số không có thẻ BHYT thì nhiều nhưng giá viện phí vẫn tính theo mức cũ (bệnh viện luôn quá tải, 180 bệnh nhân/120 giường bệnh) do đó khi tính tiền lương vào BHYT thì thiếu hụt kinh phí”-bác sĩ Ngô Chung Nghĩa-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực An Khê nói.

Cùng cảnh ngộ trên, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng-Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh cho hay, theo dự toán năm 2017, đơn vị cũng sẽ thiếu hụt khoảng 4 tỷ đồng. Còn lãnh đạo Bệnh viện 331 cũng cho biết đơn vị thiếu hụt khoảng 5 tỷ đồng trong năm 2017 khi thực hiện theo phương án tăng viện phí. “Theo dự toán sơ bộ năm 2017 thực hiện phương án tăng viện phí có tính cả phụ cấp, tiền lương của cán bộ y tế vào phí dịch vụ thì Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng thiếu hơn 15 tỷ đồng. Đây là bài toán khó chưa có lời giải chứ đừng nói gì đến có tiền để đầu tư thêm trang-thiết bị…”-ông Nguyễn Mạnh Cường-Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh băn khoăn.

Việc tăng giá viện phí tác động đến nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh như thế nào có lẽ phải cần thời gian mới kiểm chứng được. Nhiều lãnh đạo cơ sở điều trị cũng cho rằng, trong điều kiện cơ sở hạ tầng của các bệnh viện, trung tâm y tế còn chật hẹp, xuống cấp, hư hỏng và quá tải bệnh nhân; nguồn nhân lực bác sĩ, điều dưỡng chất lượng cao thiếu thì khó mà nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh. Bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Sở Y tế thì cho rằng: “Dù không có khoản thu nhập tăng thêm từ việc tăng viện phí thì các cơ sở điều trị vẫn phải nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh và cải thiện tinh thần thái độ phục vụ người bệnh”.

 Đức Phương

Có thể bạn quan tâm