Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quan tâm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng sản xuất; ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số… là những nội dung được lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025).
 

Quan tâm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh: Hà Duy
 

* Ông Lê Quang Trường-Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai: Ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin

Hiện nay, ngành điện đang đi đầu trong cải cách hành chính theo hướng giao dịch trực tuyến, giao dịch điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ số, hệ thống thanh toán điện tử, trình độ học vấn của người dân còn hạn chế nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn và khó đạt chỉ tiêu đề ra. Vì vậy, tỉnh cần có chính sách ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ số, hệ thống thanh toán điện tử, mạng lưới ngân hàng… Đặc biệt, ưu tiên đào tạo và đa dạng hóa các loại hình về công nghệ thông tin tại vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.   

 

* Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất
 

 

Tôi phấn khởi với những kết quả mà Đảng bộ tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó, một số thành tựu nổi bật như: kinh tế tăng trưởng ổn định, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tái cấu trúc kinh tế đạt kết quả khả quan. Tỉnh cũng đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh được cải thiện, công tác quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực.

Bên cạnh đó, vẫn còn có những hạn chế như: hầu hết các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đều thiếu vốn để ứng dụng công nghệ cao, đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, chế biến sâu; việc tiêu thụ sản phẩm, truyền thông, quảng bá sản phẩm đặc thù của địa phương chưa tốt. Các hợp tác xã còn gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại nên chưa có điều kiện mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư đối với doanh nghiệp trong tỉnh chưa khai thác hết tiềm năng, chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ. Nguồn nhân lực của tỉnh tay nghề còn thấp dẫn đến năng suất lao động chưa cao, không hỗ trợ được cho doanh nghiệp phát triển bền vững…

Tôi rất đồng tình với bố cục dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV khi đưa nông nghiệp lên đầu tiên. Như vậy, trong định hướng của tỉnh vẫn coi nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn. Nhiệm kỳ tới, mong rằng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nghiên cứu ban hành nhiều chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với đặc thù của địa phương và tiếp tục tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh. Tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả. Ngoài ra, UBND tỉnh cần có những chính sách công bằng và minh bạch giữa các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận để tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh.

 NGUYỄN SANG-NGỌC THU

 

Có thể bạn quan tâm