Tạo môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trước những vụ bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã lên tiếng phê phán mạnh mẽ, đồng thời có nhiều hoạt động nhằm bảo vệ, tạo ra môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Lên tiếng mạnh mẽ 
Theo báo cáo của lực lượng chức năng, 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 28 vụ bạo lực và xâm hại trẻ em, chủ yếu xảy ra trên địa bàn các huyện: Phú Thiện, Krông Pa, Ia Pa, Đak  Đoa… Trong đó có 7 vụ hiếp dâm, 11 vụ giao cấu, 2 vụ dâm ô, 5 vụ cố ý gây thương tích. Đặc biệt, có 3 vụ việc nghiêm trọng là vụ cha hiếp dâm con gái ruột tại huyện Krông Pa, cha giết con gái ruột ở Đak Đoa, cha giết con trai ở Chư Pưh gây ra nỗi đau trong gia đình nạn nhân, bị dư luận xã hội lên án gay gắt.
Cuộc thi tuyên truyền viên giỏi-một trong nhiều hoạt động tạo môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Ảnh: Minh Châu
Cuộc thi tuyên truyền viên giỏi-một trong nhiều hoạt động tạo môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Ảnh: Minh Châu
Trước tình hình này, tháng 5-2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã ban hành hướng dẫn về “Hoạt động lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em”. Hướng dẫn nêu rõ những bước trong quy trình tham gia giải quyết các vụ việc, từ tiếp nhận thông tin, phân tích vụ việc, trao đổi, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền đến tư vấn, trợ giúp nạn nhân và gia đình. 
Bà Rơ Ô H’Rin-Chủ tịch Hội LHPN huyện Đức Cơ-cho biết: “Ngay sau khi trên địa bàn xảy ra vụ việc thầy giáo xâm hại nữ sinh lớp 8, đại diện Hội LHPN huyện đã đến thăm, động viên tinh thần nạn nhân, đồng thời trợ giúp, hướng dẫn gia đình làm các thủ tục cần thiết để bảo vệ em”. Cũng từ vụ việc đau lòng này, bà H’Rin cho rằng, lên tiếng thôi chưa đủ mà cần có sự chung tay hành động để bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái. Chủ tịch Hội LHPN huyện thông tin: “Hội LHPN tỉnh đã có văn bản hướng dẫn kịp thời để Hội Phụ nữ các cấp có cơ sở triển khai hành động. Năm ngoái, trên địa bàn huyện xảy ra vụ xâm hại trẻ em gái trong đội sản xuất của một công ty cao su cách xa trung tâm huyện hàng chục cây số, khiến quá trình phát hiện sự việc đến triển khai hỗ trợ, hướng dẫn các văn bản pháp luật cho người dân cũng rất khó khăn. Chúng tôi phải phối hợp với Hội Phụ nữ của công ty cao su này, cùng với các tổ chức Đoàn, Hội quan tâm vận động người dân tố giác hành vi phạm tội, bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em tại các đội sản xuất ở xa trung tâm để tránh những trường hợp tương tự xảy ra”.
Trong 6 tháng đầu năm, Hội LHPN các huyện cùng các ban, ngành, đoàn thể đã triển khai trên 30 buổi truyền thông, tuyên truyền phòng-chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em cho gần 1.500 lượt hội viên, phụ nữ. Hội LHPN huyện Đak Đoa, TP. Pleiku… cũng vừa tổ chức cuộc thi tuyên truyền viên giỏi về phòng-chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em để tìm ra những cán bộ Hội năng động, có nhiều sáng kiến, cách làm hay góp phần chung tay bảo vệ phụ nữ, trẻ em trước các nguy cơ mất an toàn.
Cùng hành động 
Trên thực tế, số lượng phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục chưa phải là con số chính xác bởi còn nhiều vụ việc chưa bị phát hiện và tố cáo. Vấn đề càng nghiêm trọng khi đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em lại chính là cha mẹ hoặc những người có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng. Vì vậy, làm sao để chính người trong cuộc lên tiếng mới là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân. Cách làm mà các cấp Hội Phụ nữ hướng đến là tạo những biến chuyển từ chính các gia đình thông qua việc thành lập các câu lạc bộ “Nói không với bạo lực gia đình”, “Ông bố bà mẹ nuôi dạy con tốt”, “Gia đình hội viên, phụ nữ không vi phạm pháp luật”…
Gần đây nhất, cuộc thi vẽ tranh “Mẹ và con gái” được các cấp Hội Phụ nữ triển khai đã nói đúng tâm tư của nhiều người trước những vấn đề không dễ nói thành lời. Cuộc thi được triển khai ở 17 huyện, thị xã, thành phố với trên 2.530 bức tranh gửi dự thi, chủ yếu của học sinh và nữ giáo viên. Hàng ngàn bức vẽ đã cho người xem cảm nhận được sự yêu thương, gắn kết, tình cảm thiêng liêng trong gia đình, đặc biệt giữa mẹ và con gái. Bà Ksor H’Che-Chủ tịch Hội LHPN huyện Ia Pa-cho biết: “Chúng tôi vừa tổ chức triển lãm và trao giải cuộc thi với rất nhiều cảm xúc khác nhau. Tôi tin rằng, góc tối của mỗi gia đình sẽ dần đưa ra ánh sáng khi mẹ và con gái có đủ sự quan tâm, chia sẻ, yêu thương. Khi đó, con gái dễ dàng tâm sự với mẹ những điều khó nói. Ở chiều ngược lại, người mẹ tìm thấy ở con gái một người bạn đồng hành gần gũi. Tình yêu thương, sự quan tâm sẽ giúp mẹ hiểu con hơn, sẽ sớm nhận ra những bất ổn của con gái để giúp đỡ kịp thời, ngăn chặn để không xảy ra bi kịch đau lòng ngay trong chính gia đình mình”.
Bà Rơ Ô H’Rin cũng chia sẻ thêm: “Không thể đổ lỗi do trình độ học vấn thấp mới xảy ra vấn nạn bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Một số vụ việc xảy ra trên địa bàn huyện, kẻ ác lại là người có trình độ học vấn nhất định, tội ác xảy ra ở những nơi không thể ngờ tới. Vì thế, công tác tuyên truyền cần đa dạng, nhất là đề cao cảnh giác với mọi đối tượng, lứa tuổi. Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với Đoàn Thanh niên tăng cường tuyên truyền trong các trường học nhằm giúp các em có thêm hiểu biết pháp luật, dự lường những tình huống xấu có thể xảy ra để biết cách tự bảo vệ mình. Ở các làng, xã, chúng tôi khuyến khích xây dựng mô hình sinh hoạt phù hợp giúp phụ nữ, trẻ em có chỗ dựa tin cậy có thể chia sẻ, tìm sự trợ giúp, bảo vệ, khuyến khích để họ không im lặng trước cái ác, cái xấu”.
Minh Châu

Có thể bạn quan tâm