Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tạo môi trường thật tốt cho doanh nghiệp hoạt động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Hội nghị kiểm điểm tình hình, kết quả khảo sát chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương thuộc tỉnh (DDCI) năm 2020 do UBND tỉnh Gia Lai tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần nâng cao hơn nữa năng lực phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành, tạo động lực cải cách hành chính một cách quyết liệt và đồng bộ.

Tạo nền hành chính chuyên nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho biết: Việc triển khai chỉ số DDCI có thể được xem là những cách thức để chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp với phương châm phục vụ, sát cánh cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai dự án và đi vào hoạt động. Đây cũng là bước đột phá, quyết liệt của tỉnh trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền phục vụ Nhân dân, giúp các tổ chức, doanh nghiệp đánh giá chính xác hơn quyết tâm cải cách bộ máy hành chính của tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị kiểm điểm tình hình, kết quả khảo sát chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương thuộc tỉnh (DDCI). Ảnh: Hà Duy


Năm 2020, tỉnh Gia Lai đã triển khai rất nhiều giải pháp để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Qua khảo sát ý kiến của gần 3.500 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh thì có 43,39% doanh nghiệp cho biết kinh doanh bị thua lỗ, tăng 18,91% so với năm 2019. Tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ ít là 32,58% và thua lỗ lớn là 10,81%. Tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch giảm quy mô kinh doanh tăng 1,16% và có kế hoạch đóng cửa tăng 3,35% so với năm 2019. Có 36,76% doanh nghiệp được khảo sát cho biết các chính sách kịp thời, nhất là việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, 41,36% doanh nghiệp cho biết đã nhận được thông tin, hướng dẫn từ các cơ quan tại tỉnh về các chính sách, cách tiếp cận các chính sách qua thư, email và các phương tiện thông tin khác.

Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi nhận thấy tỉnh đã nỗ lực rất nhiều để đồng hành cùng doanh nghiệp. Thay mặt các doanh nghiệp, xin cảm ơn tỉnh đã xem xét giải quyết việc giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp từ 2% xuống còn 1%. Điều này cho thấy tỉnh đã nhận phần khó khăn về mình để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng cảm ơn Cục Thuế tỉnh đã kịp thời xử lý những vấn đề liên quan đến miễn thuế, giãn thuế cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, kinh tế khủng hoảng. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã sát cánh với doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu hoạt động, hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều, kịp thời nắm bắt khó khăn để tháo gỡ. Tất cả những nỗ lực của các cấp, các ngành đối với doanh nghiệp đều được ghi nhận và thể hiện rất rõ thông qua việc đánh giá DDCI”.  

Tập trung khắc phục hạn chế

Bộ chỉ số DDCI cung cấp nhiều thông tin thực tiễn, xác định rõ “điểm nghẽn” trong việc chỉ đạo, điều hành tại các sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố. Vì vậy, theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành: “Các sở, ngành và địa phương phải “lôi” từng chỉ số thành phần, chỉ số con liên quan tới nhiệm vụ của mình để đánh giá, xem xét còn hạn chế ở đâu, nghẽn ở đâu, từ đó đưa ra những giải pháp sát nhất để cải thiện, không nói chung chung”.

Hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy


Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị có khá nhiều chỉ số thành phần thấp điểm với 5/8 chỉ số thành phần dưới trung vị. Cụ thể: tính minh bạch xếp vị trí 13/17; tính năng động thứ 12/17; chi phí thời gian thứ 17/17; chi phí không chính thức thứ 17/17; thiết chế pháp lý thứ 15/17. Theo đó, chỉ số DDCI năm 2020 của Sở chỉ ở vị trí 12/17 với 68,69 điểm.

Ông Phạm Duy Du-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường-cho biết: “Để cải thiện những chỉ số thấp điểm, Sở cũng đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung xác định cụ thể, rõ ràng và khả thi các hạng mục công trình, dự án trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hạn chế điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo mức độ rủi ro bị thu hồi đất của doanh nghiệp ở mức thấp nhất. Sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của mình, không để chồng chéo công việc trong xử lý hồ sơ đất đai của doanh nghiệp. Tăng cường minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin tài nguyên và môi trường. Đặc biệt, sẽ kiểm tra, giám sát tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử và xử lý vi phạm đối với công chức, viên chức, người lao động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”.

Công nhân làm việc tại Nhà máy chế biến cà phê rang xay, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy


Xếp cuối cùng trong nhóm cấp địa phương, điểm số tổng hợp DDCI năm 2020 của huyện Phú Thiện chỉ đạt 52,01 điểm với 7/8 chỉ số thành phần dưới trung vị. Ông Trịnh Văn Sang-Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-cho hay: “Đây là năm đầu tiên huyện tham gia khảo sát DDCI và đáng buồn là địa phương có vị trí thấp nhất trên bảng xếp hạng. Chúng tôi cũng đã thẳng thắn nhìn nhận và nhận thấy nhiều vấn đề cần phải cải thiện, như trang web huyện chưa cập nhật thông tin kịp thời, thiết chế pháp lý chưa tốt, chính quyền cơ sở còn chậm chạp... Trên tinh thần cầu thị, huyện sẽ tổ chức rà soát, phân tích, đánh giá lại từng tiêu chí, từ đó tháo gỡ từng khâu để nỗ lực cải thiện vị trí trong thời gian tới”.

Liên quan đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, chúng ta phục vụ doanh nghiệp là phục vụ cho sự phát triển. Vì vậy, cần tạo môi trường thật tốt cho doanh nghiệp hoạt động. “Sở Tài nguyên và Môi trường còn bất nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, không thể đổ cho cơ chế. Qua khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, số ngày để có chứng nhận quyền sử dụng đất xếp thứ 52/63; doanh nghiệp gặp khó khăn trong thủ tục đất đai là 60/63... cho thấy vẫn còn tình trạng kéo dài thời gian trong giải quyết hồ sơ; cán bộ còn hạn chế năng lực”-Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ. Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh, việc cải thiện DDCI một cách quyết liệt, đồng bộ là cần thiết để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị phải nghiêm túc rà soát lại các chỉ số thành phần, các chỉ số con; đánh giá lại những tồn tại, hạn chế, từ đó đưa ra giải pháp, chương trình cụ thể để khắc phục, nhất là những vấn đề liên quan tới giá đất, tiếp cận thông tin, năng lực cán bộ.

 

 HÀ DUY
 

Có thể bạn quan tâm