(GLO)- Điều là một trong những cây trồng chiến lược, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế huyện Đức Cơ phát triển. Tuy nhiên, sự đầu tư, thâm canh của đại bộ phận người trồng điều chưa đúng mức nên năng suất, sản lượng điều trên địa bàn huyện những năm qua đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, tập trung thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa những giống điều cao sản có năng suất, chất lượng cao vào trồng thay giống cũ là giải pháp mà ngành Nông nghiệp huyện Đức Cơ đang khẩn trương thực hiện.
Điều được giá, dân phấn khởi
Niên vụ điều năm nay, giá thu mua hạt điều tại các đại lý trên địa bàn huyện Đức Cơ liên tục tăng cao, hiện đang ở mức từ 26.000 đồng đến 30.000 đồng/kg điều tươi, tăng khoảng 8.000 đồng đến 10.000 đồng/kg so với niên vụ trước. Đây là mức giá khá cao so với những niên vụ điều trước đây nên người trồng điều trên địa bàn huyện khá phấn khởi.
Giá điều tăng cao, mùa điều năm nay ở Đức Cơ tấp nập người mua kẻ bán, thương lái đến từng nhà, từng vườn để hỏi mua hạt điều. Đang tất bật hái, lượm hạt điều tại vườn điều khoảng 1 ha của mình, bà Siu Trang (làng Ngol Le 2, xã Ia Krêl) phấn khởi cho biết: “Mọi năm giá điều thấp, người mua ít, mình phải chở ra ngoài thị trấn để bán, còn năm nay nhiều người mua lắm, họ đến tận vườn để mua. Mình đã thu hoạch được 2 đợt bán với giá 26.000 đồng/kg. Dự kiến năm nay mình thu hoạch cũng được khoảng 1,5 tấn”. Tương tự, ông Siu Đoan (làng Ngol Le 1) cũng khá vui trước thông tin giá điều liên tục biến động theo hướng có lợi cho người trồng điều. Ông Đoan cho biết: “Tuy năng suất năm nay có giảm so với năm trước nhưng không đáng kể. Với giá như hiện nay thì mình và bà con trong làng phấn khởi lắm”.
Tập trung thâm canh nâng cao năng suất
Ông Nguyễn Quốc Tư-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ cho biết: 1 ha điều cao sản nếu được đầu tư thâm canh tốt từ khâu chăm sóc, phân bón đầy đủ, áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại thì năng suất có thể đạt từ 3 tấn đến 4 tấn. Với giá bán hiện tại trên thị trường người trồng điều có thu nhập trên 70 triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư. |
Điều là cây trồng chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc, không cần nhiều nước… nên rất thích nghi với điều kiện canh tác của người dân, nhất là người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, tập quán canh tác “được chăng hay chớ”, “phó mặc cho trời” của đại bộ phận người trồng điều trên địa bàn huyện, việc phòng trừ sâu bệnh hại, phân bón, chăm sóc cây hầu như bỏ ngỏ trong thời gian qua nên năng suất, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Toàn huyện Đức Cơ hiện có hơn 3.800 ha điều của hộ gia đình, trong đó chỉ có khoảng 200 ha là giống điều cao sản. Năng suất bình quân chỉ đạt từ 1 tấn đến 1,2 tấn/ha, tổng sản lượng điều hàng năm đạt khoảng 4.000 tấn.
Theo ông Nguyễn Quốc Tư-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ thì: Nguyên nhân chính khiến năng suất, sản lượng, chất lượng điều tại địa phương đạt thấp so với những vùng chuyên canh cây điều lớn như tỉnh Đồng Nai, Bình Phước… là do phần lớn diện tích điều trên địa bàn huyện hiện nay chủ yếu là sử dụng giống điều địa phương. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung tuyên truyền, phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ Thực vật huyện, các địa phương tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây điều cho bà con. Đồng thời, tập trung hỗ trợ nông dân tái canh cây điều, cải tạo diện tích điều kém năng suất; vận động người dân chuyển đổi những diện tích lúa rẫy, mì (nơi không có nguồn nước) kém hiệu quả sang trồng cây điều. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp huyện cũng tập trung đầu tư, hỗ trợ nhân dân liên kết từ khâu chăm sóc, thu hoạch, sơ chế nhằm mục đích nâng cao năng suất, chất lượng hạt điều để tăng tính cạnh tranh, hướng đến phát triển cây điều theo hướng bền vững.
Quang Tấn