Tập trung phòng, chống dịch cúm A(H5N1) trên người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 8-2, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã ra thông báo về tình hình phòng chống dịch cúm A(H5N1) ngay sau cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi ngày 7-2.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện nay cả nước còn 3 tỉnh là Thanh Hóa, Quảng Trị và Sóc Trăng có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.

Báo cáo giám sát của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố từ đầu năm 2012 đến nay cho biết từ đầu năm 2012 đến nay, cả nước đã ghi nhận 2 trường hợp mắc cúm A(H5N1) và đã tử vong tại Kiên Giang và Sóc Trăng.

 

Trước tình hình trên, Cục Y tế Dự phòng đã phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đặc biệt tiếp tục giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc cúm tại các địa phương trong cả nước; điều tra dịch tễ, giám sát chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc với ca tử vong do cúm A(H5N1) và đã xử lý triệt để ổ dịch.

Chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền về phòng chống dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng trong đó tập trung vào phòng, chống dịch cúm A(H5N1);

Duy trì các điểm giám sát các trường hợp cúm tại cộng đồng, tại các điểm giám sát cúm quốc gia và các bệnh viện để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch và theo dõi sự biến đổi gen, tính kháng thuốc của vi rút cúm A(H5N1) để đưa ra các giải pháp trong công tác dự phòng và điều trị.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm trên gia cầm.

Bên cạnh đó, ngay sau khi nhận được thông tin về trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) tại Kiên Giang và Sóc Trăng, Cục Y tế dự phòng đã có Công điện gửi Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu đề nghị điều tra dịch tễ và tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống cúm A(H5N1) trên địa bàn tỉnh.

Cục cũng gửi công điện tới Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT đề nghị phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người và Chỉ đạo Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh tăng cường hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật giám sát và phòng chống cúm A(H5N1) trên địa bàn.

Bộ Y tế đã thành lập 2 đoàn công tác liên ngành kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm và trên người tại TP. Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng.

Các tỉnh, Kiên Giang, Cần Thơ và Sóc Trăng đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, Chi cục Thú y tỉnh và Thú y huyện xuống địa bàn xác minh, điều tra dịch tễ và xử lý khử trùng tại nhà bệnh nhân và các hộ lân cận bằng Cloramin B theo đúng quy trình.

Phối hợp giữa các Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh mà bệnh nhân lưu trú để tiến hành điều tra dịch bệnh. Đồng thời Truyền thông các biện pháp phòng chống cúm A (H5N1) tại địa bàn nơi xảy ra ca bệnh, để người dân hiểu và biết cách phòng chống có hiệu quả hơn.

Để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch cúm A(H5N1), Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch một cách chủ động. Trong đó, Cục Y tế dự phòng chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố tăng cường công tác giám sát các trường hợp cúm nghi ngờ nhiễm vi rút cúm A(H5N1), phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch.

Liên tục cập nhật tình hình dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm, trên người thông báo rộng rãi cho người dân biết để áp dụng các biện pháp phòng, chống; chia sẻ thông tin kịp thời với Tổ chức Y tế thế giới.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tăng cường triển khai các hoạt động giám sát cúm trọng điểm quốc gia; phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu sự lưu hành và biến đổi của vi rút cúm A(H5N1) trên gia cầm, trên người.

Mặt khác, các đơn vị trong ngành y tế phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ mẫu bệnh phẩm, phối hợp trong phòng, chống dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm, trên người.

Về công tác truyền thông, cần thông tin đảm bảo minh bạch, cập nhật, không làm người dân hoang mang lo lắng về cúm A(H5N1); Xây dựng các chuyên đề truyền thông đa dạng nhằm truyền tải thông tin đến với người dân, đặc biệt lưu ý người dân không giết, mổ gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân. Không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm chưa được chế biến kỹ.

Bộ Y tế cũng chỉ đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh rà soát, cập nhật các biện pháp điều trị bệnh nhân cúm A(H5N1). Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị khám, chữa bệnh các tuyến rà soát, bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Các bệnh viện tuyến trung ương chủ động bố trí cán bộ có kinh nghiệm hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến tỉnh trong điều trị bệnh nhân cúm A(H5N1).

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm