Phóng sự - Ký sự

'Tarzan' của Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vì có lối sống, tình yêu đặc biệt với núi rừng Tây Nguyên mà chàng trai Jrai 21 tuổi R'Cơm Bus có một thân thể rắn chắc, khỏe mạnh được ví như Tarzan. 'Tarzan' của Tây Nguyên còn thành thạo hơn 10 loại nhạc cụ dân tộc, mở lớp dạy học đánh cồng chiêng nhằm trao truyền, giữ gìn văn hóa dân tộc cho lớp trẻ làng Pleiku Roh.

Giữ lửa cồng chiêng

Cuộc sống khó khăn, bố mất sớm nên R’Cơm Bus rất chăm chỉ lên rẫy cùng mẹ trồng lúa, tra bắp. Bus cùng gia đình 6 người sống trong căn nhà sàn ở góc làng Pleiku Roh (phường Yên Đỗ, TP.Pleiku). Dù còn khá trẻ nhưng gương mặt Bus lại đượm chất phong sương của người con núi rừng Tây Nguyên.

Bus nghỉ học từ năm lớp 10, phần vì cuộc sống khó khăn, phần vì yêu thích ca hát, nhảy múa. Ngay từ hồi cấp hai, cậu bé hiếu động này đã đi theo thầy trong làng tập đánh cồng chiêng. Tích lũy tài năng, cùng vẻ ngoài nam tính nên Bus chiếm trọn trái tim của mọi người khi đăng những bài hát đầy nội lực, mang hơi thở của núi rừng lên mạng xã hội. Đặc biệt nhất là khi Bus thể hiện tình yêu núi rừng qua các loại nhạc cụ dân tộc như: Cồng chiêng Tây Nguyên, đàn đá, T’rưng, sáo, krong put, trống H’gor,...

Chân dung R’Cơm Bus

Chân dung R’Cơm Bus

“Trong một lần tình cờ biểu diễn văn nghệ ở nhà thờ khi mới học cấp hai, tôi được một người thầy để ý và ngỏ lời dạy âm nhạc. Từ hôm ấy tôi chăm chỉ học tập, rèn luyện với thầy. Khi khá thành thạo rồi tôi có cơ hội được thầy cho tham gia vào đội văn nghệ, đi biểu diễn, tham dự những buổi giao lưu văn hóa nghệ thuật dân tộc trong và ngoài tỉnh”, Bus chia sẻ.

Người thầy mà Bus nhắc đến là ông Siu Thưm (40 tuổi). Với nụ cười đôn hậu, thầy kể, ngay từ nhỏ, Bus đã rất thích thú khi khám phá các loại nhạc cụ. Với khả năng cảm âm, thính giác nhạy bén, bản sắc văn hóa dân tộc đã ngấm trong máu mà tài năng của Bus càng được bộc lộ, phát huy rõ.

R’cơm Bus dạy đánh cồng chiêng cho các em nhỏ trong làng

R’cơm Bus dạy đánh cồng chiêng cho các em nhỏ trong làng

Để hiện thực tình yêu của mình, Bus càng tìm đến những hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bằng đam mê cộng với sự học hỏi nên hơn hai năm trước, Bus cùng với thầy của mình mở lớp dạy đánh cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc cho những đứa trẻ trong làng. Mỗi lớp có khoảng 10-20 em, phân bố lịch tập phù hợp các ngày trong tuần.

Không chỉ dạy các em biết đánh cồng chiêng, Bus còn chú tâm giảng giải về cội nguồn và vẻ đẹp của văn hóa cồng chiêng, nhằm xây dựng cho thế hệ trẻ ý thức bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc Jrai.

“Tôi cảm thấy tự hào, phấn khởi khi được thực hiện ước mơ truyền lại hết những gì đã được học cho các em nhỏ. Với tôi, đây là cách trả ơn tuyệt vời nhất người thầy đã dạy dỗ mình”, Bus tâm sự.

“Tôi cảm thấy tự hào, phấn khởi khi được thực hiện ước mơ truyền lại hết những gì đã được học cho các em nhỏ. Với tôi, đây là cách trả ơn tuyệt vời nhất người thầy đã dạy dỗ mình”.

Bus tâm sự

Mỗi tối thứ Bảy, chàng trai trẻ cùng nhóm thanh thiếu niên trong làng thường có buổi biểu diễn cồng chiêng ở quảng trường Đại Đoàn Kết (TP.Pleiku). Trong đợt tháng 7 vừa qua, đoàn biểu diễn của Bus cũng đại diện tỉnh Gia Lai biểu diễn tiết mục cồng chiêng tại Tuy Hòa, Phú Yên trong chương trình Quảng bá kết nối du lịch các thành phố Tây Nguyên - Tuy Hòa năm 2023. Tháng 9 tới đây, Bus sẽ cùng đoàn nghệ nhân tỉnh Gia Lai mang cồng chiêng Tây Nguyên sang Hàn Quốc tham dự Festival âm nhạc thế giới.

Con của núi rừng Tây Nguyên

R’Cơm Bus được người dân địa phương ưu ái ví như “Tarzan” Tây Nguyên ở thời hiện đại bởi những hình ảnh, video mang khố đánh đu trên dây leo trong rừng, trèo lên vách núi hay lội suối bắt cá... Tất cả những thước phim đều chân thực, sống động khiến nhiều người bất ngờ, thích thú.

Mỗi khi có thời gian, Bus và vài người bạn bắt đầu ghi lại những video chơi nhạc, nhảy múa, ca hát bên cạnh những con suối, con thác hay bất kỳ đâu ở trong rừng. Mọi người không thể rời mắt được một chàng trai với mái tóc dài quá lưng, diện áo và khố thổ cẩm đánh trống H’gor đi vòng quanh đống lửa bập bùng. “Yàng” còn phú cho anh sở hữu một giọng hát nội lực, mang hơi thở của người con núi rừng.

Tarzan Tây Nguyên bên cạnh thác nước hùng vĩ

Tarzan Tây Nguyên bên cạnh thác nước hùng vĩ

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, R’Cơm Bus cho biết, anh lớn lên với rừng từ nhỏ, sớm học được các kỹ năng sinh tồn nên việc thực hiện những hành động đu dây mạo hiểm hoặc săn bắt bằng tay không đều được thực hiện một cách thuần thục, tự nhiên. “Thông qua mạng xã hội, Bus mong muốn xây dựng, truyền tải những thước phim về vẻ đẹp núi rừng và con người Tây Nguyên một cách tự nhiên, chân thực nhất”, Bus nói thêm.

Anh Phan Nguyên cho biết: Thông qua việc xây dựng thành công hình ảnh một “Tarzan” Tây Nguyên hoang dã ở thời hiện đại, R’Cơm Bus đã truyền tải, lan tỏa được năng lượng tích cực từ phong cách sống, phát huy khả năng sáng tạo của người trẻ đồng bào dân tộc thiểu số trong thời đại công nghệ số - mạng xã hội. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống, quảng bá giá trị bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc J’rai đến nhiều người.

Anh Phan Nguyên (SN 1985) thuộc team sản xuất Sun Media GL, người trực tiếp quản lý trang Fanpage Tarzan Tây Nguyên chia sẻ, “Tarzan” Tây Nguyên tái hiện rõ nét hình tượng một chàng Đam San bước ra từ sử thi đến đời thực. Qua đó, giúp nhiều người xem hiểu, đến gần hơn với văn hóa Tây Nguyên. “Anh em thường đi sáng tác nhạc chung, mỗi lần có ý tưởng hay lại kéo nhau vào rừng. Thực hiện quay video cho Bus không tốn nhiều thời gian. Cậu ấy khéo léo và rất khỏe nên buổi quay thường kéo dài từ 1 đến 2 tiếng hoặc lâu nhất nửa ngày. Sau khi hoàn thiện, video chủ yếu được đăng tải lên trang fanpage Facebook, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cư dân mạng”, anh Phan Nguyên nói.

Đặc biệt, theo anh Nguyên, những clip R’Cơm Bus ngân nga bài hát Tây Nguyên cùng đàn ghi ta trong rừng sâu, thổi chiếc tù và sừng trâu bên ngọn thác hùng vĩ, trổ kỹ năng đánh đàn T’rưng điêu luyện hay uyển chuyển múa xoang bên ánh lửa bập bùng đều thu hút lượng lớn khán giả hứng thú và dành nhiều lời khen ngợi. Sắp tới, “Tarzan” Tây Nguyên cũng sẽ đảm nhận là nhân vật kể chuyện trong seri nét đặc trưng bản sắc văn hóa của người J’rai.

Có thể bạn quan tâm