Phóng sự - Ký sự

Tây Nguyên - Nam Trung bộ ứng phó nguy cơ sa mạc hóa - Bài 1: Suy kiệt nguồn nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
LTS: Sa mạc hóa là vấn đề mà nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt. Ở nước ta, tình trạng phá rừng, khai thác vô tội vạ các nguồn tài nguyên (đáng chú ý là tài nguyên nước), hoạt động sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững… là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sa mạc hóa. Hiện cả nước có hàng triệu hécta đất bị thoái hóa, hoang hóa, trong đó, vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Làm gì để ứng phó, thích ứng với tình trạng sa mạc hóa là vấn đề cấp bách đặt ra với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên - Nam Trung bộ.
Suy kiệt nguồn nước là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng sa mạc hóa. Cùng với tình trạng mất rừng và xây dựng các công trình thủy điện, thời gian qua, việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước thiếu hợp lý đã khiến nguồn nước phục vụ sản xuất, tưới tiêu và sinh hoạt tại các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên - Nam Trung bộ suy giảm nghiêm trọng. Nhiều sông, suối, hồ trước đây đầy ắp nước, thì nay nhanh chóng khô cạn vào đầu mùa khô. Không chỉ nước mặt, mà nước ngầm cũng suy kiệt nghiêm trọng do việc cấp phép khai thác, sử dụng quá mức. 

Mặc dù mới đầu tháng 4, nhưng nhiều ao hồ ở huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) đã cạn trơ đáy, đất đai nứt nẻ. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Mặc dù mới đầu tháng 4, nhưng nhiều ao hồ ở huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) đã cạn trơ đáy, đất đai nứt nẻ. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Nước ngầm, nước mặt đều cạn kiệt
Những ngày này, giữa cái nắng chói chang gần 40°C, đứng trên đường Hồ Chí Minh nhìn xuống, cánh đồng thôn Sơn Trung, xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) chỉ thấy một màu vàng úa. Dọc theo con đường bê tông nhỏ dẫn vào thôn, vườn cà phê, xoài hai bên đường lá khô quắt lại vì thiếu nước. Phóng tầm mắt xa hơn về những ngọn đồi, hàng chục hécta đất trống bỏ hoang. 
Hồ thủy lợi Lâm trường Đắk Gằn, nơi cung cấp nước cho hàng trăm hécta cây trồng ở thôn Sơn Trung đã trơ đáy hơn 10 ngày nay. Lòng hồ bị người dân đào, khoét nham nhở để vét chút nước sót lại cứu cây trồng. Ông Phạm Văn Em (thôn Sơn Trung) phải đưa máy nổ xuống lòng hồ vét từng chút nước để cứu vườn xoài 2ha đang nguy cơ “chết khát”. Tuy nhiên, chờ nước hơn nửa ngày nhưng chỉ tưới “dè xẻn” được vài chục gốc xoài. “Cách đây khoảng 5 năm, hồ thủy lợi này luôn đầy ắp nước. Thế nhưng, những năm gần đây chỉ cần tưới 1-2 đợt là hồ đã trơ đáy. Năm ngoái cũng thiếu nước, vườn nhà tôi đã chết khô hơn 2 sào xoài. Năm nay, trời không cứu thì bà con ở thôn này nhiều người trắng tay”, ông Em than thở.
Tại xã Đắk R’La, huyện Đắk Mil, hàng trăm hộ dân sống trong cảnh khốn khổ vì không có nước sinh hoạt. Tình trạng này xảy ra ở thôn 2, thôn 3 và một phần thôn 5. Đến những khu vực này, chúng tôi chứng kiến cảnh người dân xếp hàng mua nước về sử dụng. Trung bình, 1m3 nước  được bán với giá 100.000 đồng. Nhiều gia đình có điều kiện đầu tư từ 40-50 triệu đồng để khoan giếng. Mỗi giếng khoan có độ sâu từ 120-150m nhưng đa số vẫn không có nước. Phó Chủ tịch UBND xã Đắk R’La Ngô Quang Văn cho biết, toàn xã có khoảng 500 hộ, với hơn 1.500 nhân khẩu đang thiếu nước sinh hoạt thường xuyên. Nguyên nhân do các thôn có địa hình cao, nằm xa nguồn nước. Mặt khác, thổ nhưỡng tại thôn 2, thôn 3 phía dưới chủ yếu là đá tổ ong, do đó nhiều giếng khoan dù sâu tới 160m nhưng vẫn không chạm được mạch nước ngầm. 
Tình trạng suy kiệt nguồn nước cũng đang diễn ra tại nhiều địa phương ở tỉnh Đắk Lắk. Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) Phạm Quang Mười, do biến đổi khí hậu nên lượng nước ở các ao hồ, sông suối trên địa bàn huyện nhiều năm trở lại đây tụt giảm mạnh. Mặc khác, do rừng bị suy kiệt, tình trạng khoan giếng, khai thác mạch nước ngầm tràn lan để phục vụ cây nông nghiệp khiến nguồn nước ngầm bị suy kiệt trầm trọng. “Nếu như trước đây, giếng khơi đào khoảng 15-20m là có nước thì những năm gần đây phải đào đến 25-30m. Đối với giếng khoan thì phải khoan sâu đến gần 100m mới có nước”, ông Mười nói.
Chúng tôi phóng xe máy hàng trăm kilômét, vượt nhiều quả đồi cao hun hút để đến xã bên giới Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai). Con đường dẫn vào xã bụi bay mù mịt, hai bên đường, cây cối lụi tàn do nắng gắt. Người dân địa phương cho biết, từ ra tết đến nay, xã Ia Mơ chưa có mưa khiến khí trời oi bức, ngột ngạt. Nhiều giếng đào cũng đã cạn. Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nguyễn Tuấn Anh cho biết, trên địa bàn có khoảng 100 giếng đào, sâu từ 5-10m, trong đó gần 50 giếng đã cạn. Những hộ có giếng bị cạn thì xin dùng chung nước của các hộ chưa bị cạn. 
Xuôi về vùng Nam Trung bộ, Ninh Thuận và Bình Thuận là 2 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng khô hạn. Tại tỉnh Ninh Thuận, trong vòng 20 năm gần đây, lượng mưa ngày càng ít khiến lượng nước mặt và nước ngầm bị suy giảm ở mức đáng báo động, gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến kinh tế và đời sống của nhân dân. Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận Phan Quang Thựu, từ năm 2002-2014, lượng mưa hàng năm trên địa bàn chỉ đạt từ 500-600mm (bằng 1/2 lượng mưa trung bình nhiều năm) nên đã khiến hầu như toàn bộ dòng chảy trên các sông, suối và các hồ chứa nước cạn kiệt. Từ năm 2019 đến nay, mùa mưa kết thúc sớm hơn khoảng 1 tháng rưỡi nên lượng nước tại các hồ chứa và dòng chảy trên các sông bị thiếu hụt trầm trọng. Ghi nhận vào đợt nắng hạn năm 2020 cho thấy, 21 hồ chứa nước của tỉnh Ninh Thuận chỉ còn 34 triệu m3, chiếm khoảng 18% tổng dung tích thiết kế.
Còn theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Phước, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 78 hệ thống công trình thủy lợi, tổng dung tích thiết kế hồ hơn 300 triệu m3. Tuy nhiên, do tình trạng hạn hán, năm 2020 lượng nước còn lại trong các hồ chứa thủy lợi trên toàn tỉnh chỉ còn khoảng trên 11,5 triệu m3, chỉ đạt khoảng gần 4% dung tích thiết kế. Ở thời điểm này, lượng nước tại hồ thủy điện Đại Ninh cũng chỉ còn trên 12 triệu m3 (đạt khoảng 5% dung tích thiết kế), hồ thủy điện Hàm Thuận còn 103 triệu m3 (đạt gần 20% dung tích thiết kế). 
“Những năm qua, do tình hình khô hạn kéo dài nên nguồn nước tự nhiên của các sông, suối đều đã cạn kiệt, mực nước ngầm cũng suy giảm nghiêm trọng. Hầu hết các giếng khoan, giếng đào ở các địa phương của tỉnh đều rơi vào tình trạng cạn nước, nhiều nơi khô cạn hoặc bị nhiễm mặn. Một số nơi xảy ra thiếu nước nghiêm trọng cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất cây thanh long”, ông Nguyễn Hữu Phước nhấn mạnh.
Khai thác tài nguyên nước tràn lan
Trưởng phòng Tài nguyên nước - Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Thiềm cho biết, từ năm 2015-2019 sở trình UBND tỉnh cấp 241 giấy phép tài nguyên nước, gia hạn 7 giấy phép, cấp lại 2 giấy phép, điều chỉnh 5 giấy phép; trong đó, cấp 99 giấy phép khoan giếng dưới lòng đất. Tuy nhiên, do diện tích cây nông nghiệp phát triển nhanh, tình trạng khoan giếng phục vụ cây trồng vẫn diễn ra tràn lan dẫn đến nguồn nước mặt và nước ngầm trên địa bàn tỉnh suy kiệt trầm trọng.
Cùng quan điểm, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, tình hình biến đổi khí hậu gay gắt, diện tích đất rừng suy giảm, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, kéo theo nhu cầu sử dụng nước lớn, dẫn đến nguồn nước có chiều hướng suy giảm. Đa số người dân khoan giếng để lấy nước theo hình thức tự phát, đại trà. Việc sử dụng quá trữ lượng của tầng chứa nước vào mùa khô ở một số khu vực để phục vụ cho nhu cầu tưới nông nghiệp cũng đang làm gia tăng tình trạng suy kiệt nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận Phan Quang Thựu phân tích, nguyên nhân gây ra thiếu hụt nguồn nước và hạn hán ngoài yếu tố diễn biến bất lợi về thời tiết thì còn do chủ quan của con người: Tình trạng mất rừng, xây dựng các công trình thủy điện và việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước thiếu hợp lý. Phân tích của ông Thựu chỉ rõ, yếu tố chủ quan gây ra thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng là do nguồn nước cấp của các hệ thống thủy lợi lớn của địa phương như hệ thống các đập dâng: Sông Pha, Nha Trinh - Lâm Cấm lại chủ yếu sử dụng nguồn nước xả của Nhà máy thủy điện Đa Nhim. Theo thiết kế hàng năm, lượng nước xả này chiếm khoảng 15% tổng trữ lượng tài nguyên nước mặt của toàn tỉnh. Nhưng khi thời gian hạn hán xảy ra, lượng nước xả này nhỏ hơn so với nhu cầu ở hạ du. Có thời điểm nguồn nước đến giảm rất thấp, thấp hơn các mặt đập khoảng -50cm, gây khó khăn công tác điều tiết nước.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Phước thẳng thắn chia sẻ: “Còn một số nguyên nhân nữa, như việc phá rừng làm giảm diện tích thảm thực vật đầu nguồn và hiện tượng cát bay, cát nhảy, đặc biệt là vấn đề khai thác quá mức nguồn nước ngầm khiến nguồn nước đang ngày càng cạn kiệt”.
Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ NN-PTNT) nhận định, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy kiệt nguồn nước ngầm hiện nay trên địa bàn Tây Nguyên là hệ lụy của việc rừng bị suy giảm mạnh. Khảo sát năm 2019 so với năm 2018, diện tích rừng tự nhiên ở các tỉnh Tây Nguyên giảm gần 16.000ha. Rừng tự nhiên giảm dẫn đến mất khả năng giữ nước, kéo theo đó nguồn nước ngầm cũng giảm theo.
Bên cạnh đó, diện tích cây nông nghiệp tăng nhanh, nhu cầu sử dụng nước lớn. Tình trạng người dân khoan giếng tràn lan, sử dụng nguồn nước không hợp lý cũng khiến tài nguyên nước suy kiệt.
NGUYỄN TIẾN - ĐÔNG NGUYÊN - HỮU PHÚC (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm