Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tết buồn cho người trồng hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hàng năm, Tết đến là lúc những người trồng hoa trông chờ một vụ mùa bội thu. Thế nhưng năm nay, thời tiết diễn biến bất thường đã khiến cho nhiều nhà vườn phải đối mặt với một cái Tết buồn.

Khi hoa thành... thức ăn cho bò!

Tại làng hoa Phú Thọ (xã An Phú, TP. Pleiku), tình trạng hoa lay ơn nở sớm hơn so với mùa vụ khiến người trồng hoa phải lao đao. Đến giờ họ đã phải bắt đầu bán dần cho tiểu thương nhưng cũng không vớt vát được bao nhiêu, nhiều nhà vườn đành bỏ mặc những ruộng hoa héo úa.

 

Nhiều nhà vườn đành bỏ mặc cho những ruộng hoa. Ảnh: M.H

Sở hữu vườn hoa lay ơn rộng 300 m2, ông Nguyễn Ngọc Thành (ở thôn 12, xã An Phú) rầu rĩ cho biết: “Phán đoán trời lạnh nên tôi đã gieo giống cách đây hơn 2 tháng với mong muốn đúng dịp Tết hoa sẽ nở. Tuy nhiên, năm nay, do những ngày vừa rồi nóng nhiều hơn nên hoa đã dần bung nở. Mấy ngày này, tôi đã bán dần một ít, được bao nhiêu hay bấy nhiêu chứ không trông mong gì vào dịp Tết nữa”.

Theo ông Thành, những năm trước, giá hoa lay ơn là 3.000 đồng/cây, năm nay rớt xuống chỉ 300 đồng/cây nhưng vẫn hiếm người mua. Tràn ngập những hoa lay ơn chuẩn bị nở khiến nhiều nhà vườn không khỏi xót xa. Cách bón phân và công đoạn chăm sóc mỗi năm đều như nhau, nhưng nay do nắng nóng nên hoa đã nở khi Tết chưa đến.

 

 Ảnh: M.H

Đáng buồn hơn là vườn lay ơn với diện tích 1.300 m2 của gia đình chị Ngô Thị Trang (ở thôn 9, xã An Phú). Toàn bộ hoa nơi đây đều chỉ để hái cho... bò ăn! Được biết, cũng như mọi năm, vì nghĩ rằng thời tiết sẽ lạnh nên chị đã bỏ ra gần 30 triệu đồng để đầu tư giống, chưa tính công và phân chăm nhưng hoa nở đồng loạt quá sớm đã khiến chị gần như mất trắng. Bán ra chỉ 300 đồng/cây nhưng vẫn không ai mua, trong khi đó vườn hoa thì ngày càng bung tỏa nên gia đình chị đành để hàng xóm hái cho bò ăn. Nhìn những cành lay ơn rực rỡ trong nuối tiếc, chị Trang buồn bã nói: “Mọi năm, vào dịp Tết, tôi lãi gần 40 triệu đồng, nhưng năm nay thì lại không được gì. Thời gian vừa rồi, tôi hái và bán được 8 thiên bông (1 thiên=1.000 bông). Tuy nhiên, số tiền đó vẫn không đủ bù vào tiền phân bón”.

Những vườn mai không chờ Tết

 

Những chậu mai nhà ông Chức đã bung nở. Ảnh: M.H

Bên cạnh lay ơn, mai là loài hoa được nhiều gia đình lựa chọn vào dịp Tết. Thế nhưng đến thời điểm này, tại nhiều nhà vườn đa số các chậu mai đã bung cánh vàng rực. Năm nay, ông Nguyễn Văn Chức (102 Lê Văn Hưu, phường Yên Thế, TP. Pleiku) trồng và nhận chăm sóc khoảng 1.000 chậu mai chờ bán Tết. Vậy nhưng, đến giờ chỉ còn gần 100 cây mai chưa nở. Ông Chức ngậm ngùi: “Xem như không có lời mà còn lỗ, toàn bộ số mai đã nở tôi đành để nuôi lại Tết năm sau. Mọi công đoạn cắt lá tỉa cành, công chăm tôi đều dồn hết vào đây, nhưng năm nay mai nở sớm là nỗi buồn của người trồng hoa chúng tôi”. Dạo một vòng quanh khu vườn, những cành mai vàng rực đã thi nhau khoe sắc đón nắng. So với những năm trước, năm nay mai nở quá sớm, khi rớt lá, lá chưa héo thì bông đã bắt đầu nở.
 

Cành mai đã bung sắc vàng rực sớm. Ảnh: M.H

Cũng theo ông Chức, hơn 12 năm kinh nghiệm trồng mai, số tiền ông bỏ ra dần theo năm bây giờ đã hơn 1 tỷ đồng. Có năm đúng dịp trời cho hoa nở đẹp thì lãi cũng kha khá, nhưng năm nay ông chỉ mới bán và cho thuê mai được gần 50 triệu đồng, chưa tính đến tiền sẽ thuê lô bày bán trong khuôn viên chợ hoa sắp đến.

May mắn hơn một chút, vườn mai nhà ông Nguyễn Văn Trang (phường Yên Thế, TP. Pleiku), hoa chỉ mới nở một nửa, phần còn lại đủ để ông mang ra chợ hoa bán. Về phía những chậu hoa này, ông cắt tỉa lá tự do, tùy người chơi hoa muốn chơi hoa sớm ông sẽ mang đến sớm. Còn với những chậu được gửi để chăm thì chưa có dấu hiệu nở sớm vì ông đã bón phân, cắt tỉa lá cẩn trọng do đa phần khách gửi đều muốn hoa nở muộn. Ông Trang cho biết: “Năm nay mai nở sớm nên chắc sẽ không lời lãi được bao nhiêu, trong khi trước đó có năm lãi hơn 200 triệu đồng. Nghề này phụ thuộc vào thời tiết là chính, đã theo nghề thì đành chịu”.

 

Ảnh: N.G

Bỏ công chăm sóc hàng tháng trời, thậm chí cả năm, những nhà vườn trồng, chăm hoa chỉ trông chờ vào dịp Tết. Thế nhưng khi Tết đã cận kề thì nhiều người lại trắng tay hoặc thua lỗ, may mắn hơn là thu lại được đồng vốn. Điệp khúc “Năm được, năm mất”, đánh cược công sức, tiền bạc của mình với thời tiết, thị trường khiến họ luôn trong tình trạng thấp thỏm, lo âu mỗi khi cái Tết cận kề. Hầu như chưa năm nào họ có được những ngày Xuân trọn vẹn.

Minh Hằng

Có thể bạn quan tâm