(GLO)- Từ lúc trời đất còn đẫm sương đêm, hai cô con gái và con dâu của bà Dương Thị Thu (thôn Hà Ra, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) đã thức dậy để nấu bánh gai, nếp cẩm. Đây là hai loại thực phẩm không thể thiếu trong mâm cúng người đã khuất trong tiết thanh minh của người dân tộc Tày xứ Cao Bằng. “Dù đã xa quê hơn 25 năm nhưng cộng đồng người Tày ở thôn Hà Ra chưa năm nào quên tiết thanh minh, ai có người thân nằm lại ở quê thì về quê, ai có người thân yên nghỉ ở vùng kinh tế mới như Đak Lak, Đak Nông thì khăn gói đi thăm. Những nấm mộ ở nghĩa địa thôn Hà Ra cũng được chăm nom kỹ càng trong ngày 3-3 Âm lịch. Trước kia vào dịp thanh minh, chỉ có người dân tộc Tày chúng tôi đi tảo mộ. 2 năm nay, người Kinh cũng tham gia vào tập tục ý nghĩa này”-bà Thu bày tỏ.
Người dân Hà Ra đi tảo mộ trong tiết thanh minh. Ảnh: N.G |
Ông Lê Văn Tiến, con rể của dòng họ Phạm ở thôn Hà Ra vừa phân việc cho con cháu tu tảo phần mộ của ông bà vừa nói: “Ở đây, người dân lưu truyền 2 câu thơ: “Thanh minh tảo mộ ông bà/Ai không nhớ tới không tròn đạo con”. Trong ngày 3-3 Âm lịch, mộ phần của người Tày được dọn sạch sẽ, có mâm cơm mặn để dâng cúng. Chúng tôi gác lại mọi công việc, tập trung đi tảo mộ và cũng coi như đây là dịp để anh em, họ hàng gặp gỡ, hàn huyên”.
Có mặt ở nghĩa địa thôn Hà Ra vào tiết thanh minh, tôi cảm nhận được sự ấm cúng, vui vầy. Mộ đã xây thì được lau dọn sạch sẽ, mộ đất được cháu con dọn cỏ, vun thêm đất mới. Trong tiết thanh minh, ngôi mộ nào cũng có một chùm hoa xuân tháng 3 (được cắt tỉa bằng giấy màu) treo bên trên. “Chùm hoa xuân tháng 3 được coi như là tiền giấy. Tiền này không đốt mà treo với ý niệm nếu người âm thiếu thốn thứ gì thì hái tiền này xuống dùng”-ông Vi Văn Lánh nói.
Việc giữ gìn tập tục tảo mộ trong tiết thanh minh còn có ý nghĩa dạy cho lớp cháu con biết tiếp nối những phong tục đẹp của dân tộc. Trong ngày đi tảo mộ vào tiết thanh minh, trước mỗi ngôi mộ ở nghĩa địa Hà Ra đều có đầy đủ thế hệ cháu, chắt của người đã khuất. Lê Văn Dũng là thế hệ thứ 4 của dòng họ Lê ở thôn Hà Ra bày tỏ suy nghĩ: “Em đang học nghề ở TP. Pleiku nhưng hôm nay vẫn cố gắng về để tảo mộ ông bà, tổ tiên. Em thấy đây là một ngày có ý nghĩa”.
Nguyễn Giang