Tết Việt

Tết về nói chuyện bánh chưng…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Câu chuyện xưa như trái đất nhưng người ta vẫn thích kể cho nhau nghe mỗi dịp tết về. Tết xưa, nhà nhà gói bánh chưng là chuyện thường tình. Bố mẹ, anh chị chúng ta đến giờ vẫn có cả tá chuyện “truyền kỳ” qua mỗi lần thức đêm canh bánh chín.
 

 

Những câu chuyện kể ấy ngày càng trở nên lạ lẫm với lũ trẻ khi những nồi bánh chưng sôi sùng sục thơm lừng dịp tết càng ít dần đi. Người quê còn cố giữ thói quen, người phố thì miễn dần phong tục rườm rà bởi công việc túi bụi từ cơ quan còn theo cành đào, cành mai từ cơ quan về đến nhà. Buổi chợ tết thiếu đi bó lá dong xanh mướt, túm lạt chẻ trắng tinh, người phố trông cậy vào những nồi bánh chưng đỏ lửa suốt mấy ngày ở những địa chỉ nhận gói bánh chưng thuê. Tiền trao, bánh gói, cũng là mang chút Tết về nhà.

Bánh chưng gói bằng khuôn là đẹp nhất, hẳn vậy. Thế nên tôi khiến bạn bè tròn mắt thán phục khi bảo rằng mình gói bánh không cần khuôn. Hai phiến lá dong trải trên mặt mâm tròn thành hình chữ thập, gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ rắc tiêu thơm phưng phức đổ vào giữa, xoay nắn sao cho vuông vắn. Nhưng kỳ thực tôi chỉ “sĩ diện hão” bởi chiếc bánh chưng thành phẩm trông chỉ tàm tạm chứ không vuông thành sắc cạnh như người ta vẫn chụp ảnh đưa lên báo. “Không cần khuôn, gói được vậy là khéo rồi”, tôi nhờ lời an ủi của một anh bạn mà yên tâm…gói bánh tiếp suốt mấy năm nay.

Cái thời còn chưa được sờ vào chiếc bánh nào vì gói đến đâu hỏng lá đến đấy, nhiệm vụ chính của tôi là hái lá riềng để nhuộm nếp cho xanh. Sau vườn nhà có bụi riềng to đùng nên nhiệm vụ này chẳng mấy khó khăn. Mê mẩn màu bánh chưng xanh mướt từ trong ra ngoài nên tôi luôn hái một bó lá thật to, rồi cẩn thận rửa sạch, giã nhuyễn lọc lấy thứ nước cốt  màu xanh đậm đặc. Trộn đều nước này với nếp, những hạt nếp trắng tinh được “mặc” thêm lớp áo xanh tươi rói. Khi gói, xoay mặt ngoài của lá dong vào trong, màu của lá sẽ “nhuộm” xanh cho nếp thêm lần nữa.

 

 

Bánh chưng dành cho Tết, thế nhưng ngon nhất là ăn bánh chưng trước hoặc sau Tết cơ. Có lẽ vì trong ba ngày tết ê hề cỗ bàn, món gì cũng dễ ngán. Khi xưa tủ lạnh còn chưa phổ biến, bánh chưng xâu lại thành từng chùm, treo lên gác bếp. Hơi nóng của bếp lửa phía dưới khiến bánh lâu bị mốc. Khi nào ăn lại cắt lạt buộc từng chiếc để hạ xuống. Lũ trẻ con thường đòi ăn bánh chưng khi hết tết, nên bánh chưng của mẹ luôn được luộc hai lần để giữ bánh được lâu hơn. Bánh gói xong xếp vào nồi, luộc lửa to chừng 4-5 tiếng rồi tắt bếp để qua đêm, sáng hôm sau nổi lửa đun tiếp từ sáng đến chiều. Ba mẹ bảo cách này sẽ khiến bánh không bị “lại gạo”, để qua Tết vẫn dẻo thơm như mới.

Có thể bạn quan tâm