Phóng sự - Ký sự

Tết về trên xóm chợ thuyền

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Xóm chợ thuyền neo đò bên dòng Kênh Tẻ, một nhánh của sông Sài Gòn đoạn qua đường Trần Xuân Soạn (phường Tân Hưng, quận 7, TP Hồ Chí Minh).

Nơi này, bao năm nay luôn có một làng nổi nhỏ xinh, người thương hồ làm nghề bán trái cây trên đò, ven con đường nhộn nhịp người qua lại. Tết về, chợ thuyền ngập tràn sắc màu của hoa trái….

Những con đò chở mùa Xuân

Trời cuối năm, gió dập dìu đẩy cánh lục bình lững lờ trôi xuôi, nắng vàng lấp lánh ánh sông, chợ thuyền hiền hòa dung dị mang theo bao phận thương hồ tha hương.

Con đò của vợ chồng chị Lê Thị Duyên (45 tuổi, quê Bến Tre) neo bên dòng Kênh Tẻ đã 15 mùa chợ Tết. Chị Duyên không nhớ nổi mình đã đi qua bao nhiêu mùa hoa trên con đò nhỏ ven bến sông này. Từ ngày lấy chồng thương hồ, chị dạt trôi cùng chồng khắp các nhánh sông, mưu sinh bằng nghề buôn bán trái cây. Mỗi chuyến đò, vợ chồng chị lấy hàng từ Bến Tre rồi xuôi theo dòng Kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) qua Vàm Cỏ Đông (Long An), đoạn cuối rẽ lối vào Kênh Tẻ trên đường Trần Xuân Soạn.

Sạp trái cây bên mé Kênh Tẻ giúp vợ chồng chị Duyên nuôi hai con khôn lớn trưởng thành.

Sạp trái cây bên mé Kênh Tẻ giúp vợ chồng chị Duyên nuôi hai con khôn lớn trưởng thành.

Trong ký ức của người phụ nữ thương hồ, chợ thuyền ngày chưa giải tỏa xóm ngụ cư bờ Kênh Tẻ thật ấm áp nghĩa tình. Bà con trong xóm đông đúc, sống chan hòa với nhau. Ngày ấy, vợ chồng chị bán cả trên bờ lẫn dưới sông, dân xóm kênh kéo nhau ra mua hàng của chị nhộn nhịp, đò hàng vài ngày là vơi cạn, một tuần lại trở về miền Tây lấy hàng lên. Có lẽ, vui sướng nhất là mỗi độ Tết đến xuân về, bà con ưa chuộng mặt hàng quê vừa sạch lại rẻ, đò hàng của vợ chồng chị Duyên như một phiên chợ nhỏ, mọi người tất bật lựa hàng, chọn cho mình mâm trái cây ngon đẹp nhất dâng cúng tổ tiên. Gian hàng bông vạn thọ của chị có năm mới 28 Tết đã “cháy hàng”. Đó cũng là năm duy nhất, gia đình chị Duyên gói gém hành trang trở về quê đón Tết sớm…

Nhưng rồi, thời “hoàng kim” của chợ thuyền cũng qua, khi xóm Kênh Tẻ bị giải tỏa để làm công viên, mối lái thân thuộc xưa tan tác mọi nơi, bỏ lại những thương hồ chợ thuyền bơ vơ, hụt hẫng. Chị Duyên bấm đốt ngón tay, nhẩm tính: “Nay cũng được 7 năm rồi, ngày xóm cũ không còn”. Một vài thương hồ di chuyển đò đi bến khác mưu sinh, hoặc bán thuyền để lên bờ tìm nghề khác. Riêng vợ chồng chị Duyên vẫn quyết bám trụ, bởi đã quen thuộc với sông nước và cũng chẳng thể tìm được nơi nào tốt hơn nữa. Xóm vắng, chợ thuyền cũng thưa, nhưng Tết về nơi này vẫn mang một màu sắc thật sinh động của hàng trăm loại cây trái miệt vườn cùng một sắc hoa vàng rực của vạn thọ, bông giấy, mai vàng… Từ 23 Tết, dân trong các hẻm nhỏ bên kia kênh bắt đầu ra chợ thuyền chọn cho mình những loại trái cây tươi ngon nhất, lựa những chậu hoa đẹp mắt nhất để trưng Tết. Chợ thuyền ngày Tết hừng hực sức sống, rộn rã tiếng cười.

“Đó là những ngày vui nhất trong năm. Dân chợ thuyền chúng tôi bán được nhiều hàng, gặp được những người quen xóm cũ, những vị khách thân thuộc cả năm mới có dịp ghé lại. Chúng tôi hỏi thăm nhau, kể dăm ba câu chuyện đời thường thôi mà cảm thấy lòng ấm áp”, chị Duyên bộc bạch.

Chồng chị Duyên chuyển trái cây từ đò lên đường bày bán.

Chồng chị Duyên chuyển trái cây từ đò lên đường bày bán.

Đón Tết trên đò giữa bến sông là điều quen thuộc với dân thương hồ. Dù bận rộn buôn bán đến mấy, chị Duyên cũng phải để dành mấy chậu hoa thật đẹp cho chiếc đò của mình, bởi những người “lấy thuyền làm nhà, lấy sông nước làm bạn” luôn quan niệm thấy hoa là thấy Tết. Đêm Giao thừa, các đò buôn quần tụ lại, tổ chức một bữa cơm ấm cúng, nghĩa tình. Đây là dịp để họ chia sẻ cùng nhau chuyện gia đình, con cái và những dự định làm ăn cho cả năm sau. Ai tiếp xúc với những thương hồ đều biết, dù đời sống vật chất thiếu trước hụt sau, nhưng tình nghĩa thì luôn đong đầy, như con nước lớn mỗi hoàng hôn châu thổ.

Tết thương hồ

Khi thành phố vắng tiếng còi xe, bà Nguyễn Thị Út (70 tuổi) lặng lẽ dọn hàng. Trong những đêm trăng thanh trời thả gió, khung trời xanh đêm bỏ ngỏ nỗi lo toan bền chặt của những phận đời trên chiếc đò buôn như bà Út ở bên dòng Kinh Tẻ. 70 tuổi đời, bà Út vẫn nhọc nhằn kiếm sống trên chiếc đò hàng. Một đời chạy chợ bến sông, với 7 lần sinh nở nhưng bà Út luôn toát lên vẻ đẹp thanh thản và hồn hậu. Bà có nước da trắng hồng, làn môi đỏ mọng, một vẻ đẹp thuần khiết của người con gái xứ dừa.

Trước khi lưu lại dòng kênh này, vợ chồng bà Út đã từng nhiều năm đi khắp các con sông miền Tây, thậm chí qua Campuchia buôn bán. Bà bán gạo, trái cây, tạp hóa và “bán cả mùa xuân” trên con đò hàng. Khi thời của thương hồ chín nhánh sông Cửu Long khép lại, vợ chồng bà đưa con đò về Kênh Tẻ, neo mình ở đó cho đến ngày nay, thấm thoát đã trên 30 năm.

Ngày ít hàng, một mình bà Út ra ngồi bán, còn chồng bà tranh thủ lượm ve chai trôi dạt về đò, gom lại một mớ rồi mang bán cũng kiếm được tiền rau dưa. Bà Út chỉ vào chiếc ghe nhỏ, cặp ngang con đò lớn, nói với tôi: “Chỗ đó để ông nhà nuôi mấy con chim và ít chậu cây cảnh. Ngày Tết cây nào đẹp thì mang ra bán”.

Tết đang về, xôn xao phố xá, chậu cây cảnh của vợ chồng bà Út đâm chồi nảy lộc xanh tươi, bà hy vọng sẽ có nhiều người thích nó. Trên bến thuyền, bắt đầu từ 26 tháng Chạp, không khí buôn bán vui như ngày hội. Những đò hàng từ miệt xuôi đều cập bến, chở đầy hoa trái. Như bao đời chợ thuyền khác, vợ chồng bà Út sẽ lưu lại bến sông bán hết hàng mới quay đò về quê, đón Tết muộn cùng gia đình. Những gì còn lại trên bến thuyền, bà Út sẽ bán tháo hoặc mang biếu tặng người quen trong xóm, để nhẹ gánh thuyền về trong chiều 30 Tết.

Bà Út bên con đò cũ kỹ đã theo vợ chồng bà hơn 30 năm thương hồ.

Bà Út bên con đò cũ kỹ đã theo vợ chồng bà hơn 30 năm thương hồ.

Hơn 30 năm neo đò bán buôn ở dòng Kênh Tẻ, bà Út đã đôi lần nếm trải “mùi” Tết Sài Gòn. “Tết ở đây buồn và lạc lõng với chúng tôi. Khi người người đi chơi xuân, vui Tết thì vợ chồng tôi chỉ biết ngồi trên con đò chòng chành giữa đám lục bình. Đêm Giao thừa, chúng tôi đứng trên mạn đò, ngước nhìn về phía những tòa tháp cao xem pháo hoa tung trời. Khoảnh khắc Tết chỉ có vậy”, bà Út thổ lộ. Tết đò buôn đơn giản, như chính cuộc đời của những con người “ăn đời ở kiếp” trên bến thuyền.

Sáng mồng Một, vợ chồng bà Út chạy con đò nhỏ xuống bến Bình Đông (quận 8) ngắm chợ hoa xuân “trên bến dưới thuyền”. Ở đó, vợ chồng bà gặp những người thân quen cùng quê Bến Tre mang hoa lên thành phố bán. Họ lưu lại bến sông, cùng nhau ăn một bữa cơm ngày Tết trên chính con đò ngập tràn sắc hoa.

Tết với bà Út kết thúc vào ngày mồng Một, sáng mồng Hai, vợ chồng bà bày trái cây ra bán. “Ngày Tết bán chậm vì người ta đi chơi xuân và ăn lễ, nhưng mình không biết làm gì thì bán hàng cho vui thôi. Ra đường nhìn dòng người tấp nập hội hè, áo quần xúng xính, lòng cũng bớt trống vắng”, bà Út chia sẻ.

Cuộc đời đã trải qua mọi cung bậc của cảm xúc nên bà Út không còn chạnh lòng với Tết buồn trên bến vắng. Với bà, đời nào vui bằng đời thương hồ, xuống bể lên nguồn, gạo chợ nước sông. Bà chưa bao giờ tiếc nuối về sự lựa chọn của mình và luôn tự hào vì một đời rong ruổi theo con nước.

Mùa xuân, mùa của hy vọng, mùa của đất trời, của sông nước hòa vào lòng người nô nức. Dù cuộc sống đầy rẫy những thăng trầm, đời thương hồ đã mai một và biết đâu vài năm nữa, khi những con kênh của thành phố “thay áo mới”, sẽ chẳng còn chợ thuyền lưu lại bến sông nữa. Chị Duyên, bà Út cùng bao đời đò trở thành miền nhớ tô điểm cho dòng sông mùa xuân trong ký ức của bao người. Và, dưới bóng cây phượng hoàng đỏ trên đường Trần Xuân Soạn, những con đò ngang chở gió, chở mây, chở những niềm vui, nỗi buồn đều lưu lại.

Có thể bạn quan tâm