Phóng sự - Ký sự

Thăm Bến tàu không số K15

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mới đây, chúng tôi có dịp ghé thăm Bến tàu không số K15. Cùng với Bến Nghiêng-nơi chứng kiến những tên thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi miền Bắc ngày 13-5-1955, Bến tàu không số K15-nơi khởi nguồn con đường huyền thoại-đường Hồ Chí Minh trên biển năm xưa, nay đã trở thành một trong những địa danh lịch sử nổi tiếng của cả nước.

Bến tàu không số K15 nằm nép mình dưới chân đồi Nghinh Phong-một trong những thắng cảnh đẹp nhất Khu Du lịch Đồ Sơn-Hải Phòng. Đây không chỉ là thắng cảnh hữu tình với những đồi thông xanh ngắt và sóng nước mênh mông mà còn là điểm đến lịch sử ghi dấu những chiến tích hào hùng của dân tộc.

 

Bến tàu không số K15. Ảnh: H.T
Bến tàu không số K15. Ảnh: H.T

Ngược dòng lịch sử, vào cuối năm 1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn vận tải thủy 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 ngày nay) với nhiệm vụ chở hàng chi viện cho miền Nam. Với tên gọi “Đoàn tàu không số”, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển với đầy những khó khăn và nguy hiểm rình rập, cuối cùng, những chuyến tàu đầu tiên mang theo vũ khí, hàng hóa, lương thực, quân nhu tiếp sức cho bộ đội và đồng bào ở miền Nam cũng đến nơi an toàn; từ đó, khai sinh ra đường Hồ Chí Minh trên biển-huyết mạch giao thông vô cùng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Suốt 14 năm liên tục (1961-1975), đoàn tàu không số đã vận chuyển được hơn 150.000 tấn vũ khí, trang-thiết bị và đưa hàng chục ngàn lượt cán bộ từ miền Bắc vào chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Trong các chuyến đi, đoàn tàu rà phá hơn 4.000 quả thủy lôi; chống chọi với nhiều cơn bão; đánh trả hơn 30 lần tàu địch bao vây, hơn 1.200 lần máy bay địch tập kích; bắn rơi 5 chiếc máy bay và bắn cháy nhiều tàu thuyền của địch. Trong các trận chiến không cân sức ấy, không ít chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại dưới sóng biển.

Để tưởng nhớ những chiến công và sự hy sinh của những người lính Hải quân năm xưa, TP. Hải Phòng đã cho xây dựng Tượng đài kỷ niệm đường Hồ Chí Minh trên biển ngay cạnh di tích Bến tàu K15. Tượng đài bến tàu không số sừng sững vươn cao với hai cánh buồm cách điệu hướng ra biển, 2 bên là phù điêu của Quân chủng Hải quân được đắp nổi. Dưới mép nước không xa, 15 trụ bê tông của cầu tàu năm xưa vẫn đứng đó như minh chứng cho lịch sử hào hùng của tuyến đường huyền thoại.

Anh Ngô Quang Thái-P.V Báo Hải Phòng-người từng trực tiếp phỏng vấn các chiến sĩ đoàn tàu không số năm xưa cho biết: “Từ khi tượng đài được xây dựng đã có rất nhiều cựu chiến binh là lính Hải quân tham gia các đoàn tàu năm xưa về đây để thăm lại chiến tích năm xưa và thắp hương cho đồng đội. Trước khi chuyến tàu xuất phát, tất cả những người lính Hải quân tham gia đoàn tàu đều phải làm lễ truy điệu. Vì vậy, khi may mắn sống sót, trong họ luôn nghĩ rằng, cuộc sống của họ hôm nay được đổi bằng xương máu của đồng đội năm xưa. Vậy nên, họ không kể nhiều về mình mà kể về những chuyến tàu và đồng đội của mình. Và, những câu chuyện ấy luôn tràn đầy cảm xúc, có cả tự hào, lẫn bùi ngùi thương tiếc”.

Lúc nào di tích lịch sử này cũng có bước chân của đồng đội, người thân các liệt sĩ, chính quyền và du khách tới thăm. Trong tâm thức của họ, đây là một phần lịch sử của Việt Nam, một phần của lịch sử Đồ Sơn và một phần lịch sử của Hải Phòng. Vào ngày giỗ của những người lính đoàn tàu không số hay vào các ngày lễ lớn của đất nước, nhiều gia đình đã tụ về đây để thắp hương, thả hoa xuống biển cho những người đã vĩnh viễn nằm lại với sóng biển. Cùng gia đình về thăm lại bến tàu, chị Võ Thị Thu Hà (TP. Hải Phòng) chia sẻ: “Dù sinh ra và lớn lên trong thời bình nhưng tôi rất tự hào và trân trọng những giá trị lịch sử của đất nước và đây cũng là một di tích, một giá trị lịch sử to lớn của dân tộc cần được trân trọng. Bởi vậy, mỗi lần tìm về, trong tôi luôn xúc động khi được nhắc nhớ về lịch sử của dân tộc cũng như biết ơn những người lính Hải quân năm xưa đã cống hiến sức lực và sinh mạng cho cuộc kháng chiến giành độc lập tự do của đất nước”.

Có thể nói, di tích Bến tàu không số và Tượng đài kỷ niệm đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành bản hùng ca của sự sáng tạo và ý chí Việt Nam; là bài ca bất tử về lòng quả cảm và sự hy sinh vì Tổ quốc của những người lính trên đoàn tàu không số năm xưa. Sự trường tồn của di tích này sẽ không chỉ là điểm đến tâm linh, điểm đến lịch sử của du khách trong và ngoài nước mà còn là địa chỉ giáo dục truyền thống lịch sử; qua đó khơi gợi lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Nguyễn Dung-Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm