(GLO)- Sau khi bị cưỡng chế thi hành án (THA) dân sự, nhiều ngày qua, gia đình ông Nguyễn Văn Thể (ở làng Nang, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) và gia đình bà Đinh Thị Hiền (ở thôn Cầu Vàng, xã Kdang, huyện Đak Đoa) bị xáo trộn, lâm vào cảnh khốn đốn.
Người lớn thì tất tả đi đến các cơ quan hữu quan “cầu cứu khẩn cấp”, trẻ em thì chán chường, bỏ học, đi lang thang. Mỗi khi có mưa gió, hai gia đình nêu trên lại co ro trong những tấm bạt che chắn tạm bợ ngay trước cửa nhà do chính sức lao động của họ gây dựng nên.
Má con bà Hiền ăn ở, bán hàng tại túp lều trên hành lang quốc lộ 19. Ảnh: H.C |
Ngày 15-6-2012, ông Thể bàng hoàng nhận quyết định cưỡng chế THA từ chấp hành viên Nguyễn Văn Tiến-Chi cục THA Dân sự huyện Ia Grai. Ông liền đi đến Tòa án Nhân dân huyện xin được trích sao Bản án số 01 và Bản án số 02 cùng ngày 2-6-2011. Bản án số 01 buộc bà Lê Thị Sa (vợ ông Thể)-ông Thể phải trả cho bà Nguyễn Thị Thu Nương, ở tổ 6, phường Yên Thế, TP. Pleiku gần 54 triệu đồng (cả nợ gốc lẫn tiền lãi).
Bản án số 02 buộc bà Sa-ông Thể phải trả cho bà Mai Thị Quỳnh Lan, ở tổ 11, phường Yên Thế, TP. Pleiku cả nợ gốc và tiền lãi là gần 98 triệu đồng. Với lý do vợ đi chữa bệnh ở TP. Hồ Chí Minh, không biết vợ nợ tiền của ai, không biết Tòa án xét xử khi nào và không nhận được 2 bản án nêu trên nên ông Thể đã và đang trực tiếp đến các cơ quan có thẩm quyền “kêu cứu”.
Tuy vậy, ngày 24-4-2013, Chi cục THA Dân sự huyện Ia Grai vẫn tiến hành cưỡng chế bằng biện pháp giao tài sản (nhà ở duy nhất) của ông Thể-bà Sa cho người mua trúng đấu giá tài sản. Từ đó đến nay, gia đình ông Thể phải che những tấm bạt để trú thân cho qua ngày. Nhà bị cưỡng chế THA, gia đình ông Thể “sống trong cảnh màn trời chiếu đất”.
Tương tự, nhiều ngày qua, đi qua quốc lộ 19, ai cũng đều tận thấy túp lều “rất mất mỹ quan” ở ngay ngã ba Năm Đạt (ngã 3 Nông trường Cao su Kdang thuộc thôn Cầu Vàng, xã Kdang, huyện Đak Đoa). Ông Vũ Văn Tiến-Trưởng Công an xã Kdang cho biết: Chiếc lều này là do má con bà Đinh Thị Hiền làm để ở và bán hàng kiếm sống kể từ khi Chi cục THA Dân sự huyện Đak Đoa thực hiện việc cưỡng chế đối với gia đình bà Hiền. Còn bà Hiền thì ấm ức: “Tôi và ông Nguyễn Đình Phấn ăn ở chung với nhau có 2 người con và một căn nhà...
...Nay chúng tôi thuận tình ly hôn. Tôi nhận nuôi dưỡng 2 con và nhận một ít tiền chia tài sản chung. Ông Phấn đồng ý cấp dưỡng 1 triệu đồng/tháng nuôi 2 con, trả một phần tiền chia tài sản chung, rồi nhận lại 4 căn nhà ở liền kề. Khi bản án có hiệu lực pháp luật, Chi cục THA Dân sự huyện Đak Đoa cưỡng chế, má-con tôi không có nhà nên đành phải che bạt để ở ngoài hành lang quốc lộ 19. Ăn ngủ trong lều, không nhà không cửa nên cháu Dung, sinh năm 1997 đã bỏ học lớp 10; cháu Phú, sinh năm 1999 cũng nghỉ học lớp 8, rồi bỏ đi lang thang chưa về…".
Thi hành án dân sự là việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Bên cạnh các quyền hạn, cơ quan THA dân sự còn phải có nhiều nghĩa vụ, trách nhiệm, trong đó có việc thực hiện đúng khoản 5, Điều 115, Luật THA Dân sự hiện hành: “Trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án cho người mua được tài sản bán đấu giá, nếu xét thấy sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được thi hành án, chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 1 năm. Nghĩa vụ thi hành án còn lại được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật THA Dân sự”.
Vậy, những việc đã làm của các cơ quan THA dân sự có liên quan đã đúng với pháp luật và phù hợp đối với 2 trường hợp bị cưỡng chế nêu trên chưa- câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.
Hoàng Cư