Thăm di tích "Tử ngục Chín Hầm"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng tôi đến thăm khu di tích “Tử ngục Chín Hầm” vào giữa trưa một ngày tháng 6 nắng như đổ lửa. Mặc dù đang trong giờ nghỉ nhưng anh bảo vệ vẫn sốt sắng gọi điện cho hướng dẫn viên đến phục vụ đoàn. Tại đây, chúng tôi may mắn được gặp và trò chuyện cùng các cựu tù Phú Quốc hiện đang sống tại tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị.
 

Ảnh: Duy Danh
Ảnh: Duy Danh

Tại phòng tiếp khách, anh hướng dẫn viên cho biết: Khu di tích nằm trên địa bàn phường An Tây, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế (trước đây là thôn Ngũ Tây, xã Thủy An, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên). Năm 1941, thực dân Pháp cho đào sâu vào sườn đồi 8 cái hầm hình chữ nhật để xây dựng kho chứa vũ khí. Năm 1956, Ngô Đình Cẩn đã cho xây dựng nơi đây thành một nhà ngục đặc biệt để giam cầm các chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước, các nhân vật chính trị đối lập, thương gia giàu có, kể cả tăng ni, phật tử, học sinh, sinh viên...

Theo hồi ức của những chiến sĩ cách mạng bị giam cầm tại đây, Chín Hầm thực sự là một tử ngục. Dưới sự sai khiến trực tiếp của “lãnh chúa miền Trung” Ngô Đình Cẩn, bọn cai ngục đã không từ một thủ đoạn nào để tra khảo, hành hạ tù nhân cho đến chết. Chỉ trong một thời gian ngắn tồn tại, “Tử ngục Chín Hầm” đã giết chết hàng ngàn tù nhân, trong đó có rất nhiều chiến sĩ cách mạng kiên trung. Đặc biệt, trong năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo và học sinh sinh viên. Theo đó, những người đi đầu trong các phong trào nói trên đã bị tay chân của “cậu” Cẩn tống vào Chín Hầm. Chứng kiến sự tàn bạo, dã man của bọn cai ngục, một nữ sinh trường Đồng Khánh-Huế phải thốt lên: “Trước phong cảnh hữu tình, ai có biết/Rằng ngay đây: địa ngục trần gian/Nơi chấp chứa một chế độ bạo tàn/Gần cảnh đấy là cung vàng điện ngọc/Du khách hỡi! dừng lại đây, nghe tiếng khóc/Của oan hồn tử sĩ chết đau thương...”.

 

Ảnh: Duy Danh
Ảnh: Duy Danh

Do nhiều yếu tố tác động, đến nay hệ thống nhà tù ở đây chỉ còn lại hầm số 8 là tương đối nguyên vẹn. Trong cái nắng hầm hập giữa trưa tháng 6, căn hầm đập vào mắt chúng tôi như “lưỡi hái tử thần”. Sau cánh cửa sắt nặng trình trịch và nóng rát là 20 xà lim nhỏ được chia thành 2 dãy, mỗi dãy 10 xà lim và một lối đi ở giữa rộng 2 mét. Mỗi xà lim có cạnh dài 1,8 mét, rộng 0,8 mét, cao 1,8 mét. Có cảm giác mỗi chiếc xà lim là một chiếc quan tài. Mặc dù chỉ là chứng tích nhưng chúng tôi thật sự rùng mình khi bước vào nơi này.

Theo hồi ức của những người sống sót, phần lớn những người vào đây là cầm chắc cái chết. Ngoài những ngón đòn tra khảo của kẻ thù, tù nhân khó có thể chịu đựng được cái nóng bức của mùa khô và cái lạnh thấu xương khi mùa Đông đến. Ông Lê Văn Giờ tuy đã từng trải qua những năm tháng hãi hùng nơi Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc, nhưng không khỏi ngạc nhiên khi bước vào đây. Chạm tay vào cánh cửa xà lim, ông Giờ thốt lên: Thật là tàn bạo và độc ác! Giam cầm, tra tấn như thế này thì sao sống nổi! Nơi đây, Ngô Đình Cẩn giam giữ những chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất như: Phan Trọng Tịnh, Nguyễn Minh Vân, Nguyễn Đình Trân, Chín Thính...

 

Ảnh: Duy Danh
Ảnh: Duy Danh

Sau khi thành kính thắp nén tâm hương tại Nhà tưởng niệm và Tượng đài bất khuất, cả 5 cựu tù Phú Quốc đều rưng rưng xúc động. Ông Lê Văn Hữu bày tỏ: “Chúng tôi đã trải qua tù tội nhưng không khắc nghiệt như ở đây. Chín Hầm là chứng tích tố cáo sự tàn bạo của chế độ Ngô Đình Diệm, trong đó Ngô Đình Cẩn là một trong những đại diện”. Cũng theo ông Hữu, các trường học cần tổ chức cho học sinh, sinh viên tham quan các di tích như thế này để các cháu thấy được cái giá của độc lập, tự do, cũng như tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam.

Có một điều đặc biệt là Nhà chứng tích Ngô Đình Cẩn nằm không xa di tích nhà ngục Chín Hầm. Để “Tử ngục Chín Hầm” được vận hành đúng ý đồ tàn độc của mình, Ngô Đình Cẩn đã tìm mọi cách tước đoạt toàn bộ khu đất của một doanh nhân để xây khu dinh thự và sinh phần tại đây. Mặc dù đã bị bụi thời gian làm cho hoang tàn, đổ nát, nhưng khu chứng tích vẫn mang hình hài của sự xa hoa do tước đoạt của người khác mà có. Rất may là chế độ bạo tàn Ngô Đình Diệm đã bị lật đổ, “lãnh chúa miền Trung” Ngô Đình Cẩn đã bị các tướng lĩnh của anh mình đưa ra pháp trường, khu dinh thự um tùm cỏ dại và khu sinh phần không phải là nơi nằm xuống của kẻ bạo tàn.

Duy Danh

Có thể bạn quan tâm