Thế nhưng, để thực hiện tham vọng này, nhóm hàng hóa xuất khẩu cần phải chuẩn chỉnh theo “luật chơi” toàn cầu!
Theo bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương, nếu trong năm 2023 kim ngạch xuất khẩu nước ta đạt 354,7 tỷ USD thì 5 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu đã có đà tăng trưởng vượt bậc, ước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Hiện có 35 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cùng hàng loạt FTA song phương và đa phương mà Việt Nam ký kết, thực thi đã tạo ra mạng lưới thị trường rộng lớn, trở thành động lực cho các doanh nghiệp (DN), ngành hàng của Việt Nam mạnh dạn bước ra thế giới.
Góc nhìn từ các nhà mua hàng quốc tế cho thấy, Việt Nam thực sự đang trở thành “công xưởng mới” của thế giới, là mắt xích quan trọng và là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu tại khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. Các nhà cung ứng tại Việt Nam có khả năng chuyển đổi, thích ứng rất nhanh với xu hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững. Nhiều nhà máy sản xuất tại Việt Nam đã chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn lao động, trách nhiệm xã hội quốc tế...
Hiện có rất nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu đang tích cực lựa chọn để thiết kế, xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, ổn định, chống chịu tốt trước những biến động của thị trường tại Việt Nam. Chỉ tính riêng tháng 6-2024, việc hơn 300 nhà phân phối toàn cầu tham dự sự kiện triển lãm xuất khẩu 2024 nhằm tìm kiếm cơ hội đa dạng hóa nguồn hàng cung ứng trong chuỗi phân phối của mình đã minh chứng rõ nét điều đó.
Rõ ràng với xu hướng này Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện.
Vấn đề mà các DN trong nước đặt ra là các cơ quan chức năng liên quan nên có đánh giá thẳng thắn về thực trạng xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và cụ thể cho từng ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Từ đó đưa ra những khuyến nghị thiết thực, giúp DN nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của sản phẩm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường… hướng đến mục tiêu sản xuất xanh bền vững. Đây cũng là yếu tố cốt lõi góp phần đưa các DN sản xuất, xuất khẩu tham gia sâu và hiệu quả vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Gia Lai quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa
Nâng cao chuỗi giá trị cung ứng rau, quả khu vực Tây Nguyên
Ở chiều ngược lại, các cơ quan chức năng có thể khảo sát và ghi nhận những khó khăn thực tế mà DN gặp phải, khả năng và năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu của DN khi tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế; tổ chức thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến, chú trọng hỗ trợ DN kết nối với các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế và trong nước. Bởi đây là kênh phân phối giúp DN mở rộng thị trường xuất khẩu hiệu quả, tiết kiệm chi phí, nắm bắt nhanh nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của khách hàng trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, DN rất cần được đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác hiệu quả các FTA. Khi đó, DN có thể chủ động thực hiện chuyển đổi số trong quản trị sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu kết hợp nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, hướng đến sản xuất xanh, xuất khẩu xanh và tiêu dùng bền vững.
Cùng với đó, nghiên cứu thông tin, xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường phù hợp. Có như vậy mới gia tăng cơ hội phát triển xuất khẩu và khẳng định vị thế chiến lược hàng Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian tới.