Phóng sự - Ký sự

Thăm hai chú voi con ở rừng khộp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước đây, ở buôn làng Tây Nguyên từng có rất nhiều voi con. Đồng bào có được chúng chủ yếu nhờ săn bắt và voi nhà đẻ. Những năm cuối thế kỷ XX, ta thường thấy voi con trong đàn voi nhà ở các huyện: Buôn Đôn, Ea Súp, Lak (tỉnh Đak Lak), xứ sở của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Ngày nay, voi con hầu như vắng bóng trong đàn voi nhà ở Tây Nguyên. Nhiều voi cái trong đàn voi nhà không sinh sản được vì chúng đã già, chết vì bệnh tật. Vì vậy, đàn voi nhà ngày càng giảm sút số lượng. Người ta lo lắng rằng trong tương lai không xa, voi nhà Tây Nguyên sẽ không còn nữa. Mãi đến gần đây, tại Buôn Đôn mới có sự hiện diện trở lại của những chú voi con. Chúng chính là những con voi bị nạn được đưa về Trung tâm Bảo tồn voi Đak Lak, đóng trụ sở ở Buôn Đôn để nuôi dưỡng, chăm sóc. Những chú voi con này là sứ giả của rừng xanh, là báu vật của đại ngàn.

 

Chú voi Wasana ở Thái Lan với đôi chân giả. Ảnh: Reuters
Chú voi Wasana ở Thái Lan với đôi chân giả. Ảnh: Reuters

Với đồng bào Tây Nguyên, voi con là thành viên được cưng chiều nhất vì nó là tài sản mang lại cuộc sống sung túc, vẻ đẹp hoang sơ của buôn làng xứ Thượng. Trẻ em thường gần gũi với những chú voi con, vừa chơi cùng vừa tắm táp, vuốt ve nó. Lễ hội voi hàng năm đều không thể thiếu những chú voi con theo mẹ đi diễu hành, thực hành các trò diễn. Chúng tinh nghịch, đùa giỡn rất đáng yêu. Trên đường đi, nó lon ton bước theo mẹ; khi tập trung, nó thường nấp dưới bóng mẹ, lấy vòi quấn chân voi mẹ. Do đó, từ người lớn đến trẻ con đều thích thú khi được gần gũi, ngắm nhìn những chú voi con. Nó đã đi vào thơ ca, nhạc họa, nhiếp ảnh... mà tiêu biểu là bài hát “Chú voi con ở Bản Đôn” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
 

Tác giả bài viết và chú voi Gold ở Trung tâm Bảo tồn voi Đak Lak. Ảnh: T.V
Tác giả bài viết và chú voi Gold ở Trung tâm Bảo tồn voi Đak Lak. Ảnh: T.V

Để bảo tồn đàn voi hoang dã, từ lâu, nhà nước đã cấm săn bắt voi rừng. Nghề săn bắt voi rừng chỉ còn trong ký ức của các gru-thợ săn voi. Công cụ săn voi, thuần dưỡng voi con cũng chỉ thấy trong các bảo tàng. Các địa phương đều ra sức bảo vệ đàn voi rừng, khoanh vùng, lập khu bảo tồn, tránh xung đột giữa người với voi. Vì vậy mà voi rừng có điều kiện sinh trưởng, voi con tiếp tục ra đời dưới những cánh rừng khộp. Tín hiệu đáng mừng là trong khi đàn voi nhà thiếu vắng voi con thì một số voi rừng ở các tiểu khu, khu bảo tồn thiên nhiên vẫn sinh sản những chú voi con. Sự xuất hiện voi con trong một bầy đàn chứng tỏ đàn voi đó có sự sinh sôi nảy nở, sinh trưởng tốt, đảm bảo sự duy trì, phát triển, sự hồi sinh của rừng, đa dạng sinh học. Động vật quý hiếm như voi cũng như một số loài khác được ghi vào “sách đỏ” được bảo vệ nghiêm ngặt, giữ được tài nguyên của đất nước.

Chẳng hạn như vào năm 2014, đàn voi rừng xuất hiện tại thị trấn Ea Súp gồm 20 con, với cấu trúc quần thể cân đối, có đầy đủ voi đực voi cái, voi trưởng thành và cả voi mới sinh. Tuy nhiên, voi rừng cũng như voi nhà luôn gặp những sự cố rất nguy hiểm, như voi con bị mắc bẫy, voi trưởng thành bị bắn trộm lấy ngà, lông đuôi. Nhiều chú voi con bị nạn đã được Trung tâm Bảo tồn voi Đak Lak phát hiện kịp thời và cứu hộ, chăm sóc. Đó là voi rừng bị bẫy thép, được Trung tâm Bảo tồn voi Đak Lak cứu hộ, chăm sóc rồi thả về rừng vào tháng 5-2013. Năm 2015, voi  Jun 4 tuổi bị dính bẫy của thợ săn, bị bong các móng chân bên trái, vòi bị sứt, được nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi Đak Lak phát hiện mang về nuôi dưỡng. Đặc biệt, chú voi con chỉ mới 2 tháng tuổi, vào tháng 3-2016 bị rơi xuống giếng của một người dân ở khu vực huyện Ea Súp, được Trung tâm đưa về chăm sóc. Voi con này được đặt tên là Gold, nay đã được 1 tuổi. Từ một chú voi con ốm yếu do sớm bị xa mẹ, nay voi Gold đã khỏe mạnh, chóng lớn, luôn vui đùa, nghịch ngợm với nhân viên cứu hộ.

Theo kinh nghiệm của đồng bào, voi con ở rừng bắt về hay voi nhà đẻ ra đều phải trải qua quá trình thuần dưỡng, nuôi dạy công phu mới có thể hiền phục, ngoan ngoãn. Đồng bào MNông cho rằng, voi con do voi nhà sinh ra rất phức tạp, nếu không được uốn nắn, giáo dưỡng cẩn thận thì nó rất nguy hiểm. Nếu voi nhà đẻ, người ta chờ đến khi nào voi con bỏ bú và biết tự kiếm ăn mới dẫn thả voi mẹ và voi con vào ở trong rừng một thời gian rồi sau đó dẫn voi về nhà, cho voi con tách khỏi mẹ để tập dưỡng và cải tạo. Còn voi rừng, để cải hóa chúng thành voi thuần là một công đoạn đầy gian lao. Mỗi khi bắt được voi rừng, đồng bào chưa đưa ngay về buôn làng mà chỉ cử người về báo tin vui (hoặc thổi tù và sừng trâu báo hiệu người làng cũng biết là bắt được voi rừng). Voi con được đưa về khu rừng cạnh buôn, nơi có bãi cỏ, ven suối và có cây vừa che mát, vừa để buộc voi khi tập, gọi là bãi thuần dưỡng. Những ngày đầu, người ta dùng nhiều biện pháp, kể cả việc hạn chế cho ăn uống cốt làm cho nó suy yếu để bớt hung hăng, dữ tợn.

 

Nhân viên cứu trợ voi đang cho voi Jun ăn. Ảnh: T.V
Nhân viên cứu trợ voi đang cho voi Jun ăn. Ảnh: T.V

Những chú voi rừng được cứu hộ ở Trung tâm Bảo tồn voi Đak Lak cũng đang trong quá trình thuần hóa, từ voi hoang dã trở thành voi nhà. Ban đầu, Trung tâm Bảo tồn voi mong muốn, sau khi nuôi dưỡng, chữa lành vết thương, khỏe hẳn, voi con sẽ được thả trở lại rừng để hòa nhập với bầy đàn của mình, nhưng xem ra việc này cũng rất khó. Trong khi voi Gold chưa biết ăn, chỉ uống sữa bú bình, nếu thả ra mà bị lạc, voi mẹ không dẫn đi, cho bú tiếp bằng sữa mẹ thì khó sống nổi. Nên nó được đưa về lại ngôi nhà cứu trợ ấm áp, tối ở trong cái chuồng nhỏ, hàng ngày được ra khỏi chuồng để rong chơi, hoặc quẩn quanh bên vòng ngoài chuồng nhốt voi Jun đàn anh. Với lòng yêu nghề, yêu động vật, từ cán bộ quản lý đến nhân viên ở đây đã không quản ngày đêm chăm sóc, nuôi dưỡng voi. Chú voi Gold còn nhỏ, chưa tự ăn cỏ được, hàng ngày phải uống sữa như trẻ em. Nữ nhân viên nơi đây đảm nhận vai trò “bảo mẫu”, vừa cho voi bú vừa dỗ dành, chiều chuộng. Còn voi Jun đang trên đà phát triển, thân thể cao lớn, vạm vỡ. Chú voi này vẫn đang còn nhốt trong cái chuồng làm bằng xích sắt chắc chắn. Chỉ có nhân viên thuần dưỡng nơi đây mới có thể đến gần, khách lạ thì phải đứng từ xa vì chú voi đang còn hung hăng, chưa hết tính hoang dã, sẵn sàng tấn công, gây thương tích nguy hiểm cho người nếu không có hàng rào cản trở. Hàng ngày, nhân viên phải theo dõi tình hình sức khỏe, luôn ở bên cạnh, chơi đùa thân thiện với voi, cho nó ăn chuối, cỏ non và ra những hiệu lệnh, tập các động tác cho voi mỗi ngày thuần thục hơn như nhấc chân, co vòi lên cao, lấy vòi đón thức ăn…
 

Nhân viên cứu trợ voi cho voi con bú sữa bình. Ảnh: T.V
Nhân viên cứu trợ voi cho voi con bú sữa bình. Ảnh: T.V

Đến thăm hai chú voi con tại Trung tâm Bảo tồn voi Đak Lak  khiến người viết bài này nghĩ tới việc cứu trợ và chăm sóc voi ở Thái Lan. Từ lâu, họ đã thành lập Trung tâm cứu trợ voi. Những con voi già yếu, bệnh tật hay bị tai nạn đều được đưa về đây để nuôi dưỡng. Như năm trước, con voi tên là Wasana ở công trường khai thác gỗ trong một cánh rừng ở miền Bắc Thái Lan giẫm phải mìn, mất một bàn chân. Sở Bảo tồn voi đã đặt làm từ bên Úc một chiếc “chân giả” hình dạng giống như một chiếc giày cho voi. Mang chiếc chân giả này vào, chú voi có thể đi lại tự do và không cảm thấy đau đớn. Người ta hết mực chăm sóc voi nên số lượng voi nhà cũng như voi rừng được duy trì, tăng trưởng. Voi nhà góp phần phát triển du lịch cho Thái Lan. Hiện Thái Lan còn 3.000 con voi hoang dã và 2.500 voi nhà.

Những chú voi con này là quà tặng vô giá của đại ngàn dành cho nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn voi nói riêng của tỉnh Đak Lak. Trong tương lai không xa, nơi đây sẽ là Trung tâm Bảo tồn voi lớn của cả nước. Những chú voi gặp nạn, voi già, voi bệnh sẽ được đưa về đây để chữa trị, chăm sóc. Cũng thật lý tưởng nếu nơi đây sẽ hình thành một bảo tàng voi, trưng bày những hiện vật, hình ảnh giới thiệu nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, chân dung các gru săn voi nổi tiếng như Khunjunop, Ama Kông, hay phục dựng lại vốn di sản nhân văn liên quan đến con voi như các lễ hội cúng voi, các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ về đề tài voi và cả những bức ảnh đẹp về voi mà các nghệ sĩ nhiếp ảnh cả nước đã chụp trong thời gian qua. Sản phẩm du lịch của Buôn Đôn khi ấy sẽ thêm thú vị, bớt dần việc khai thác sức voi một cách quá mức để phục vụ khách du lịch. Dưới cánh rừng khộp, xứ sở của voi rừng, quê hương của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, những chú voi con đã xuất hiện trở lại, mang lại niềm vui, hy vọng cho công tác bảo tồn, để đàn voi được duy trì, sinh trưởng, góp phần gìn giữ một loài động vật quý hiếm của đất nước.

Tấn Vịnh

Có thể bạn quan tâm