Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Thăm Khu Di tích Đại thi hào Nguyễn Du

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo tấm biển chỉ dẫn đặt tại ngã ba quốc lộ 1-quốc lộ 8B (phía Nam cầu Bến Thủy-Sông Lam), chúng tôi tới thăm Khu di tích Nguyễn Du thuộc địa phận xã Tiên Điền (trước kia là làng Tiên Điền), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Khu di tích này rộng hơn 3 ha, trải dài trên địa bàn toàn xã Tiên Điền ngày nay.
 

Ảnh: Hoàng Cư

Tượng đài Đại thi hào Nguyễn Du đặt chính diện mặt tiền của khu di tích. Phía sau tượng đài là quần thể các di tích, bảo tàng trưng bày các tác phẩm, tài liệu, hiện vật quý giá của ông. Đó là nghiên mực, đĩa nai hạc, nậm và chén uống rượu, gạc nai treo áo, là la bàn dùng để định hướng đi săn. Các hiện vật này đều được trân trọng bảo vệ trong tủ kính.

Các ngôi nhà trong khu di tích đều làm bằng gỗ lim, mái ngói cong như mái đình làng Bắc trung bộ, kiến trúc kiểu chữ Đinh theo Dịch học. Xung quanh các ngôi nhà có nhiều cây cổ thụ trên 300 năm, cây bonsai, hoa đào, hoa mai… Trong khu di tích có nhiều đền thờ, văn bia, tượng quan hầu, tượng voi, tượng ngựa, tượng nghê chầu đều làm bằng đá granite Thanh Hóa. Các bàn thờ đều được chạm trổ, sơn son thếp vàng, uốn lượn tựa như rồng bay phượng múa. Tương truyền, các thế hệ họ Nguyễn ở Tiên Điền đều có nhiều người đỗ đạt khoa bảng, tinh thông lý số, giỏi tính toán và đặc biệt là thích chọn đá granite, gỗ lim và những người thợ chính gốc ở Thanh Hóa làm đàn tế, đền thờ, văn bia, tượng, chạm trổ cho khu di tích này.

Trước khi mất tại Huế (năm 1820), Nguyễn Du day dứt: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố như” (không biết 300 năm sau khi Nguyễn Du mất, thiên hạ có ai hiểu và khóc cho Nguyễn Du không?). Nhưng ngay sau biết ông mất, vua Minh Mạng đã thương tiếc, gởi phẩm vật phúng viếng và viết tặng Nguyễn Du 2 câu đối: “Nhất đại tài hoa vi sứ vi khanh sinh bất thiểm/Bách niên sự nghiệp tại gia tại quốc tử do vinh” (Một đời tài hoa lúc đi sứ lúc làm quan sống không hổ thẹn/Trăm năm sự nghiệp việc nhà việc nước chết rồi mà vẫn còn vinh). Hai câu đối này được khắc trang trọng ở ngay tiền sảnh chính của khu lưu niệm Nguyễn Du.

Nói đến Nguyễn Du, nhiều người nhớ ngay đến thi phẩm kinh điển Truyện Kiều. Từ tuyệt tác Truyện Kiều, Nguyễn Du đã được thế giới vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới, Nhà nước đầu tư xây dựng khu di tích quốc gia đặc biệt, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành lập Hội Kiều học Việt Nam và các cấp, các ngành đang tập trung nguồn lực xây dựng trung tâm văn hóa-du lịch trọng điểm của khu vực và quốc gia, tương xứng với tên tuổi và sự nghiệp vẻ vang của Đại thi hào Nguyễn Du.

Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm