Thăm ngôi nhà xưa của Tướng Giáp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một chiều cuối hạ, chúng tôi về thăm làng An Xá, xã Lộc Thủy, tỉnh Quảng Bình-quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cũng như bao làng quê khác của nước Việt, hiền hòa và thành bình, làng An Xá chạy dọc theo con sông Kiến Giang từ Trường Sơn đổ về tạo nên một cánh đồng khá trù phú, người dân hiền lành, chất phác, sống co cụm thành xóm làng bao đời nay men theo những con đường nhỏ hẹp, quanh co. Ngôi nhà hiện nay là Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp được làm lại năm 1977 trên chính nền nhà cũ ở xóm giữa, làng An Xá. Nhà mới cũng mô phỏng theo căn nhà xưa gồm 3 gian, 2 chái lợp ngói, mái hiên bằng lá cọ, cửa bức bàn. Vườn cũ còn lại cây khế phía sau nhà có đến 100 tuổi. Thời ấu thơ, cậu Giáp thường chơi đùa cùng bè bạn và ngồi học bài dưới gốc khế này.

 

Cổng vào ngôi nhà của Đại tướng.                           Ảnh: K.N.B
Cổng vào ngôi nhà của Đại tướng. Ảnh: K.N.B

Theo cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” do tác giả Hồng Cư viết, có sự cộng tác của người vợ Đại tướng là bà Đặng Bích Hà đã mô tả: Làng An Xá ngày trước có 3 xóm (xóm trên, xóm giữa và xóm ngoài), nhà nào cũng có vườn rộng trồng nhiều cây trái, rau, củ. Nhà ông Võ Quang Nghiêm và bà Nguyễn Thị Kiên-cha mẹ của Võ Nguyên Giáp thời ấy thuộc diện nghèo. Căn nhà có 3 gian, 2 chái và l nhà ngang làm bếp, đều lợp bằng tranh: Gian trái kê giường của thầy (cha) có tủ xưa bằng gỗ, chái phía Tây là nơi trẻ học bài và thầy coi sách; gian phía Đông dành cho đàn bà, con gái trong nhà; gian giữa đặt bàn thờ gia tiên có bộ phản gỗ và bộ trường kỷ bằng tre. Cha mẹ Tướng Giáp có 7 người con (4 gái và 3 trai), cậu Giáp là con thứ 5 trong gia đình, 2 anh chị mất sớm vì bệnh, 2 người mất trước chiến dịch Điện Biên Phủ, còn lại 3 người: Võ Nguyên Giáp, người em là Võ Thuần Nho-nguyên là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và em gái út Võ Thị Lài-nguyên là nhân viên coi kho của một cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp.

Theo bà Đặng Bích Hà thì mẹ Võ Nguyên Giáp kể rằng, ông sinh vào mùa lụt năm Tân Hợi (Dương lịch là ngày 25-8-1911), còn nhiều tài liệu khác ghi là ông sinh năm 1910 hoặc 1912 đều không chính xác. Cha Tướng Giáp là một nhà nho yêu nước, đã từng nhiều lần lều chõng đi thi hương nhưng không đỗ, trở về làng làm hương sư và bốc thuốc cứu người; sau bị thực dân Pháp bắt giam và chết trong lao tù. Mẹ tảo tần sớm hôm làm ruộng nuôi con ăn học. Tuy nghèo nhưng cha Tướng Giáp là người trọng chữ thánh hiền, giữ nền nếp gia phong, nghiêm túc trong việc dạy con cái có lễ giáo và đạo hạnh.

Ngày còn nhỏ, cậu Giáp học chữ nho với cha mình; lớn lên một chút, cậu học trò nghèo này vào học lớp đồng ấu ở làng trên-trường tổng. Đến năm lớp 3 sơ học, cậu Giáp phải lên trọ học ở trường huyện Lộc Thủy. Dù khó khăn nhưng gia đình vẫn cố chạy chợ thêm để nuôi các con ăn học. Những năm cuối bậc sơ học, cụ Nghiêm gửi con mình lên tỉnh (thị xã Đồng Hới) ở nhà người quen để học tập. Ở đây, cậu Giáp được học thầy giáo Đào Duy Anh và năm đó đã đỗ đầu sơ học. Năm 1925, Võ Nguyên Giáp thi đỗ vào trung học và học Trường Quốc học Huế. Ở kinh thành, cậu Giáp được mở rộng tầm mắt, giao du với bạn bè khắp Bắc-Trung-Nam, như Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Khoa Văn và nhất là được nghe diễn thuyết, tiếp xúc với cụ Phan Bội Châu.


Thực dân Pháp càng áp đặt nền cai trị hà khắc của mình trên mọi lĩnh vực, đặc biệt chúng chú trọng vào các tầng lớp học sinh, trí thức có quan điểm chống Pháp nên các học sinh có tư tưởng tiến bộ ở Huế, nhất là ở Trường Quốc học, Trường Đồng Khánh… đã đồng loạt bãi khóa phản đối sự đối đãi bất công với một số học sinh trong trường. Sau đó, chính quyền thực dân đã chỉ đạo đuổi học những học sinh mà chúng cho là quá khích, trong đó có Nguyễn Chí Diểu, Võ Nguyên Giáp… Năm 1928, khi Nguyễn Chí Diểu trở về vùng quê thăm bạn Giáp và cung cấp nhiều tài liệu quan trọng về chủ nghĩa Mác, cũng như nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, đã nhen lên trong lòng người thanh niên nhiệt huyết này một niềm tin mới. Cậu Giáp đã nghe lời bạn về Huế tham gia vào đảng Tân Việt-tổ chức có xu hướng xã hội chủ nghĩa và vào làm việc ở Quan hải tùng thư-Nhà Xuất bản của Tổng bộ Tân Việt, sau đó làm biên tập viên cho Báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Năm 1931, Võ Nguyên Giáp bị Pháp bắt bỏ tù ở Nhà lao Thừa Thiên, sau đó được trả tự do cùng với chị Nguyễn Thị Quang Thái (sau này là vợ của Võ Nguyên Giáp), ông Đặng Thái Mai và người em trai Võ Thuần Nho. Bấy giờ Công sứ Pháp ở Huế cấm không cho Võ Nguyên Giáp quay lại Huế làm báo nữa, anh tìm đường ra Hà Nội tiếp tục học tập và sau đó tốt nghiệp Cử nhân Luật năm 1937. Trong thời gian này, chàng thanh niên Võ Nguyên Giáp bằng nhiều hình thức vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng. Đến năm 1940, Võ Nguyên Giáp cùng một số đồng chí khác sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và từ đây cuộc đời của anh bắt đầu gắn chặt với cách mạng Việt Nam và người lãnh tụ kính yêu.

Năm 1940, tình hình thế giới có những chuyển biến có lợi cho cách mạng Việt Nam, Bác Hồ cùng Võ Nguyên Giáp và một số đồng chí khác đã về nước, hoạt động ở Cao Bằng. Từ trong gian khó, Võ Nguyên Giáp đã cùng sát cánh  với người lãnh tụ sáng suốt của mình xây dựng phong trào cách mạng ngày càng vững mạnh, lập ra lực lượng vũ trang cách mạng-tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944) và tiến đến khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân (19-8-1945), lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á (2-9-1945). Trong Chính phủ cách mạng lâm thời, Võ Nguyên Giáp giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Thứ trưởng Thường trực Bộ Quốc phòng (1945). Năm 1946, Võ Nguyên Giáp là Tổng Chỉ huy quân đội và dân quân tự vệ. Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam cho Võ Nguyên Giáp.

Dù Đại tướng đã đi xa nhưng khi chúng tôi trở lại vùng quê An Xá, ngôi nhà xưa-nay trở thành Nhà lưu niệm của Người, luôn luôn ấm cúng với những bó hoa tươi thắm mà bà con trên mọi miền đất nước về đây tưởng niệm vị Đại tướng của nhân dân và cảm ơn một vùng đất địa linh đã sinh thành người con ưu tú của đất Việt-Võ Nguyên Giáp.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm