Phóng sự - Ký sự

Thâm nhập đường dây "tín dụng đen" qua app: Hàng vạn con nợ sập bẫy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Về quy mô lẫn số lượng khách hàng tham gia, băng nhóm cho vay nặng lãi “truyền thống” không thể sánh với “tín dụng đen” qua app bởi mạng lưới phủ sóng xuyên quốc gia với hàng vạn khách hàng tham gia.
 
Nạn nhân của công ty vay tiền qua app phản ánh với PV Thanh Niên
Để lật tẩy đường dây cho vay qua app, PV Thanh Niên vào vai nhân viên đòi nợ của một công ty đặt tại một tòa nhà cho thuê trên đường Tôn Thất Tùng (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM).
Con nợ ở mọi miền đất nước
Ghi nhận thực tế, nạn nhân vay tiền đến từ khắp mọi miền đất nước như: Bắc Giang, Lào Cai, Huế, Quảng Ngãi, TP.HCM, Cà Mau..., nhưng “thị trường” màu mỡ nhất vẫn là TP.HCM.
Bản chất là cho vay nặng lãi !
Theo luật sư Nguyễn Hải Nam (Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước), công ty có chức năng hoạt động kinh doanh về tài chính mới được phép thu phí cho vay. Các loại hình doanh nghiệp khác cho vay không được thu phí người vay tiền.

“Với các quy định thu phí của công ty mà báo phản ánh, có thể dễ dàng nhận thấy được sự đánh tráo từ lãi suất qua tiền phí. Nếu công ty ấn định mức phí 500 - 800%/năm thì rõ ràng quá bất hợp lý. Như vậy, bản chất của việc thu phí này là cho vay nặng lãi. Bộ luật Hình sự quy định hành vi cho vay với lãi suất quá 5 lần lãi suất cao nhất theo quy định của bộ luật Dân sự (20%/năm), tức cao hơn 100%/năm, thu lợi từ 30 triệu đồng thì đã có dấu hiệu của tội cho vay nặng lãi”, luật sư Nam nói.

“Nói thiệt tôi khó khăn quá mới vay tiền qua app; dù trả mấy đợt rồi mà không hiểu sao số tiền nợ vẫn không giảm. Tôi vay 1 triệu đồng nhưng không biết công ty tính kiểu gì, đến nay lên gần 2,5 triệu đồng...”, một giáo viên (ngụ Bình Phước) nói như bất lực khi được PV nhập vai nhắc thanh toán tiền nợ qua điện thoại.
Tương tự, một nam thanh niên (24 tuổi, ngụ Thừa Thiên-Huế) van xin: “Tôi đóng tiền trả hết từ cả tháng rồi mà sao công ty cứ gọi cho tôi hoài vậy. Tôi van xin công ty kiểm tra lại giúp, có sự nhầm lẫn nào không. Tôi làm công nhân lương “ba cọc ba đồng” nên tha cho tôi, đừng gọi nữa, bị đuổi việc là chết”. Hỏi các “đồng nghiệp” thì PV được chỉ dẫn, nếu thanh toán tiền không ghi đúng số hợp đồng, hệ thống không cập nhật thì điện thoại vẫn “auto gọi” đòi nợ khách nên nhân viên phải biết mà “liệu cơm gắp mắm” xử lý.
Ngoài ra, hàng loạt con nợ bức xúc, dù trả tiền gấp nhiều lần với tiền gốc nhưng vẫn bị khủng bố. Cần tiền nhập viện, anh Đ.V.T (32 tuổi) vay của công ty nói trên 1 triệu đồng, trả nhiều đợt song đến nay vẫn còn nợ 1 triệu đồng (!?).
“Tôi đóng cũng vài triệu đồng rồi chứ không ít đâu. Giờ họ gọi điện “khủng bố” liên tục ngày đêm; tôi thấy công ty này chẳng khác nào đang lừa đảo khách”, anh T. bức xúc. Tương tự, anh L.Q.X vay 2 triệu đồng vào ngày 21.3 với thời hạn vay 30 ngày, hiện số tiền anh phải trả là
3,63 triệu đồng; chị L.T.H.T vay 3,5 triệu đồng ngày 1.3 với thời hạn 30 ngày, sau đó đóng được 1,4 triệu đồng nhưng hiện vẫn còn nợ 5,79 triệu đồng.
 
Nam nhân viên Ch. đang “giảng dạy” cho nhân viên mới về cách đòi nợ. ẢNH: THANH NIÊN
Lãi suất cắt cổ
Để hợp thức hóa tiền lãi suất “cắt cổ”, công ty này gọi số tiền phải đóng chênh lệch sau khi vay là “phí” (tùy số tiền gốc, thời gian vay) nhằm tránh né pháp luật về hành vi cho vay nặng lãi. Cụ thể, với khoản vay từ 1 - 10 triệu đồng, trả trong vòng 10, 20, 30 ngày thì con nợ phải chịu 4 khoản phí (gồm: phí bản quyền, phí dịch vụ, phí xử lý, phí phạt thanh toán không đúng thời hạn) sẽ dao động từ 20.000 - 3,8 triệu đồng; trong đó, phí dịch vụ cao nhất, tính ra 38%/tháng (tương đương 456%/năm).
Theo hướng dẫn của nhân viên công ty thì cách tính “phí” là: 10 ngày là 22%, 20 ngày (33%) và 30 ngày (44%); đồng nghĩa với lãi suất từ hơn 500% đến gần 800%/năm.
“Nếu khách hàng có hỏi thì chúng ta nói lãi suất là 0%. Vì không phải là công ty tài chính, nên mình không tính lãi suất, cho nên bên mình chỉ tính phí, cái này liên quan đến mặt pháp lý. Để bên mình có thể “hợp thức hóa” để làm việc tại VN. Vì không tính lãi suất nên chúng ta gọi các khoản tiền phát sinh là phí”, chị Ch. (27 tuổi, nhân viên phòng nhân sự công ty) tập huấn cho một nhóm nhân viên mới vào thử việc, trong đó có PV.
Theo nhân viên phụ trách hướng dẫn “tân binh”, khách hàng của công ty vay tiền qua app là tầng lớp cấp thấp, họ không vay được ở ngân hàng và công ty tài chính. Công ty cho vay qua app chỉ cần vài thủ tục đơn giản, mất vài phút là tiền đã qua tài khoản, nên phía cho vay chịu nhiều rủi ro hơn ngân hàng và các công ty tài chính. Vay ngân hàng, lãi suất sẽ dao động từ 10 - 20%/năm. Các công ty tài chính từ 15 - 200%/năm, tùy sản phẩm, loại hình. “Vì chúng ta chịu nhiều rủi ro như vậy nên phải đưa ra mức phí cao hơn”, nhân viên công ty trên nói.
 
Hệ thống điện thoại hoạt động hết công suất để đốc thúc con nợ trả tiền
“Đúng là phí bên mình rất cao”
Qua tìm hiểu của PV, đường dây cho vay qua app còn đưa ra quy định “gia hạn hợp đồng vay” đối với trường hợp đến thời hạn thanh toán nhưng con nợ mất khả năng chi trả. Thời hạn “gia hạn hợp đồng vay” là 30 ngày với lãi suất từ 22 - 44% (tùy số tiền vay và thời hạn vay) - chưa kể tiền gốc vay. Thực tế, thủ đoạn “gia hạn hợp đồng vay” là dụ con nợ vào “vòng kim cô” lãi chồng lãi; đồng thời cũng là chiêu trò lôi kéo khách hàng tiếp tục tham gia vay.
Tiếp xúc với chúng tôi, chị Đ.H.G (24 tuổi, quê Đắk Lắk) cho hay tháng 5.2019, chị vay 5 triệu đồng trong vòng 30 ngày qua app của công ty nói trên. Từ tháng 6 - 10.2019, mỗi tháng chị đóng 2,2 triệu đồng tiền phí “gia hạn hợp đồng” (tổng số tiền đã đóng là 11 triệu đồng), sau đó mất khả năng chi trả thì bị nhân viên gọi đòi nợ khủng tố tinh thần.
“Họ gọi điện cho bạn bè, người thân tôi “khủng bố”, trong đó ông ngoại tôi đã 80 tuổi bị chửi bới thậm tệ”, chị G. bức xúc và kể một người bạn đã chơi cùng từ nhỏ, bị nhân viên đòi nợ gọi điện “khủng bố”; tưởng chị G. vay tiền của giang hồ ăn chơi, nên người bạn lên Facebook “tố” chị G.
Một giao dịch vay qua app mà PV ghi hình được
Một giao dịch vay qua app mà PV ghi hình được
“Việc này khiến tôi gần như suy sụp, vì bạn bè, hàng xóm ở quê nghĩ tôi vay tiền giang hồ để chơi bời, cờ bạc”, chị G. nói. Ngoài ra, chúng tôi còn tiếp xúc với chị N.H.T.N (39 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, nhân viên văn phòng) vì cần một khoản tiền để mổ khối u nên vay của công ty này 6 triệu đồng, sau đó đóng 8 triệu phí “gia hạn hợp đồng”, nhưng đến nay nợ gốc vẫn còn; anh N.A.T (38 tuổi, ngụ Q.8) vay 6 triệu đồng vào tháng 3.2020 và hiện tiền nợ là 9,64 triệu đồng...
Một quản lý của công ty thừa nhận phí của công ty hiện rất cao: “Lúc tôi mới vào nghĩ phí cao như vậy sẽ rất khó có người vay nhưng làm được một thời gian, mới biết đối tượng vay tiền bên công ty rất khó khăn. Họ không vay mượn được chỗ nào hết trong khi cần tiền phục vụ cá nhân nên chấp nhận các khoản phí. Hiện ngành cho vay qua app thực sự đang rất “hot”. Năm 2017 chỉ có 3 công ty làm trong lĩnh vực này ở VN, đến 2020 đã có 200 công ty”. Tuy nhiên, nhân viên quản lý này cho rằng các khoản phí của công ty của họ nhân văn, nhân đạo so với một số công ty của Trung Quốc.
Với quy mô hoạt động xuyên quốc gia, các chi nhánh rải khắp nhiều nước, trong đó có VN. Vậy công ty cho vay qua app dùng thủ đoạn nào để tồn tại ở TP.HCM?
(còn tiếp)
Thanh Niên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm