Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Thẩm tra các báo cáo trình tại Kỳ họp và trả lời cử tri

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 5-12, Kỳ họp thứ 7- HĐND tỉnh khóa XI tiếp tục ngày làm việc thứ 2. Các đại biểu nghe các Ban HĐND tỉnh báo cáo kết quả thẩm tra các báo cáo và dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh do Thường trực HĐND và UBND tỉnh trình; UBND trả lời kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 7-HĐND tỉnh khóa VI.
Nâng cao chất lượng thẩm tra báo cáo, nghị quyết 
Thẩm tra là hình thức giám sát của các Ban HĐND nhằm xem xét sự phù hợp của nội dung dự thảo với đường lối, chủ trương của Đảng; tính hợp pháp và tính thống nhất của nội dung dự thảo với hệ thống pháp luật hiện hành; sự phù hợp, tính đáp ứng của nội dung dự thảo với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trước khi trình HĐND.
Quang cảnh ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 7-HĐND tỉnh khóa XI. Ảnh: Tấn Dung
Thực hiện sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh để chuấn bị nội dung trình Kỳ họp thứ 7-HĐND tỉnh khóa XI, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức xem xét thẩm tra các báo cáo của UBND tỉnh thuộc lĩnh vực nội chính, báo cáo của Tòa án nhân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Qua thẩm tra báo cáo của Tòa án nhân tỉnh cho thấy, năm 2018, Toà án nhân dân hai cấp đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được thì tỷ lệ giải quyết án giảm 9,4% so với năm trước, trong số án đã giải quyết vẫn còn án bị hủy, sửa và án quá hạn luật định; hoạt động kiểm sát bản án Viện Kiểm sát vẫn phát hiện và kiến nghị khắc phục một số sai phạm trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện như quyết định mức phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội; xác định chưa đúng tư cách người tham gia tố tụng,... Đồng thời, trong báo cáo cũng chưa chỉ rõ lỗi chủ quan trong các án quá hạn luật định, án hủy, án sửa.
“Sau khi thẩm tra báo cáo về tình hình, kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018 của UBND tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh nhận thấy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2018 được giữ vững, ốn định nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định như: phạm pháp hình sự có tính chất, thủ đoạn hoạt động ngày càng manh động, nguy hiểm, đáng chú ý tình hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen, cưỡng đoạt tài sản, siết nợ, bắt giữ người trái pháp luật, tội xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng tăng, một số vụ gây bức xúc dư luận;… Ban Pháp chế đề nghị UBND tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo kết hợp nhiều biện pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự gắn với đấy mạnh cải cách hành chính. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phát huy vai trò người đứng đầu ở các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trong việc triến khai công tác này”- Bà Nguyễn Thị Tường Linh (Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh) nêu rõ tại Kỳ họp.
Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Tấn Dung
Về công tác thấm tra các báo cáo và dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh thuộc lĩnh vực kinh tế-ngân sách, Phó trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Trung Kiên cho biết: “Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh đã hoàn thành việc thẩm tra và báo cáo kết quả thẩm tra đối với 16/18 dự thảo Nghị quyết như: việc thông qua đề án giao đất, giao rừng tỉnh Gia Lai; thông qua giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Gia Lai; việc ban hành chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai… Hầu hết, các dự thảo Nghị quyết trình tại Kỳ họp đều tuân thủ theo quy trình ban hành văn bản, đầy đủ hồ sơ trình theo quy định, nội dung của dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh trình đúng thẩm quyền của HĐND tỉnh”.
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
Tại phiên làm việc sáng nay, ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời một cách đầy đủ về các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 7-HĐND tỉnh.
Một trong những vấn đề nóng được cử trị đặc biệt quan tâm hiện nay là tình trạng giá cả các mặt hàng nông sản xuống thấp (như cà phê, hồ tiêu...), cùng với thực trạng tiêu chết hàng loạt do dịch bệnh đã khiến nhiều hộ nông dân lâm vào cảnh nợ nần, không có khả năng trả nợ vay của ngân hàng. Do đó, cử trị nhiều địa phương để nghị UBND tỉnh xem xét, có ý kiến các ngân hàng hỗ trợ lãi suất hoặc khoanh nợ cho các trường hợp quá khó khăn, bị thiệt hại nặng để ổn định sản xuất. Theo ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh thì: Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Gia Lai thường xuyên chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chủ động cân đổi nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của khách hàng; phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, tổ chức chính trị-xã hội tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận vốn vay, phục vụ sản xuất. Đến cuối quý III/2018, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt 41.317 tỷ đồng, chiếm 49,4% tổng dư nợ toàn tỉnh (gấp đôi so với mức bình quân chung của cả nước là 23,9%), với 101.703 khách hàng còn dư nợ.
Ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ảnh: Tấn Dung
“Đến cuối tháng 10-2018, các chi nhánh ngân hàng đã phối hợp cùng khách hàng tiến hành xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, tiếp tục cho vay mới cụ thể như sau: số khách hàng được hỗ trợ là 3.748 khách hàng, chiếm 73% tổng số khách hàng bị thiệt hại. Trong đó, số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 324 tỷ đồng, chiếm 19,8% dư nợ của khách hàng bị thiệt hại; điều chỉnh giảm lãi suất 74 tỷ đồng, chiếm 4,5%; cho vay mới 682 tỷ đồng, bằng 41,7%. Hiện tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Gia Lai đang tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng phối hợp với chính quyền địa phương, rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng để áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo đúng quy định của Chính phủ, của ngành Ngân hàng”-ông Thuyên cho biết.
Bên cạnh đó, cử trị nhiều địa phương đã đề nghị tỉnh xem xét đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhiều tuyến đường tỉnh lộ, liên huyện, liên xã (như: Tỉnh lộ 664, Tỉnh lộ 670B, đường từ UBND xã Ayun đì vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Tỉnh lộ 669…) hiện đã bị hư hỏng, xuống cấp gây khó khăn trong đi lại cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trả lời vấn đền này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến các tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp trong thời gian qua là do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều dẫn đến một số vị trí xuất hiện ổ gà, cùng với đó một số tuyến đường bị hư hỏng nặng do phương tiện giao thông trọng tải lớn lưu thông nhiều đã gây nhiều khó khăn trong đi lại của người dân. “Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông-Vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra kịp thời nắm bắt tình hình và xác định được một số phương tiện có dấu hiệu vi phạm tải trọng hoạt động. Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo Thanh tra sở quyết liệt triển khai các kế hoạch, giải pháp để chấm dứt tình trạng vi phạm tải trọng trên tuyến đường tỉnh 664 nói riêng và các tuyến đường nói chung nhằm đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh”-ông Thuyên thông tin. 
Trả lời vấn đề của cử tri về quy định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất và diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ông Kpă Thuyên cho biết: Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát, đề xuất UBND tỉnh sửa đổi Quyết định số 08/2018/QĐ-UBND ngày 20-3-2018 quy định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất và diện tích tôi thiểu được tách thửa trên địa bàn tỉnh Gia Lai cho phù hợp để bảo đảm quyền lợi của người dân. Hiện nay, đang tổ chức lấy ý kiến nội dung dự thảo trong thành viên UBND tỉnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, trước khi ban hành quyết định quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh…
Ngoài ra, nhiều vần đề được cử trị ý kiến, kiến nghị trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế… cũng được Phó Chủ tịch UBND Kpă Thuyên tỉnh trả lời đầy đủ đến cử tri. 
Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang gợi ý thảo luận tại tổ. Ảnh: Đức Thụy

 
Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐND tỉnh-Chủ tọa Kỳ họp Dương Văn Trang đã gợi ý các nội dung thảo luận cho các tổ đại biểu trong phiên làm việc chiều nay. Theo đó, các đại biểu cần thẳng thắn trao đổi, thảo luận nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019; Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường; Phát triển du lịch còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; Công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Chiều nay, các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận tổ.
Báo Gia Lai điện tử sẽ liên tục thông tin nội dung kỳ họp đến bạn đọc trong thời gian sớm nhất.
Tấn Dung

Có thể bạn quan tâm