Phóng sự - Ký sự

Thần làng đuổi dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trên dãy núi Ngọc Linh, có những ngôi làng của người Xê Đăng vẫn đang duy trì một tập tục độc đáo. Tập tục này đã biến những ngôi làng trở thành một khu cách ly tự nhiên trước đại dịch Covid-19.
 
Dân làng tổ chức lễ dựng thần làng. Ảnh: Đức Nhật
Những ngày dịch Covid-19 bùng phát, toàn xã hội thực hiện cách ly, chúng tôi quyết định ngược núi về với ngôi làng Măng Rương (xã Ngọk Lây, H.Tu Mơ Rông, Kon Tum) để tìm hiểu công tác phòng dịch tại cái vùng sâu xa ngái này. Ngọk Lây là một xã vùng sâu, vùng xa của Kon Tum.
Đây cũng là xã giáp ranh giữa tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam nên ngay từ đầu mùa dịch, công tác chống dịch đã diễn ra rất quyết liệt. Trên con đường nối với tỉnh Quảng Nam, UBND xã Ngọk Lây đã tự xuất kinh phí lập một chốt kiểm dịch 24/24 để bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn.
Ngoài nỗ lực phòng, chống dịch của ngành chức năng, theo ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọk Lây, các ngôi làng ở xã Ngọk Lây còn thực hiện thêm nghi lễ thờ cúng thần làng rất độc đáo để đuổi “con ma Covid-19”. Người dân nơi đây dựng lên những bức tượng thần để xua đuổi dịch bệnh và nhắc nhở người dân trong làng bảo vệ sức khỏe bản thân.
 
Thần làng được đẽo gọt sao cho càng xấu xí, gớm ghiếc càng tốt. Ảnh: Đức Nhật
Con ma rừng mang tên Covid-19
Chiếc xe máy của chúng tôi dừng lại ở chiếc cổng tre mới được dựng lên ở đầu làng Măng Rương, xã Ngọk Lây. Hai bức tượng kỳ quái đứng gác bên cổng làng càng khiến chúng tôi tò mò. Vị cán bộ xã đi cùng giải thích đây là dấu hiệu thông báo cho người lạ không đi tiếp vào làng. Muốn đi vào phải có lý do chính đáng và được hội đồng làng cho phép trong thời gian nhất định. Nếu vượt quá thời gian này người lạ sẽ phải ở lại làng 3 ngày hoặc bị phạt vạ 1 con heo.

Ông A Hơn, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông, cho hay việc những ngôi làng tổ chức lễ dựng tượng thần làng cho thấy ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân trên địa bàn huyện là rất tốt. “Trước đây dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở nhiều địa phương. Các ngôi làng người Xê Đăng cũng tiến hành làm lễ dựng thần làng và hạn chế những người lạ vào làng. Thực tế cho thấy, dù các xã lân cận xuất hiện dịch tả lợn nhưng tại các làng bản của người Xê Đăng, không bị thiệt hại bởi dịch này”, ông A Hơn cho biết thêm

Sau đó, vị cán bộ xã phải gọi điện cho trưởng thôn xin phép. Được sự đồng ý của hội đồng làng, chúng tôi mới bước qua cánh cổng. Đón chúng tôi dưới mái nhà rông, chị Y Blúc, trưởng thôn, giải thích: “Vì dịch bệnh nên phải cảnh giác đối với những người lạ từ nơi khác đến”.
Chị Y Blúc trông già dặn hơn với cái tuổi 28 của mình. Sau chiếc khẩu trang phòng dịch, chúng tôi cảm nhận được chị có đôi mắt biết cười và khuôn mặt phúc hậu. Kéo khách ngồi xuống bên hiên nhà rông, chị Y Blúc bắt đầu kể từ xa xưa, người Xê Đăng quan niệm dịch bệnh gây hại, những điềm xấu là do Kía Công (con ma rừng) gây ra. Để xua đuổi Kía Công, từ ngàn xưa cha ông của người Xê Đăng đã sử dụng nghi lễ dựng tượng thần trước cổng làng.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, cả nước thực hiện cách ly 14 ngày. Loa phát thanh ở nhà rông phát ra rả cả ngày bằng tiếng Xê Đăng. Nghe dịch Covid-19 hại chết nhiều người như con ma rừng, cả làng lo lắng lắm. Người làng bảo nhau như tiếng chiêng lan từ nhà này sang nhà khác. Nét lo sợ in hằn lên khuôn mặt từng người.
 
Thần làng được đeo khẩu trang để tuyên truyền người dân nâng cao ý thức chống dịch. Ảnh: Đức Nhật
Lễ dựng thần làng
Chiều hôm đó, chị Y Blúc được mời về xã để họp về tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Sau cuộc họp, Y Blúc tìm về nhà các già làng. Một cuộc họp hội đồng làng nhanh chóng diễn ra. Các già làng quyết định tiến hành nghi lễ dựng “thần làng đuổi dịch”.
Trời chạng vạng, sau khi biết chắc dân làng đã từ trên nương trở về đông đủ, Y Blúc đến bên nhà rông gõ kẻng. Nghe tiếng báo động, dân làng kéo đến đông đủ, hàng dài người đứng trước nhà rông vai chật vai.
Y Blúc đứng giữa đám đông nghiêm giọng: “Dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi, ở các nước trên thế giới đã có hàng ngàn người chết vì bệnh dịch. Bắt đầu từ ngày mai, cả nước ta sẽ thực hiện cách ly toàn xã hội. Mình đã thông báo cho các già làng. Các già làng quyết định ngày mai sẽ dựng thần làng. Đám trai làng lên rừng lấy cây cu ly, tre nứa. Phụ nữ con gái ra suối bắt cá tôm. Người già ở nhà đẽo tượng thần”.
Nữ trưởng thôn dừng lại, nhìn một lượt dân làng rồi nói tiếp: “Bắt đầu từ mai, người lạ từ nơi khác đến muốn qua cổng phải khai báo. Người lạ vào làng 5 giờ chiều phải trở về, ai vi phạm sẽ bị phạt vạ. Người làng hạn chế đi ra ngoài, nếu ra ngoài phải đeo khẩu trang để tránh nhiễm bệnh dịch. Dân làng không tụ tập đông người. Thường xuyên vệ sinh chân tay…”.
Nghe Y Blúc thông báo, cả làng đều đồng thanh khen phải. Sáng hôm sau, một nhóm trai làng đi vào rừng để tìm những gốc cây cu ly to bằng một người ôm rồi vận chuyển về làng. Một nhóm khác đi tìm chặt cây nứa, cây chuối rừng mang về làm cổng. Phụ nữ, con gái đi ra ruộng bắt cua, bắt cá. Người già ở nhà vót những thanh nứa để đan bện làm giá đựng đồ tế lễ.
Khi những thân cây cu ly được mang về, người già khéo tay dùng dao đẽo gọt thành các bức tượng thần làng sao cho càng xấu xí, gớm ghiếc càng tốt. Mặt những pho tượng khá dữ tợn, mắt trợn tròn, miệng nhe hàm răng lởm chởm. Ở mỗi cửa ngõ đi vào làng được đặt 2 bức tượng thần đứng hai bên đường. Chiếc cổng bằng tre bện lá lau, lá nứa cũng được dựng lên. Theo tập tục của người Xê Đăng, 2 cây bắt buộc phải có khi làm cổng là nứa và lá lau bởi chúng rất sắc bén có thể xua đuổi tà ma, dịch bệnh.
Y Blúc nói: “Ngày trước người Xê Đăng quan niệm dựng thần làng để cho con ma, con quỷ không vào phá làng, lấy lúa. Để con sâu, con mối không phá lúa giống đã tỉa. Tất cả lối đi của làng từ đường đi rừng; đường đi rẫy; đường đi sang làng khác... đều được làm cổng. Các cổng phụ được làm đơn giản, riêng cổng chính thì được làm công phu hơn, được trang trí với tượng thần tay cầm giáo đứng gác cổng gọi là thần làng”.
Khi mặt trời dần khuất sau dãy núi, cũng là lúc những chiếc cổng được dựng lên. Người dân sử dụng những thanh nứa chẻ nhỏ, vuốt nhẵn để làm chiếc giá đựng cá, cua, tôm, tép. Số đồ cúng này là vật tế lễ cho những con ma rừng khi đến làng. Cũng bắt đầu từ đây, làng Măng Rương trở thành khu cách ly với khẩu hiệu “nội bất xuất, ngoại bất nhập” cho đến khi hết dịch.
Góp phần chống dịch
Dẫn chúng tôi đi thăm những tượng thần được người dân đeo… khẩu trang và đội mũ bảo hiểm, chị Y Blúc bảo rằng người dân đeo khẩu trang và đội mũ bảo hiểm cho tượng thần là họ làm giống như những pano tuyên truyền ở huyện. Vì các tượng thần được đặt ở cổng làng nên nó nhắc nhở thêm người dân ý thức về việc đeo khẩu trang và đội mũ bảo hiểm.
Khi cổng làng được hoàn thiện, đêm đầu tiên người dân trong làng thay phiên nhau ra cổng đốt lửa, canh không cho người lạ vào làng. Những ngày sau đó, ngôi làng được “cách ly” sau 5 giờ chiều. Quy định của làng đã đề ra nên mọi người đều nghiêm chỉnh tuân thủ. Ngoài giờ lên nương rẫy người dân hạn chế ra ngoài và tụ tập.
Ông A Phum, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên H.Tu Mơ Rông, cho biết với người Xê Đăng, tượng thần làng không chỉ được xem như một vị thần bảo vệ làng, chống lại tà ma về làng gây nhũng nhiễu, mà còn là biểu tượng cho sức mạnh của làng. Người làng khác khi đến làng Xê Đăng, thấy có tượng cổng làng họ rất kính nể, mến phục. Vì thế, tượng cổng làng được xem là một biểu tượng thiêng liêng và đã ăn sâu vào tiềm thức trong đời sống của bao thế hệ người Xê Đăng.
“Có thể thấy, việc tổ chức lễ rào làng thực ra là cách để người Xê Đăng cúng cầu an, mong bình yên, hạnh phúc, mùa màng thuận lợi và những điều tốt đẹp đến với dân làng. Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay, việc cúng thần làng vô tình đã biến mỗi ngôi làng của người Xê Đăng trở thành một khu cách ly. Việc này cũng góp phần phòng chống, đẩy lùi dịch Covid-19”, ông A Phum nói.
Đức Nhật (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm