Phóng sự - Ký sự

Thăng trầm cây mía - Kỳ cuối: Cần "giải cứu" từ gốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, vấn đề “giải cứu” nông sản lặp đi lặp lại trên nhiều cây trồng khác nhau. Đã đến lúc “4 nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp) cùng ngồi lại với nhau để tìm giải pháp cho thực trạng này để người nông dân có thu nhập ổn định, doanh nghiệp “sống khỏe”, cây mía, mì phát triển bền vững và đúng định hướng.
Mía vẫn là cây trồng chủ lực
Dù đã chuyển phần lớn diện tích mía sang trồng điều, mì nhưng ông Trần Văn Tạm (thôn Thắng Lợi 4, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) vẫn dành khoảng 1 ha để trồng mía trong năm nay. Ông Tạm nói: “Dù thời điểm hiện tại người trồng mía gặp nhiều khó khăn, nhưng gia đình tôi vẫn quyết định dành khoảng 1 ha nhằm duy trì mối liên kết với nhà máy cũng như phân tán rủi ro có thể xảy ra do diện tích điều, mì tăng nhanh. Bởi với kinh nghiệm làm nông mấy chục năm nay, tôi quá quen với tình trạng dư thừa nguyên liệu dẫn đến giá giảm, nông dân gặp khó khăn”.
Cần triển khai cánh đồng mía lớn và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất ở tất cả các khâu để tăng năng suất, giảm chi phí. Ảnh: N.S
Cần triển khai cánh đồng mía lớn và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất ở tất cả các khâu để tăng năng suất, giảm chi phí. Ảnh: N.S
Ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) khẳng định: Mía hiện vẫn là cây trồng chủ lực của tỉnh và là một trong số ít loại cây có mối liên kết sản xuất (hợp đồng tiêu thụ) giữa doanh nghiệp với nông dân. Do đó, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân chia sẻ khó khăn với ngành Mía đường bằng cách duy trì, phát triển ổn định diện tích mía theo đúng định hướng. Để cây mía tiếp tục có “chỗ đứng”, các địa phương nên rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu mía; tăng cường thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, phát triển cánh đồng lớn để tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa nhằm giảm chi phí sản xuất. 
Theo Quyết định số 369/QĐ-UBND ngày 30-5-2016 của UBND tỉnh về ban hành kế hoạch hành động thực hiện “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020”, định hướng phát triển vùng nguyên liệu mía của tỉnh đến năm 2020 đạt 40.000-42.000 ha và ổn định đến năm 2030 đạt 44.000-46.000 ha. Vùng nguyên liệu mía tập trung tại địa bàn 10 huyện, thị xã (Kbang, Đak Pơ, Kông Chro, Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa, Chư Prông, Đức Cơ, An Khê, Ayun Pa) nhằm cung cấp nguyên liệu cho 2 nhà máy chế biến đường và 2 nhà máy sản xuất sirô cô đặc với tổng công suất thiết kế là 42.000 tấn/ngày đêm. Trong đó, Nhà máy Đường An Khê với công suất 18.000 tấn mía/ngày đêm; Nhà máy Đường Ayun Pa có công suất 12.000 tấn mía/ngày đêm; Nhà máy sản xuất sirô cô đặc Krông Pa (Tập đoàn Vạn Phát) công suất 6.000 tấn mía/ngày đêm và Nhà máy sản xuất sirô cô đặc Chư Prông với công suất 6.000 tấn mía/ngày đêm.
Tăng cường liên kết giữa “4 nhà”
Trao đổi với P.V, ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-nêu giải pháp: Trước tình hình giá mía xuống thấp như hiện nay, cách tốt nhất là nâng cao năng suất và giảm chi phí sản xuất. Muốn vậy, nông dân cần đưa các giống mới vào sản xuất, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây mía mà nhà máy đã tập huấn nhằm đưa năng suất lên 100-110 tấn/ha thay vì 70 tấn/ha như hiện nay.
Còn ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa thì cho rằng: Huyện xác định cây mía vẫn là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Do đó, thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vận động người dân tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất. Cụ thể, vận động người dân đưa các giống mới, giống đạt tiêu chuẩn vào trồng nhằm hạn chế dịch bệnh trắng lá mía đang xảy ra trên địa bàn; vận động người dân dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn, đưa cơ giới vào sản xuất trong tất cả các khâu từ trồng, chăm sóc và thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng mía, giảm giá thành, tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, để duy trì và phát triển bền vững vùng nguyên liệu, ngoài các chính sách hỗ trợ sản xuất, doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu mức giá thu mua phù hợp, đảm bảo người trồng mía có lợi nhuận.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh, thôn 6 (xã An Trung, huyện Kông Chro) chuẩn bị hom mì để trồng cho vụ năm nay. Ảnh: Ngọc Sang
Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh, thôn 6 (xã An Trung, huyện Kông Chro) chuẩn bị hom mì để trồng cho vụ năm nay. Ảnh: Ngọc Sang
Trong khi đó, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Ngọc Uyển nêu giải pháp: trên cơ sở định hướng của tỉnh, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các khâu trong chuỗi giá trị. Chuyển đổi các hộ sản xuất nhỏ lẻ sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, tăng cường giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ việc kết nối và phát triển liên kết dọc, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác để bảo đảm đầu ra ổn định và nguồn nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng cao thông qua các hợp đồng mua bán, hợp đồng chế biến, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm cụ thể của từng bên tham gia. Vận động người trồng mía chuyển toàn bộ diện tích mía ở độ dốc cao, diện tích mía cho năng suất thấp (dưới 60 tấn/ha) sang trồng cỏ kết hợp chăn nuôi hoặc trồng cây trồng khác thích hợp hơn như: điều, mắc ca, cây ăn quả… Đồng thời, các địa phương cần chủ động làm việc với Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) để xác định diện tích mía chuyển sang trồng các loại rau, củ, quả… và có hợp đồng đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm để thu hút người dân tham gia.
Các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh cần tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị; chú trọng củng cố quan hệ sản xuất, tạo mối liên kết bền vững giữa người trồng mía với nhà máy. Tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng đồng bộ tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong hội nhập và đảm bảo giá trị gia tăng cho người trồng mía. Xây dựng phương án thu mua và tổ chức thu mua kịp thời, đúng thời điểm mía chín; công khai, minh bạch trong thực hiện cũng như xác định đúng chữ đường và tạp chất; thực hiện đúng, đầy đủ các điều khoản đã ký kết với nông dân. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, tổ chức tập huấn cho nông dân vùng nguyên liệu của nhà máy về quy trình kỹ thuật thâm canh cây mía bền vững. Các nhà máy cũng cần có kế hoạch phối hợp với chính quyền cấp xã quản lý, khai thác, phát triển vùng nguyên liệu phân bổ cho nhà máy có hiệu quả, phù hợp với công suất hoạt động của nhà máy trong từng giai đoạn.
 
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, “nút thắt” mà doanh nghiệp mía đường khó có thể tự giải quyết là thiếu cơ chế hỗ trợ. Hiện tại, nông dân Thái Lan được hỗ trợ giống cây trồng miễn phí, ước tính giá trị khoảng 10-15 triệu đồng/ha do Quỹ Phát triển mía đường chi trả. Đây là lý do khiến doanh nghiệp mía đường Thái Lan đang mua mía nguyên liệu với giá 600 ngàn đồng/tấn, thấp hơn 240-400 ngàn đồng/tấn so với Việt Nam. Thêm vào đó, doanh nghiệp còn được hỗ trợ lãi suất vay 1-2%/năm để phát triển. Trong hoàn cảnh chịu thiệt thòi, ngành mía đường Việt Nam (bao gồm doanh nghiệp và nông dân) đang phải “tự bơi” trong cuộc đua hội nhập. Bên cạnh đó, đường nhập lậu không phải đóng các loại thuế như doanh nghiệp mía đường trong nước (hiện nay là 5%). Chỉ riêng thuế nhập khẩu và VAT, đường lậu đã rẻ hơn đường trong nước ít nhất 1.000 đồng/kg. Điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước thất thu thuế ít nhất là 500 tỷ đồng/năm (lượng đường nhập lậu ước tính 400-500 ngàn tấn/năm) và do phải cạnh tranh với đường lậu, các doanh nghiệp mía đường trong nước không thể mua giá mía cao cho nông dân, khiến nông dân mất đi 1.500 tỷ đồng/năm.
(Nguồn: TTXVN)
 QUANG TẤN-NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm