Phóng sự - Ký sự

Thăng trầm mùa nước nổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mùa nước nổi (mùa lũ Đồng bằng sông Cửu Long) năm nay đến muộn, nước lên nhanh hơn. Bà con đầu nguồn sông Hậu, sông Tiền hối hả mưu sinh theo con nước.

 Cá linh - đặc sản mùa nước nổi miền Tây Ảnh: C.K
Cá linh - đặc sản mùa nước nổi miền Tây Ảnh: C.K



Vẫn còn đó những sản vật trời ban, nhưng cũng đã cho thấy dấu hiệu của sự suy giảm, sự đổi thay, sự bất thường của thiên nhiên…

Sản vật mùa nước nổi

Những ngày tháng 9, chúng tôi lên đầu nguồn sông Hậu, sông Tiền thuộc các huyện An Phú (tỉnh An Giang) và Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), giáp biên giới với nước bạn Campuchia, là những địa bàn “rốn lũ” mùa nước nổi ở miền Tây. Những cánh đồng nơi đây đã mênh mông nước. Nước từ sông Mekong mang theo phù sa, nguồn lợi thủy sản. Người dân thay vì nuôi trồng sản xuất những tháng trước nay chuyển sang đánh bắt tôm cá.

Giữa cánh đồng ngập nước ở xã Phú Hữu (huyện An Phú, tỉnh An Giang), một người đàn ông trạc lục tuần đang trầm mình dưới nước thả đăng (một dụng cụ bắt cá của người dân miền Tây) vẫn vui vẻ trả lời chúng tôi. Hàng năm, khi mùa nước lên, ông chèo ghe ra đồng, mang theo dụng cụ bắt cá, đó cũng là "nghề" mang lại nguồn thu nhập chính, cải thiện đời sống của bà con nơi đây những ngày nước trắng đồng. Có điều, theo ông, hiện mỗi ngày kiếm được khoảng năm đến bảy ký cá các loại, so với trước đây đã giảm nhiều. Ông nói: “Không nhiều như trước đâu chú ơi, càng ngày càng ít cá rồi, nhưng làm gì giờ, ráng kiếm sống qua ngày thôi”.

Để mục sở thị khung cảnh nhộn nhịp mua bán sản vật mùa nước nổi, chúng tôi tìm đến khu vực chợ thuộc xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Trên bến dưới thuyền, người khuân kẻ vác, phân loại, đóng gói. Không khí không quá sôi động nhưng cũng đủ để nhận ra sự hối hả mưu sinh của người dân miền biên giới mùa nước lên. Sản vật thì phong phú, từ các loại cá, tôm, cua, cho đến rắn, chuột… Trong đó, đầu tiên và được chú ý nhất phải kể đến luôn là cá linh, loài cá chỉ có vào mùa này ở miền Tây, theo con nước từ sông Mekong đổ về.


 

 




Đang hoạt tay với công đoạn tiếp nhận cá từ ghe vào, bà Thu Sương - một chủ vựa thu mua cá linh nhiều năm tại đây cho hay, năm nay lũ về muộn hơn mọi năm, sản lượng cá linh cũng ít hơn đáng kể. Theo bà, mỗi ngày hiện thu mua khoảng 500 đến 700 ký cá, so với những năm trước thì giảm gần phân nửa. Nhưng bù lại, cá ít nên giá bán cao hơn. Mấy năm trước mỗi ký cá linh có giá 50 đến 60 ngàn đồng, còn năm nay 80 ngàn đồng, cá đã làm sẵn thì từ 110 ngàn đồng trở lên. Vựa cá linh này cũng tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động thời vụ mùa nước nổi. Theo chị Thảo (người nhặt cá mướn), mỗi ngày chị nhặt khoảng hơn 10 ký cá, mỗi ký chị được trả công 25 ngàn đồng. Thu nhập này không phải là nhỏ đối với bà con nơi đây.

Băn khoăn sinh kế dài lâu

Xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, nơi đầu nguồn sông Tiền là địa bàn có diện tích nông nghiệp được cho xả lũ hoàn toàn vào mùa này. Sở dĩ có điều này là vì hiện nay hầu hết các địa phương ở miền Tây đều có hệ thống đê bao ngăn lũ, phần diện tích nào sản xuất 3 vụ, cây ăn trái thì không cho xả lũ vào vì để sản xuất, còn lại diện tích trồng 2 vụ thì vụ này không sản xuất, để nước tràn đồng. Tuy nhiên, không như mọi năm, mùa lũ năm nay đã hơi bất thường.

Theo ghe của anh Trương Văn Hùng (ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A) ra thăm dớn (dụng cụ bắt cá) giữa cánh đồng ngập lũ. Anh cho biết, dù đặt không nhiều dớn nhưng năm nay cá tôm cũng không còn nhiều như trước, mỗi ngày với ba bốn cái dớn, anh kiếm được vài trăm ngàn đồng. “Nhà cũng neo người nên không dám làm nhiều, vậy sống qua ngày thôi” - anh chia sẻ. Cũng mấy chục năm nay "hành nghề" mùa nước nổi nơi đây, ông Đặng Văn Đoàn kể rằng: Thông thường, khoảng tháng Sáu, tháng Bảy là nước bắt đầu về và dâng lên chậm dần cho đến tháng Mười, thậm chí tháng Mười Một mới rút hết. Tôm cá cũng có thời gian sinh trưởng nên số lượng nhiều, khi nước rút thì vẫn còn tôm cá ở lại trong đồng.


 

Mưu sinh trên cánh đồng ngập lũ Ảnh: C.K
Mưu sinh trên cánh đồng ngập lũ Ảnh: C.K



Nhưng năm nay, nước về muộn, lại lên nhanh, cá tôm cũng giảm đáng kể. Hiện mỗi ngày gia đình ông Đoàn đánh bắt được khoảng 30 đến 40 ký cá (chủ yếu là cá linh), sau khi lựa được khoảng 4 đến 5 ký cá loại một (cá oxy) bán với giá 60 ngàn đồng/kg, số cá còn lại (cá dùng ủ mắm hay để làm thức ăn cho cá nuôi khác, người dân thường gọi cá mòi) được bán với giá 6 ngàn đồng/kg. Tính ra mỗi ngày ông Đoàn thu nhập khoảng bốn đến năm trăm ngàn đồng, nhưng ông nói rằng so với trước đây thì "không ăn thua" vì trước đây mỗi ngày ông thu nhập bảy đến tám trăm, thậm chí có ngày cả triệu đồng.    

Tuy vậy, theo tính toán của ông Đoàn, với 25 công (1.000m2/công) ruộng sản xuất lúa 2 vụ (mỗi vụ hơn 3 tháng), vụ nào được giá thì lãi khoảng 1 triệu đồng/công, tương đương 25 triệu đồng/vụ, so với thu nhập từ đánh bắt tôm cá mùa nước nổi như trên thì trồng lúa vẫn còn thua xa. Hơn nữa, để "hành nghề" mùa lũ thì không cần đầu tư gì nhiều, chỉ cần chút kinh nghiệm và bỏ công ngày hai ba giờ đồng hồ là có thu nhập. Chỉ có điều, nguồn lợi thủy sản ngày càng ít, số lượng người dân làm nghề này cũng theo đó giảm dần, họ chuyển sang nghề khác hoặc đi mưu sinh xứ người, tương lai rồi có còn tôm cá, sinh kế ra sao?

  

Mùa nước nổi là một “đặc sản” của miền Tây từ bao đời nay. Thời gian này, nước từ sông Mekong đổ về tràn khắp, thau chua rửa phèn, vệ sinh đồng ruộng, bồi đắp phù sa, đem lại tôm cá, là những sản vật trời ban cho. Biến đổi khí hậu, sự bất thường của thiên nhiên, nguồn lợi ngày càng cạn kiệt, các địa phương đang dần tìm cách thích ứng.

Cảnh Kỳ - Nhật Huy (TPO)

Có thể bạn quan tâm