Thành-bại trong công tác phòng-chống tham nhũng là ở người đứng đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 24-12-2014, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng ký Quyết định số 768/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng-chống tham nhũng (PCTN) năm 2015 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Quyết định này một lần nữa khẳng định tiếp tục thực hiện Luật PCTN; Nghị quyết của Chính phủ về Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020.

Đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết 10 (khóa XI) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí và một số văn bản liên quan khác của Trung ương và của tỉnh về lĩnh vực này.

 Hội nghị sơ kết công tác phòng-chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2014. Ảnh: Nguyễn Dung
Hội nghị sơ kết công tác phòng-chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2014.
Ảnh: Nguyễn Dung

Theo kế hoạch nói trên, mục đích, yêu cầu phải đạt được của việc PCTN năm 2015 là, tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo, điều hành công tác PCTN theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời tạo chuyển biến cả về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong công tác PCTN; góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển; đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Xử lý nghiêm, kịp thời và công khai các đối tượng tham nhũng, qua đó củng cố lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực và trình độ chuyên môn cao; xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu được giao. Kế hoạch nêu trên cũng nhằm định hướng các nội dung, lĩnh vực, nhiệm vụ chủ yếu về công tác PCTN để các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức triển khai các giải pháp, nhiệm vụ PCTN có hiệu quả.

Các địa phương, đơn vị cần thực hiện đồng bộ các giải pháp PCTN, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng; coi trọng phòng ngừa đi đôi với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, phân công nhiệm vụ cụ thể, xác định nội dung, lĩnh vực trọng điểm dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng để có cách phòng-chống có hiệu quả.

Đặc biệt là công tác PCTN phải gắn liền với lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo ổn định chính trị, đồng thời với việc đẩy mạnh thực hiện các quy định của Đảng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Muốn thực hiện có hiệu quả những nội dung, mục đích, yêu cầu nói trên, công tác tuyên truyền được coi là rất quan trọng. Trước hết là việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác PCTN... Nhiệm vụ này các cấp ủy, chính quyền và Mặt trận, đoàn thể cần đưa vào chỉ tiêu, kế hoạch công tác thường xuyên, liên tục. Việc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông cũng như trong các cuộc họp, sinh hoạt của các tổ chức là nhằm làm cho mọi cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân quán triệt về mặt nhận thức, tham gia tích cực vào nhiệm vụ PCTN, hiểu biết đầy đủ về quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN.

Đi đôi với công tác tuyên truyền, giáo dục, cần thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, đó là: công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đồng thời với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ là những giải pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng có hiệu quả, nhất là trong các mặt công tác như quy hoạch, hoạch định chính sách, xây dựng, thực hiện pháp luật, ban hành văn bản hành chính cá biệt...Tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, là: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch cán bộ; các chính sách về an sinh xã hội, chính sách ưu đãi, chính sách thu hồi đất, các chính sách về phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Lĩnh vực hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo... cũng là những “nơi nhạy cảm” trong việc PCTN cần phải được công khai, minh bạch.

Để thực hiện tốt việc công khai, minh bạch như nói trên, các cơ quan chức năng và lãnh đạo các cấp cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát và chỉ đạo, uốn nắn kịp thời các sai phạm, xử lý nghiêm các vi phạm đối với việc công khai minh bạch và thực hiện quy chế dân chủ đối với cấp dưới. Ngoài ra, các cơ quan liên quan đến tài chính, ngân sách thì cần phải xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn về kinh phí, các chế độ, chính sách có liên quan đến tài chính công.

Vấn đề cuối cùng và quyết định đến việc thành-bại trong công tác PCTN là ở nơi người đứng đầu của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương. Người đứng đầu phải là người gương mẫu trong mọi việc có liên quan đến công tác PCTN, nghiêm khắc với chính bản thân mình.

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm