(GLO)- Đến Phú Yên, nghe các bạn giới thiệu Thành Hồ, khá nhiều người ngạc nhiên, tự hỏi: “Sao lại có Thành Hồ ở đây?”. Nếu không trực tiếp đến tham quan, không được giải thích tỉ mỉ mọi người dễ bị nhầm lẫn di tích Thành Nhà Hồ ở Thanh Hóa, kinh đô của nước Đại Ngu dưới thời Hồ Quý Ly và di tích Thành Hồ là tòa thành Chăm cổ thuộc Vương quốc Chiêm Thành ở Phú Yên.
Ảnh: Bùi Quang Vinh |
Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn (dưới thời vua Tự Đức), có gọi Thành Hồ là Thành cổ An Nghiệp và ghi rằng: “Thành nằm phía Bắc sông Đà Diễn, thuộc xã An Nghiệp, huyện Tuy Hòa, chu vi 1.400 trượng; tương truyền do người Chiêm Thành xây, tục gọi Thành Hồ. Năm Mậu Dần (1578) đời Thái Tôn bản triều, Quận công Lương Văn Chánh đánh lấy được thành này. Nay vẫn còn nền cũ”.
Chúng tôi đi ngược từ cửa Đà Diễn qua phía Bắc sông Ba theo quốc lộ 25 lên phía Tây khoảng 15 km thì gặp di tích Thành Hồ, nằm trên địa bàn xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa (Phú Yên) ngày nay. Đây là hướng đi về phía miền núi, cách huyện Sơn Hòa không xa và tiến về vùng Tây Nguyên rộng lớn. Thành được xây dựng phía Bắc sông Ba, lấy dòng sông che chắn mặt Nam. Có lẽ thời kỳ lịch sử này Vương quốc Chăm Pa luôn bị đe dọa bởi một vương quốc hùng mạnh phía Nam có tên là Phù Nam nên Thành Hồ được xây bên Bắc sông, lợi dụng thế sông Ba rộng lớn làm hào lũy để ngăn chặn quân địch tiến công.
Khi nghiên cứu về tòa thành này, Tiến sĩ Ngô Văn Doanh-Nhà khảo cổ, Nhà nghiên cứu văn hóa, có nhận định: Vị trí Thành Hồ không chỉ nằm chắn ngang con đường từ biển và đồng bằng lên Tây Nguyên mà còn nằm ngay ở cửa ngõ chuyển tiếp từ vùng đồng bằng phù sa mới lên vùng đồng bằng phù sa cũ. Ngày xưa, Thành Hồ gần như mở thông ra biển, có thể thông qua một đầm hay phá nào đấy mà bây giờ đã bị lấp đi. Nhiều dấu tích chứng tỏ trước đây phần lớn vùng trũng Tuy Hòa rộng lớn hiện nay là vùng đồng bằng hình thành từ lớp phù sa mới. Thời Chăm Pa, các di tích văn hóa còn lại chủ yếu tập trung ở miền cao, vùng chân núi mà không ít những hiện vật quan trọng và có ý nghĩa đã được phát hiện ở xung quanh Thành Hồ và trong vùng đất đỏ bao la phía Tây Thành Hồ, đó là huyện miền núi Sơn Hòa. Đây là điểm cuối Đông Nam của vùng thung lũng Cheo Reo rộng lớn của người Jrai, hiện nay vẫn còn hậu duệ của Vua Lửa, Vua Nước (thuộc Nam Bàn xưa). Như vậy, xét dưới góc độ địa văn hóa, có thể đủ cơ sở để khẳng định, Thành Hồ là một tòa thành có vị trí chiến lược như cửa ngõ duy nhất mở vào vùng văn hóa Chăm Pa trên Tây Nguyên (có thể là châu Thượng Nguyên). Chính chức năng có ý nghĩa chiến lược này đã khiến Thành Hồ có một vị trí cũng như cấu trúc rất khác tòa thành Chăm Pa truyền thống. Thành Hồ nằm về phía Bắc sông Ba và giáp núi ở phía Tây để sông và núi củng cố thêm cho hai mặt thành phía Tây và phía Nam, chứ không nằm giữa đồng bằng và lấy sông che chở phía Bắc như thường thấy. Vì phía Tây mới là hậu phương, là nơi cần bảo vệ nên phần thành nội của Thành Hồ nằm về phía Tây thành.
Mặt khác, những con đường xuyên sơn lên Tây Nguyên trước đây của người Chăm chủ yếu là bằng đường sông. Nhiều thành Chăm được xây dựng gần sông: Thành Trà Kiệu (sông Thu Bồn), Thành Châu Sa (sông Trà Khúc), Thành Đồ Bàn (sông Côn). Tuy nhiên, đối với những sông này ngắn, chảy theo hướng Tây-Đông nên việc hình thành con đường thủy lên Tây Nguyên là rất khó khăn. Trong khi đó, sông Ba, phát nguyên từ vùng núi Kon Tum, chảy theo hướng Bắc-Nam đến vùng Ayun Pa thì đổ về chính Đông gặp cửa Đà Diễn. Đây là con sông lớn nhất miền Trung, ít thác ghềnh, có bình độ dòng chảy thuận lợi để thuyền bè đi lại nên đó là con đường nối giữa vùng đồng bằng ven biển với vùng cao nguyên rộng lớn, là trục giao thông đường thủy quan trọng trong lịch sử của người Chăm Pa giao thương với các bộ tộc ở Tây Nguyên. Những tháp Chăm và những di vật văn hóa Chăm Pa phát hiện trên Tây Nguyên, dọc theo triền sông Ba hay các nhánh sông khác, như tháp Bang Keng (phát hiện năm 2006) ở buôn Ju, Krông Năng, huyện Krông Pa (Gia Lai) gần sông Krông Năng; tháp Yang Mum, Drang Lai ở Ayun Pa (Gia Lai) gần sông Ayun (người Pháp phát hiện đầu thế kỷ XX; tháp Yong Prong ở huyện Ea Sup-Đak Lak, bên sông Ea H’Leo (phát hiện đầu thế kỷ XX) và nhiều di vật văn hóa khác của Chăm Pa hiện còn lưu giữ trong Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Bảo tàng An Khê… là những minh chứng cho một thời kỳ người Chăm có mặt ở Tây Nguyên qua con đường sông Ba lên thượng nguồn suốt trong nhiều thế kỷ, khi mà Thành Hồ còn là cửa ngõ qua lại giữa miền xuôi và miền ngược.
Theo lý lịch Di tích Thành Hồ của Bảo tàng Phú Yên còn lưu giữ thì vào đầu thế kỷ XX, Nhà nghiên cứu người Pháp H.Parmentier đã đến khảo sát Thành Hồ đầu tiên và ông mô tả trong sách Thống kê khảo tả các di tích Chăm ở Trung kỳ khá chi tiết và đúng với thực trạng mà di tích Thành Hồ còn lại đến ngày nay. Trong những năm gần đây, Bảo tàng Phú Yên đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học ở Trung ương đã tiến hành khảo sát nhiều đợt tại Thành Hồ. Từ những kết quả qua khảo sát thu được, các nhà khoa học đã khẳng định Thành Hồ là một trong số ít tòa thành của người Chăm Pa còn lại, có dấu vết rõ ràng. Thành có hình chữ nhật, được xây theo chính bốn hướng, dựa theo thế núi, sông, kín và mở với bên ngoài. Phía Nam là sông Ba, phía Tây được che chở bởi một dãy núi với đỉnh cao nhất là núi Mặt Ông, phía Đông và phía Bắc được bao bọc bằng các tường thành.
Về thực trạng di tích hiện nay, khi chúng tôi đến quan sát thực địa và được sự giới thiệu của một đồng nghiệp ở Phú Yên, thì ở bờ thành phía Nam, do nước sông xói mòn hàng năm đã làm sụp lở gần hết, chỉ còn lại một đoạn thành ngắn ở phía Tây. Cũng nằm ở phía Nam của Thành Hồ, quốc lộ 25 (từ Tuy Hòa đi Gia Lai) đã cắt ngang qua thành, ven hai bên đường là những cụm dân cư đông đúc. Kênh Bắc của hệ thống thủy lợi Đồng Cam dẫn nước từ đầu nguồn đến địa điểm đèo Dinh Ông chia thành hai nhánh: một nhánh chạy song song với quốc lộ 25, cắt qua phần phía Nam thành, nhánh còn lại rẽ về hướng Đông Bắc, cắt qua phần phía Tây Thành Hồ. Trên các bờ thành phía Đông và phía Bắc, nhất là điểm cồn Mô-dấu vết tháp canh có nhiều cây bụi mọc rậm rạp, một số nơi trên bờ thành, nhân dân làm nhà ở ngay trên mặt thành. Hầu hết diện tích đất bên trong khu thành, nhân dân địa phương đang trồng lúa, hoa màu.
Chúng tôi rời Thành Hồ trong buổi chiều vừa tắt nắng, xa xa phía Tây thành, đỉnh Hòn Mốc hiện lên như chứng nhân của một thời dĩ vãng đầy biến động. Dòng sông Ba vẫn lững lờ trôi theo năm tháng mang cả bóng dáng của thành quách xưa lẫn vào lớp phù sa cổ để lại cho người đời sau những hoài niệm trên phế tích của một thời đại đầy bi hùng.
Bùi Quang Vinh