Phóng sự - Ký sự

Bảo hiểm nhân thọ: Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”

Thanh lọc thị trường bảo hiểm nhân thọ bằng cách nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dẫu bị xem là “mất bò mới lo làm chuồng”, song nhiều chuyên gia nhận định những sự việc xảy ra trên thị trường bảo hiểm cũng là dịp để chấn chỉnh lại hoạt động trong lĩnh vực này, từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm và đặc biệt là hệ thống ngân hàng thương mại.

Ráo riết vào cuộc

Ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký Hiệp Hội bảo hiểm Việt Nam cho biết khi nhận được thông tin về các sự việc khiếu nại, bất bình của khách hàng liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của bảo hiểm nhân thọ, Hiệp hội đã đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm nhanh chóng kiểm tra, xác minh thông tin do khách hàng phản ánh để kịp thời xử lý, đảm bảo quyền lợi của khách hàng trên cơ sở tuân thủ pháp luật.

Ví dụ như với các thông tin về Ngân hàng SCB phối hợp bán bảo hiểm nhân thọ của Manulife, hiện Công ty Bảo hiểm Manulife đã làm với khách hàng để tìm phương án giải quyết. Còn những khách hàng khác có phản ánh, để có thể chứng minh được điều khách hàng cung cấp, doanh nghiệp cần xác minh từng người nên phải cần thời gian xác minh và trả lại quyền lợi cho khách hàng kéo dài. Những trường hợp nào doanh nghiệp xác định được có bằng chứng về việc tư vấn viên đã tư vấn sai cho khách hàng, doanh nghiệp đã thực hiện hủy hợp đồng và hoàn lại khoản phí đã đóng cho khách hàng, đồng thời các tư vấn viên đó cũng đã phải chịu hình thức xử lý kỷ luật phù hợp.

Thị trường bảo hiểm vẫn còn nhiều bài toán cần giải. Ảnh minh họa
Thị trường bảo hiểm vẫn còn nhiều bài toán cần giải. Ảnh minh họa

Còn về phía cơ quan quản lý, trong động thái mới nhất, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính tiếp tục có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm; đồng thời, nghiêm túc xử lý trách nhiệm của đại lý bảo hiểm trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.

Với trường hợp cụ thể, ngày 10-4, Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm cho biết đã nhận được thông tin về việc bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (diễn viên Ngọc Lan) phản ánh về giao kết hợp đồng bảo hiểm với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MVI. Bộ Tài chính đã có công văn gửi Công ty MVI yêu cầu tăng cường kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp cũng như thực hiện rà soát các thông tin về hợp đồng bảo hiểm giao kết với bà Lan và quá trình tư vấn của đại lý bảo hiểm.

Ngoài ra MVI phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm. Yêu cầu rà soát, hoàn thiện các quy định bảo vệ người tham gia bảo hiểm.

Và mới đây, Bộ Tài chính đã có Thông báo ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Cao Anh Tuấn tại cuộc họp với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Hiệp hội bảo hiểm và một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính liên quan đến vấn đề tư vấn hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong thời gian qua.

Theo đó, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chỉ đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ rà soát lại quy trình bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, có giải pháp xử lý kịp thời các phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng, hạn chế tình trạng nhân viên, đại lý tư vấn thiếu trung thực với khách hàng tham gia bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các quy định và quy trình, thủ tục đảm bảo rõ ràng, minh bạch để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, quản lý chất lượng đại lý trong quá trình tư vấn và ký kết hợp đồng bảo hiểm tại các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

“Ngay sau khi nhận được các thông tin phản ánh từ báo chí và các đơn thư phản ánh, khiếu nại của người dân, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt để chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng. Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng; rà soát tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm đảm bảo thể hiện rõ việc tham gia các sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để thực hiện các hoạt động, dịch vụ tài chính của ngân hàng; thiết lập đường dây nóng, hòm thư điện tử và công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm...”, bà Phạm Thu Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết.

Xốc lại thị trường bảo hiểm

Đánh giá về thị trường bảo hiểm nhân thọ, bà Phạm Thu Phương khẳng định cơ sở thúc đẩy bảo hiểm nhân thọ ra đời chính là nhu cầu thực tế phát sinh trong cuộc sống con người. Khi đã đáp ứng đúng, đáp ứng trúng nguyện vọng của người tham gia thì sự phát triển của bảo hiểm nhân thọ là tất yếu. Như vậy, nếu đã có yếu tố ép buộc thì sẽ đi ngược lại với mục đích ra đời của bảo hiểm nhân thọ, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của bảo hiểm nhân thọ.

“Giao dịch bảo hiểm cũng là giao dịch dân sự, phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng lợi ích các bên. Thời gian qua còn tồn tại hiện tượng một số nhân viên tín dụng gợi ý, chèo kéo khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng, làm mất đi tính tự nguyện tham gia bảo hiểm của khách hàng, khiến cho khách hàng cảm thấy ấm ức không thoải mái. Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm”, bà Phương thông tin.

Theo TS Cấn Văn Lực, hiện nay chúng ta có quy định pháp luật đầy đủ về nhiều lĩnh vực, trong đó thông tư hướng dẫn luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Ông Lực mong Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư, quy định, hướng dẫn, triển khai luật kinh doanh bảo hiểm. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát lại thông tư nội ngạch để làm tốt hơn việc liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Vị chuyên gia này cũng kiến nghị mẫu hợp đồng bảo hiểm cần đơn giản, ngắn gọn. Hiện nay, hợp đồng bảo hiểm dài tới 100 trang, rất ít người dân đọc hết. Trong khi đó, ở nước ngoài, mẫu hợp đồng bảo hiểm rất đơn giản, có những điều khoản chỉ cần đánh dấu tích.

“Sau những vụ vừa qua, chúng ta cần rà soát quy định chuẩn hóa nhân sự liên quan như đại lý bảo hiểm, nhân viên tư vấn. Doanh nghiệp bảo hiểm cần rà soát chính sách, quy trình nội bộ cũng như xem lại rà soát lại mạng lưới đại lý, tư vấn bảo hiểm. Cùng với đó, Chính phủ cần có chương trình quốc gia giáo dục tài chính để nâng cao kiến thức về bảo hiểm của người dân tăng lên. Ngược lại, bản thân các đại lý bảo hiểm cần rà soát lại, “gia cố” lại nhân viên của mình. Ở Trung Quốc có quy định rõ, chúng ta có thể tham khảo như: Tư vấn cần người có kinh nghiệm, sau 2-3 năm kinh nghiệm mới được tư vấn khách hàng, hay bảo hiểm cần có quầy bán riêng… Về phía người dân, cần nắm rõ mục đích mình mua bảo hiểm và đọc kĩ hợp đồng. Tôi nhấn mạnh, bảo hiểm là kênh phòng ngừa rủi ro chứ không phải lĩnh vực đầu tư. Với mục đích đầu tư, người dân nên lựa chọn lĩnh vực khác”, ông Lực nhấn mạnh và cho rằng đây là thời điểm chúng ta cần phải xốc lại về bảo hiểm.

Thông tin thêm, bà Phạm Thu Phương cho biết về phía Bộ Tài chính cũng kịp thời nghiên cứu bổ sung thêm các quy định chặt chẽ hơn về bán bảo hiểm qua ngân hàng nhằm tăng cường hơn nữa tính minh bạch, trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm và đại lý trong cung cấp dịch vụ bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm. Đây cũng là thời điểm để thị trường bảo hiểm điều chỉnh sau một thời gian khá dài tăng trưởng nhanh chóng, phát triển chất lượng và bền vững hơn. Việc xử lý nghiêm các vi phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo hiểm không phải là quan điểm mà là trách nhiệm cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm phải thực hiện nhằm đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương của thị trường và bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm.

Riêng đối với khách hàng, các chuyên gia khuyến nghị, trước khi ký hợp đồng bảo hiểm, người mua nên tìm hiểu kỹ quy tắc và điều khoản, chi phí và cách phân bổ dòng tiền, hiểu rõ bản minh họa quyền lợi hợp đồng bảo hiểm. Đây là các nội dung quan trọng, giúp khách hàng nắm được các thông tin về trách nhiệm và quyền lợi rõ nhất. Ngoài ra, theo LS. Trương Thanh Đức, khách hàng cũng cần phải tiết chế lòng tham, đừng để lãi suất cao câu nhử.

“Theo tôi, việc người dân bị lừa là có, chủ yếu là người mua không thạo, nên bị các tư vấn viên “dỗ ngọt”. Bán bảo hiểm, qua ngân hàng hay qua các kênh nào khác, cũng là một hình thức bán hàng, người bán chỉ cần bán được nhiều sản phẩm nhất có thể, nên họ sẽ nói những điều hay ho, thậm chí che giấu những điều bất lợi về sản phẩm để người mua “xuống tiền”. Phía người mua, họ bùi tai, đã ký, theo giấy trắng mực đen, họ đã ký vào. Thực chất là biết tới 90%, chứ ít khi bị lừa. Theo quy định bảo hiểm, trong vòng 21 ngày, người mua có thể thay đổi quyết định. Việc người gửi tiền cầm một hợp đồng bảo hiểm khác với sổ tiết kiệm rồi bảo không biết là điều khó xảy ra, nên đa số, việc ký hợp đồng theo tôi là tự nguyện”, ông Đức nói và khuyến nghị điều quan trọng, người gửi tiền phải xác định lãi suất tiền gửi luôn có khung rõ ràng, nếu có sản phẩm có lãi suất cao hơn, sẽ đi kèm với những điều kiện khác. Hãy luôn cảnh giác và đặt câu hỏi nghi ngờ khi được tư vấn gửi tiền với lãi suất cao bất thường. Nguyên tắc là chỉ khi mình chắc chắn được thì mới đặt bút ký.

“Trong 2022, Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra chuyên đề về bán bảo hiểm qua ngân hàng. Đến nay, quá trình thanh tra đã cơ bản hoàn tất, và sẽ sớm hoàn thiện để công bố những sai phạm để có phương án xử lý phù hợp. Bộ Tài chính đã lập đường dây nóng phản ánh về tình trạng bị nhân viên một số ngân hàng chào mời, ép mua bảo hiểm khi đi gửi tiền vay vốn. Sau 1 tháng, đường dây này tiếp nhận 178 cuộc điện thoại, 218 email phản ánh. Cục đã phân loại, xác minh rồi chuyển đến cơ quan liên quan để xử lý theo quy định”, ông Doãn Thanh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)

Có thể bạn quan tâm