Thanh niên nông thôn: Khởi nghiệp không dễ!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Start-up (khởi nghiệp) chưa bao giờ là dễ dàng và với thanh niên nông thôn, hành trình start-up cũng luôn đặt ra cho mỗi bạn trẻ không ít thử thách và trắc trở…

Trăm ngàn khó

Huyện Đoàn Đak Pơ hiện quản lý gần 13.000 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), chiếm tỷ lệ 30,96% dân số toàn huyện; trong đó thanh niên dân tộc thiểu số chiếm 28,37% với 3.684 người. Gần đây, khởi nghiệp là lĩnh vực được Huyện Đoàn Đak Pơ đặc biệt quan tâm với mục tiêu khơi gợi tinh thần dấn thân, tìm con đường mới, cách làm mới trong hành trình lập thân, lập nghiệp cho thanh niên huyện nhà; xa hơn đây chính là động lực tạo nên sự phát triển cho tương lai của địa phương. “Các bạn tuổi còn trẻ, kinh nghiệm làm ăn phát triển kinh tế còn ít, vốn chưa có, áp lực kinh tế do nhu cầu cuộc sống gia đình trẻ lại đè nặng lên vai nên hành trình khởi nghiệp không dễ”-anh Trần Vi Tình-Phó Bí thư Huyện Đoàn Đak Pơ nhận định.

 

Trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây bắp lai. Ảnh: Đức Thụy
Trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây bắp lai. Ảnh: Đức Thụy

Khởi nghiệp không phải là cuộc chơi dành cho số đông, bởi “cuộc chơi” này đòi hỏi mỗi bạn trẻ phải hội tụ nhiều tố chất, bản lĩnh. “Thanh niên nông thôn khởi nghiệp hầu hết dựa vào phát triển kinh tế nông nghiệp. Có bạn may mắn có nền tảng gia đình hỗ trợ ban đầu như đất đai hay thậm chí một số vốn nào đó-tuy nhiên, số đó không nhiều. Với những bạn chưa có đất đai hay tài sản có giá trị khác thì sẽ khó tiếp cận nguồn vốn. Hơn nữa, thanh niên nông thôn phần đa chỉ quen sản xuất theo các phương pháp truyền thống, ít người được đào tạo bài bản qua trường lớp để có thể áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Đây là những cái khó căn bản nhất mà hầu hết thanh niên Đak Pơ gặp phải trong hành trình khởi nghiệp”-anh Tình phân tích. Đáng chú ý, Huyện Đoàn Đak Pơ hiện đang quản lý 14 tổ vay vốn và tiết kiệm trong ĐVTN; riêng nguồn vốn cho thanh niên vay do Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đak Pơ thực hiện mới chỉ ở mức 771 hộ với tổng dư nợ đạt trên 15 tỷ đồng. Dù con số này đã tăng 10,6 tỷ đồng so với năm 2012, nhưng mức giải ngân này vẫn còn rất thấp. “Trong khi đó, Trung ương Đoàn có triển khai nguồn vốn 120 nhưng hiện nay chưa có trường hợp ĐVTN nào tiếp cận được bởi trình tự thủ tục rất phức tạp”-anh Tình cho biết thêm.
 

Dám khởi nghiệp tức là bạn trẻ dám đặt mình lên một con đường mới, dám chấp nhận thử thách. Khi đã quyết tâm, tất yếu các bạn sẽ tìm được cho mình những lời giải cho bài toán khó đó và thành công sẽ đến với những ai thực sự đam mê.

Chị Nguyễn Thị Thu Nhi-Bí thư Huyện Đoàn Kbang

Đây cũng là thực trạng ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. “Nhiều bạn trẻ có đam mê và ý chí vươn lên, dám dân thân tìm con đường mới và chúng tôi rất ủng hộ điều này. Tuy nhiên, thanh niên người dân tộc thiểu số vẫn còn rất nhiều người có tâm lý an phận. Đây cũng là một thực tế khó”-chị Nguyễn Thị Thu Nhi, Bí thư Huyện Đoàn Kbang cho hay. Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn, trình độ và kinh nghiệm sản xuất, theo chị Nhi, cái khó nữa chính là các bạn trẻ nông thôn thiếu mô hình phát triển kinh tế cụ thể để có thể mạo hiểm khởi nghiệp…

Làm gì để vượt khó thành công?

Thực tế, trên địa bàn huyện Kbang đã có nhiều bạn trẻ chọn con đường khởi nghiệp bằng những mô hình mới rất sáng tạo, không đòi hỏi quá nhiều vốn bởi dựa trên điều kiện sẵn có của địa phương. “Các bạn trẻ ở khu vực thị trấn có thể vay mượn gia đình hoặc bạn nào có công việc ổn định có thể dùng bảng lương vay tín chấp để khởi nghiệp từ kinh doanh nhỏ. Đối với các vùng nông thôn, có bạn trẻ như Nguyễn Văn Hòa (thôn 1, xã Đak Hlơ) lựa chọn mô hình nuôi trùn quế để tạo ra nguồn phân bón hữu cơ cung cấp cho thị trường. Đây là mô hình rất mới lạ, không áp lực vốn nhiều nhưng tạo được giá trị tương đối lớn, lại thân thiện với môi trường. Hay mô hình trang trại chăn nuôi heo lấy thịt với quy mô lớn, nuôi thỏ lấy thịt hay nuôi vịt đẻ trứng… Các bạn hầu hết là thế hệ 9X nhưng rất có đầu óc, biết tính toán, chịu khó học hỏi, lăn lộn với thực tế”-Bí thư Huyện Đoàn Kbang chia sẻ thêm.

Đứng trước các khó khăn đặt ra, với vai trò là đầu tàu, các Huyện Đoàn đều đưa ra nhiều giải pháp nhằm hướng đến hỗ trợ ngày càng tích cực hơn cho ĐVTN. “Để giải quyết phần nào những khó khăn và hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp, thời gian tới, Huyện Đoàn sẽ làm việc với các ngân hàng trên địa bàn để có thể tìm chính sách hỗ trợ về vốn tốt hơn. Ngoài ra, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật nông nghiệp cho ĐVTN trên địa bàn. Đặc biệt, với thanh niên người dân tộc thiểu số, chúng tôi tuyên truyền các bạn không nên cho người khác thuê đất canh tác mà phải tận dụng nguồn đất đai đó để đầu tư canh tác, tạo giá trị kinh tế cao hơn…”-anh Trần Vi Tình-Phó Bí thư Huyện Đoàn Đak Pơ cho biết.

Trong khi đó, nắm bắt cái khó của nhiều bạn trẻ do bởi thiếu các mô hình cụ thể nên tới đây, Huyện Đoàn Kbang sẽ tìm kiếm một số mô hình khởi nghiệp hay và tổ chức cho ĐVTN tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó sẽ phối hợp để mở lớp tập huấn, đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, tạo điều kiện để vay vốn phát triển sản xuất… Chỉ tính riêng năm 2015, Huyện Đoàn Kbang đã hỗ trợ cho ĐVTN trên địa bàn vay vốn ủy thác với tổng số tiền được giải ngân là 15 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ cho vay ĐVTN lên 35 tỷ đồng ở 7 xã.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm