Chợ đêm Pleiku (Gia Lai) là nơi bán buôn hàng hóa nông sản như rau, củ, quả cho các huyện, thị xã trong tỉnh, dần dần thành nơi bán buôn sầm uất như một chợ đầu mối của thành phố. Lượng hàng hóa được giao dịch ở đây rất lớn nên nó phát huy vai trò tích cực là đầu mối góp phần giải quyết thị trường tiêu thụ, giao lưu hàng hóa nông sản khu vực thành phố với các huyện, thị xã trong tỉnh. Tuy nhiên, để chợ đêm Pleiku trở thành một chợ đầu mối đúng tiêu chuẩn, phù hợp với cảnh quan đô thị, chúng ta cần xem xét những tồn tại của nó hiện nay.
Ảnh: Nguyễn Giác |
Ở đây, không có các ki-ốt bán hàng, không có sạp hàng, phạm vi bán hàng của mỗi người bán không được sắp xếp theo một trật tự cố định, quy củ. Do đó người bán bạ đâu đặt, đổ, cất, xếp hàng đó, trông rất nhếch nhác, lộn xộn. Vì tính chất là chợ đầu mối nên số lượng phương tiện di chuyển hàng hóa ở đây rất lớn. Trong lúc đó chỉ có hai lối vào ra duy nhất là đoạn đầu đường Lê Lai và đoạn ngã tư Hoàng Văn Thụ- Nguyễn Thiện Thuật. Đoạn đường này thường bị tắc vào mỗi buổi sáng do đủ các loại xe chen chúc chở hàng vào ra chợ bị kẹt. Bên cạnh đó nhiều loại hàng hóa bày bán giữa đường gây mất mỹ quan và trật tự an toàn giao thông.
Thứ hai là vấn đề vệ sinh, rác thải, nước thải. Theo dõi chúng tôi thấy có vài ki-ốt vệ sinh di động đặt góc chợ, cạnh tường rào của Công an thành phố nhưng bị lấp bởi các núi hàng hóa, ít người sử dụng. Nay thì không thấy chúng đâu nữa. Vì vậy người ta thường ra bậy bạ trên khuôn viên bến xe buýt bên cạnh hoặc chỗ nào đó, vì ban đêm không ai thấy. Không có chỗ tập kết rác thải và nước thải nên các chủ hàng thường xả rác và đổ nước ngay tại chỗ lẫn với hàng hóa, cứ gọi là ngồi xổm trên rác mà buôn bán, trao đổi, trông rất mất vệ sinh. Mỗi sáng, công nhân của Công ty Công trình Đô thị phải dọn dẹp cật lực hàng núi rác từ đêm hôm trước. Trong lúc đó, hàng hóa ở đây chủ yếu là thực phẩm tươi sống, ai dám bảo hàng hóa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm?
Với đà phát triển kinh tế của thành phố nói riêng và tỉnh nhà nói chung, Pleiku rất cần có một chợ đầu mối đúng tiêu chuẩn, có đủ chỗ bán hàng, kho lưu, bãi đậu xe, hệ thống cấp thoát nước, khu tập kết và xử lý rác thải, dịch vụ sơ chế, đóng gói bao bì, ban điều hành... Thiết nghĩ, những người có trách nhiệm và các cơ quan chức năng nên quy hoạch và xây dựng một chợ đầu mối bài bản cho thành phố. Cái lợi đầu tiên của chợ đầu mối là có nơi tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả của bà con nông dân quanh thành phố, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. Thứ hai, có chợ đầu mối, hàng hóa sẽ phong phú đa dạng hơn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân trong tỉnh, góp phần bình ổn giá cả. Thứ nữa, xây dựng được chợ đầu mối đúng tiêu chuẩn và có cách quản lý tốt sẽ bảo đảm được trật tự, mỹ quan đô thị, trả lại không gian lưu thông cho mặt đường Nguyễn Thiện Thuật và một phần đường Hoàng Văn Thụ và nhất là bảo đảm vệ sinh môi trường trong cũng như các khu vực lân cận chợ. Đặc biệt, có chợ đầu mối, chúng ta có thể xác định được nguồn gốc hàng hóa nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nguyễn Tiến Dũng