Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Thảo luận tổ về tình hình phát triển KT-XH và quyết toán ngân sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện chương trình làm việc của kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 22-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Tham gia thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội Đoàn Gia Lai đánh giá cao việc Chính phủ chuẩn bị nội dung báo báo đầy dủ, có 6/12 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tuy nhiên, cần góp ý để Chính phủ đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong cả năm 2019.
Đại biểu Quốc hội Hồ Văn Niên. Ảnh: Vũ Định
Đại biểu Quốc hội Hồ Văn Niên (Đoàn Gia Lai) đánh giá tổng quát kết quả kinh tế-xã hội của đất nước đạt được trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội đó là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giá nông sản xuống thấp; tình hình an ninh trật tự, tín dụng đen tồn tại phát triển sâu đến thôn, buôn, người dân phải thuê đất trên diện tích đất của mình; tai nạn giao thông có phần trẻ hóa về lứa tuổi, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do dùng chất kích thích; công tác trồng, bảo vệ rừng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Chính sách đầu tư, nhiều kiến nghị của địa phương để phát triển kinh tế-xã hội nhưng chưa được thực hiện, như Quốc lộ 19 đã có chương trình, có vốn minh bạch tuy nhiên hiện nay chưa bố trí đầu tư. Đại biểu Quốc hội Hồ Văn Niên đề nghị: Chính phủ cần phải có giải pháp để đảm bảo giá nông sản, biện pháp giảm tác hại của biến đổi khí hậu; xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng đen; cần có chủ trương thích hợp trong giao khoán, trồng và bảo vệ rừng theo mô hình phù hợp để nâng cao hiệu quả trong việc giao khoán, trồng, bảo vệ rừng. Chính phủ cần có nghị quyết về sử dụng bia, rượu, chất kích thích khi tham gia giao thông, như trong thời gian tới sửa đổi Luật cán bộ, công chức; Luật Viên chức cần quy định cấm cán bộ, công chức, viên chức sử dụng chất kích thích khi tham gia giao thông. Trong thực hiện chính sách đầu tư, các bộ, ngành cần quan tâm hơn đến kiến nghị của địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội.
Ảnh: Vũ Định
Đại biểu Dương Quốc Anh (Đoàn Gia Lai) cho rằng thách thức năm 2018 có 6 điểm cần làm rõ: Độ mở của nền kinh tế lớn, kim ngạch xuất khẩu cao, tuy nhiên diễn biến kinh tế khó lường, kinh tế mở nhưng chính sách bảo hộ cao. Nền kinh tế của chúng ta chưa bền vững, việc thu, chi nhân sách gặp nhiều vấn đề như việc dựa vào đấu thầu, khoán nhiều, chi cho đầu tư thấp; mất cân đối giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Nợ công trên GDP giảm nhưng nợ Quốc gia đang tăng, phần nợ của doanh nghiệp lớn; nền kinh tế dựa vào FDI, kinh tế phụ thuộc vào các doanh nghiệp nhà nước lớn (doanh nghiệp nước ngoài); thủ tục hành chính còn khó khăn; chi phí doanh nghiệp còn cao; giải quyết nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn do sự phối kết hợp giữa các ngành còn yếu; giải ngân chậm, một phần vướng pháp luật (Luật Đầu tư công); độ mở mô hình kinh tế không cao, tái cơ cấu kinh tế không cao. Trong 4 tháng đầu năm 2019, cả ba khu vực kinh tế, đặc biệt là công nghiệp suy giảm; FDI không đạt so với cùng kỳ năm 2018. Kinh tế vĩ mô, chiến tranh thương mại Quốc tế, do đó Việt Nam chịu áp lực lớn, việc tăng giá điện trong thời điểm hiện nay có thể là áp lực lạm phát trong quý II và cuối năm tăng; các dự án đầu tư lớn không có nên tăng trưởng kém, các dự án lớn như cao tốc Bắc Nam vốn hiện nay chưa có, chưa thể trển khai trong năm 2020; tình hình BOT diễn biến phức tạp, nhà đầu tư không mặn mà; thủ tục hành chính còn rườm rà.
Đại biểu Dương Quốc Anh (Đoàn Gia Lai) đề nghị một số giải pháp sau: Thứ nhất, cần giảm thủ tục hành chính. Việc gia nhập WTO hầu như là tăng vai trò quản lý nhà nước, cần phải cởi trói cho doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính một cách thực chất. Đẩy nhanh việc giải ngân vốn ODA, hiện nay chỉ còn Bộ Tài chính quản lý nguồn vốn này. Tiếp đến, trong hoạt động ngân hàng, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện tốt Nghị quyết số 42/2017/QH14, ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để ngân hàng giảm lãi suất. Chính phủ cần tăng vốn cho các ngân hàng có vốn nhà nước, hiện có 4 ngân hàng có vốn nhà nước, tỷ lệ vốn yêu cầu việc cho vay cao tuy nhiên vốn nhà nước chưa đảm bảo yêu cầu nên tỷ lệ % cho vay thấp. Để tăng vốn, Nhà nước có thể áp dụng việc chia cổ tức bằng trái phiếu đề giữ lại tiền cho ngân hàng hoạt động.
Vũ Định

Có thể bạn quan tâm