Xã hội

Gia đình

"Thắp đèn, bật tương lai"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 1. Hôm qua, tôi chọn cho con trai chiếc áo thun màu xanh lơ dịu mắt, mặc với quần jeans để dự ngày hội của người tự kỷ (ngày 2-4 đã được Liên hợp quốc chọn là “Ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ”, còn màu xanh lơ là biểu trưng, nhận diện chứng tự kỷ). Tất cả những bé cùng trường con tôi đều tham gia ngày hội này. Thằng bé tỏ ra rất vui, dĩ nhiên, nó không biết gì về sự mặc cảm mà nhiều người nghĩ có thể có ở một đứa trẻ tự kỷ.
Hai năm về trước, do muốn con an toàn khi xuống nước, tôi chạy khắp nơi tìm thầy dạy bơi. Song, tất cả những người dạy bơi đều từ chối. Lòng tôi đầy hy vọng khi tìm tới một thầy, được giáo viên chuyên biệt của con giới thiệu rằng rất có kinh nghiệm dạy trẻ ngỗ nghịch. Để rồi, nghe lòng mình nhói đau khi ông dằn giọng nói: “Tốt nhất chị đừng đưa nó đến nơi công cộng vì có thể ảnh hưởng đến những đứa trẻ khác. Trẻ con lỡ bị nó xô vô thành hồ, chị làm sao đền? Rồi tui cũng mang họa”. Đã nhiều lần, cánh cửa hòa nhập của con bị đóng rầm lại và mẹ thì chỉ biết rơi nước mắt lã chã.
Một lớp học của trẻ tự kỷ. Ảnh: internet
Khó mà trách được khi chính cô giáo của con cũng chưa rành rẽ lắm về chứng tự kỷ. Khi con học hòa nhập, cô giáo mầm non của con sau 2 ngày đi học về giáo dục trẻ chuyên biệt (một khóa học thêm cho tất cả giáo viên mầm non) trao đổi với tôi: “K.N là trẻ tự kỷ thì phải học trường chuyên biệt thôi chị ạ. Phải tìm trường chuyên biệt cho con học chứ đưa vô trường bình thường làm gì?”. Và lần khác, khi gặp em của K.N, cô vui vẻ cưng nựng con bé, nói: “May quá chị còn có con bé này ha, chứ thằng anh nó coi như bỏ đi rồi”. Lúc ấy, tôi chỉ muốn gào lên hỏi cô rằng: “Cô làm giáo dục mà nghĩ “bỏ đi” một con người dễ đến thế sao?”. Nhưng tôi đành nín nhịn, giấu nước mắt vào trong.
Sẽ rất nhiều lần một người mẹ phải đối diện với nước mắt của mình như thế, khi làm mẹ một đứa trẻ đặc biệt.
2. Một sáng, sau khi đưa con đi học, quay ra gặp anh bán cam vui tính nên tôi đứng lại chọn mua vài ký. Khá nhiều người cũng dừng lựa cam của anh vì cam ngon, bán rẻ hơn ở chợ, bởi theo anh, bán ở cổng trường chuyên biệt mà nói thách chi cho tội. Lại gặp câu chuyện cay sè mắt: “Sao mặt chị buồn hoài vậy?” (là anh bán cam hỏi chị kia, đang đứng lựa cạnh tôi, có vẻ như là khách quen). “Thì đó, cứ nhớ đến ổng hoài. Sao không buồn được”. “Thôi mà, người mất thì đã mất rồi chị ơi...”. “Ờ, hồi trước hôm ổng mất 3 ngày, đang nằm mê man bất tỉnh cả tuần, ổng đột ngột hồi dương. Ổng dặn, nhớ thương lấy thằng con nha, thằng nhỏ như vầy, kiểu gì cũng phải thương lấy nó. Rồi ổng lại mê man cho tới chết”.
Chị cúi gằm mặt lựa cam, giấu tiếng thở dài rất nhẹ. Chị chừng gần 40. Con chị bị tự kỷ, hơn 10 tuổi. Tôi ngoài 30, cũng mang bên mình đứa trẻ tự kỷ, lắm phen thở dài trách phận rằng sao lại phải bó chân bó tay bởi một đứa trẻ đặc biệt như vậy. Dù cạnh mình là chồng, anh chị em, bố mẹ chìa tay, chung vai chia sẻ. Tôi không thể hình dung rằng làm sao có thể chống đỡ với đời khi chỉ một mẹ một con tự kỷ, lại đối diện với nỗi đau mất chồng.
3. Thi thoảng có ai đó hỏi tôi, ước mơ của bạn là gì? Tôi nói, tôi mơ ước con trai mình được bình thường. Hoặc nếu con không thể bình thường được thì mong người bình thường hãy thông cảm và hiểu đúng về chứng tự kỷ. Chỉ thế thôi, 10 năm rồi, ước mơ ấy chẳng thay đổi. Chủ đề ngày 2-4 là “Thắp đèn, bật tương lai” và những tòa nhà cùng thắp lên màu xanh lơ đầy dịu dàng, hy vọng để hướng về những người tự kỷ, chẳng phải cũng không nằm ngoài ước mơ hay sao?
Ngày kia, một người bạn nói tôi đọc cuốn “Nhà giả kim” đi. Tin vào tiểu thuyết có lẽ là niềm tin lãng mạn nhất, cũng như câu “tin ở hoa hồng” mà trong nhiều tình huống chúng ta vẫn dùng. Nhưng có một điều rất thực, niềm tin luôn là liều thuốc bổ duy nhất trong nhiều hoàn cảnh. Và cuốn sách ấy ít nhiều khiến tôi thay đổi cách nghĩ. Tôi thôi không nghĩ về những điều buồn chán. Đơn giản, như Paulo Coelho viết: “Khi chúng ta nỗ lực để trở nên tốt đẹp hơn, mọi thứ xung quanh chúng ta cũng sẽ trở nên tốt đẹp hơn...”.
“Cuộc sống có cách riêng để thử thách ý chí của một người, có thể là để mọi chuyện xảy ra cùng một lúc hoặc chẳng có chuyện gì xảy ra cả”. “Một ngày khi bạn thức giấc, bạn sẽ thấy mình chẳng còn thời gian để làm những gì mình vẫn luôn mong muốn nữa. Hãy bắt tay thực hiện ngay hôm nay”. “Hãy dũng cảm lên. Sẵn sàng đón nhận rủi ro. Không gì có thể thay thế được trải nghiệm cả”… Như không ít người say đắm với “Nhà giả kim” khi tìm thấy sự đồng cảm với mình, những câu văn mang tính triết lý ấy khiến tôi thêm một lần tìm lại chính mình.
Cho con học hòa nhập nhiều năm không thành công, cho con vào trường chuyên biệt, bấm huyệt, uống thuốc theo toa bác sĩ… là hành trình không mệt mỏi của tôi cũng như hàng ngàn ông bố, bà mẹ có con là trẻ tự kỷ. Hành trình ấy sẽ không có đích đến cuối cùng nếu không có niềm tin, dù là tin vào ước mơ. Và, chỉ cần không bỏ cuộc thì kiểu gì cũng đến đích. Tôi luôn tự dặn lòng mình như thế.
 VÕ THU HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm