(GLO)- Nhắc đến làng Krông Hra (xã Kông Yang, huyện Kông Chro) người ta nghĩ ngay đến một “làng khát”, bởi nơi đây thiếu nước trầm trọng. Nhưng khát nước chưa phải là chuyện khổ nhất ở đây mà “khát” đường, “khát” việc làm mới là điều khiến nhiều người trăn trở...
Cái nghèo… hiện hữu
Con đường từ trung tâm xã Kông Yang đến làng chỉ có 8 km, vậy mà phải mất gần 1 tiếng đồng hồ chúng tôi mới tới làng dù đi bằng ô tô. Ngôi làng nằm lọt thỏm sau lưng núi. Những nếp nhà sàn, nhà xây nằm san sát. Người dân Krông Hra ở khá tập trung, quây quần, gần gũi bên nhau. Đón chúng tôi là Trưởng thôn Đinh Bông. Ông dẫn chúng tôi đi thăm xung quanh làng, chỉ những rẫy bắp khô vì cháy nắng, chiếc giếng đào bỏ hoang vì không có nước, ông Đinh Bông ngậm ngùi: “Làng mình hiếm nước lắm, mùa mưa còn lấy được nước suối để dùng chứ mùa khô phải ra tận sông bới cát mới có nước; cũng thử đào giếng nhưng mùa mưa mới có nước mà nước lại nhiễm phèn nên không uống được”.
Đoàn công tác Ban Quản lý Dự án giảm nghèo tỉnh Gia Lai kiểm tra các công trình tiểu dự án sinh kế tại huyện Kông Chro. Ảnh: L.L |
Theo Trưởng thôn Đinh Bông, cuộc sống dân làng vốn nghèo, thiếu nước lại càng khốn khó hơn. Cả làng có 59 hộ thì có tới 18 hộ nghèo. Kinh tế của làng chủ yếu là trồng bắp và lúa, bình quân mỗi hộ có khoảng 2-3 sào lúa rẫy và chừng 1 ha bắp. Vì thế, mọi thứ từ cái ăn, cái mặc đến mọi chi tiêu cũng chỉ trông chờ vào lúa và bắp. Song, việc trồng lúa và bắp không có công trình thủy lợi nên chỉ nhờ vào nước trời, khí hậu ôn hòa thì lúa, bắp mới cho năng suất, còn nắng hạn thì mất trắng, vì thế, cái nghèo cứ bám riết lấy dân làng.
“Giải khát” cho Krông Hra
Đi cùng chúng tôi hôm ấy là các cán bộ Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Kông Chro, Ban Phát triển xã Kông Yang đã đến trực tiếp hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” giúp bà con cách làm để phát triển sản xuất, nuôi bò sinh sản. Ông Trang Châu Khoa-cán bộ tư vấn sinh kế Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Kông Chro cho biết: “Krông Hra là một làng nghèo điều kiện đi lại rất khó khăn. Vì vậy, sau khi tìm hiểu, nắm bắt được mong mỏi của dân làng, với sự hỗ trợ của cán bộ hướng dẫn viên cộng đồng (CF) cùng với Ban Phát triển xã đã đề xuất với Dự án hỗ trợ tiểu dự án sinh kế nuôi bò sinh sản cho làng Krông Hra với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng, giúp 10 hộ tham gia nhóm sinh kế này mua phân bón, trồng cỏ, làm chuồng, mua bò giống và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò. Đặc biệt, để mang lại hiệu quả cao trong việc thực hiện nhóm đa dạng hóa sinh kế từ tiểu dự án nuôi bò này, ngay từ ngày đầu thành lập nhóm, bà con đã được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cách thức làm. Để bà con trong nhóm tiểu dự án hoạt động thuận lợi, nhóm đề xuất đầu tư mua máy bơm, chúng tôi cũng đáp ứng để giúp các hộ thuận lợi lấy nước từ suối lên tưới cho cỏ”.
Có mặt tại làng khi nhóm tiểu dự án nuôi bò sinh sản đang chuẩn bị làm chuồng bò, anh Đinh Iram-Trưởng nhóm cho biết: “Các hộ trong nhóm đã bàn bạc và quyết định cùng nuôi chung. Mọi người cũng đã chọn đất làm chuồng bò và đất trồng cỏ”. Nói rồi, Đinh Iram dẫn chúng tôi đến khu đất cuối làng nơi bóng cây đa cổ thụ rợp bóng mát. Một bãi đất trống chừng 50 m2 đã được san nền, bằng phẳng cùng với nhiều vật liệu, cây, gỗ… chuẩn bị dựng chuồng bò. Cách đó chừng trăm mét là một khoảng đất rộng 5 sào cũng được nhóm của Đinh Iram chọn để trồng cỏ. Cẩn thận kiểm tra lại từng cây gỗ để chuẩn bị xây dựng chuồng bò, anh Đinh Roc-một hộ trong nhóm sinh kế nuôi bò sinh sản làng Krông Hra tâm sự: “Nhà mình chưa bao giờ nuôi bò, vì thế nuôi chung sẽ thuận lợi hơn, mọi người hỗ trợ cho nhau. Cách nuôi chung này, mình sẽ học được kỹ thuật về chăn nuôi và chăm sóc bò. Mình mong muốn sau này bò sinh sản ra bê mình sẽ được chia bê về nhà tự nuôi, bê lớn thành bò mẹ, bò mẹ lại sinh ra bê, vậy là có tiền cho con cái học hành, có thêm điều kiện để nâng cao cuộc sống”.
Vui như mở cờ trong bụng, Trưởng thôn Đinh Bông nói: Được sự hướng dẫn của cán bộ, bà con trong nhóm thực hiện dự án ai cũng tích cực làm và cộng đồng trách nhiệm cao. Sau khi được tập huấn, dân làng nắm rõ được cách làm chuồng, quy trình trồng cỏ. Khi bò giống về bà con sẽ chăm sóc, trông giữ thật tốt để bò đẻ ra những con bê, còn giúp những hộ khác trong làng không có trong nhóm cùng thoát nghèo nữa.
Vậy là cơn “khát” của làng Krông Hra đã phần nào được giải tỏa, có bò để nuôi, đàn ông Krông Hra sẽ không còn thời gian say sưa bên can rượu cần, có máy bơm nước, đàn bà Krông Hra sẽ bớt vất vả đi gùi nước xa. “Mình chỉ còn một mong ước là hy vọng dự án sẽ hỗ trợ cho làng mình xây thêm bể chứa, bể lọc. Nếu được vậy dân làng mình sẽ bơm nước vào bể, ai ai cũng có nước sạch để dùng, đời sống người dân sẽ dần dần được khởi sắc”-Trưởng thôn Đinh Bông tâm sự.
Hy vọng chỉ ít thời gian nữa thôi, với sự hỗ trợ của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, Krông Hra sẽ tươi sáng hơn, đường về với Krông Hra cũng sẽ bớt gập ghềnh hơn; ước mơ của dân làng Krông Hra rồi đây sẽ thành hiện thực. Dự án không chỉ giúp dân làng cải thiện cuộc sống mà còn đầu tư con đường nối từ trung tâm xã Kông Yang vào làng Krông Hra, với tổng kinh phí gần 1,1 tỷ đồng. Con đường này được xây dựng, giúp cho hàng trăm hộ dân làng Krông Hra và làng Húp đi lại thuận tiện và có điều kiện phát triển kinh tế. “Còn việc xây dựng hệ thống nước sạch cho làng Krông Hra cũng là nhu cầu bức bách của dân làng, dự án sẽ đưa vào kế hoạch hỗ trợ trong năm đến theo thứ tự ưu tiên”-ông Trang Châu Khoa cho biết thêm.
Lê Lan